Hệ thống 'Đánh giá Nhân cách Xã hội' của Trung Quốc lợi hại đến đâu?

27/03/2018 - 05:00

PNO - Hệ thống mới phản ánh sự chuyển đổi mô hình đầy mưu mẹo và khéo léo mà nhờ đó, chính phủ khiến công dân thực thi hành động một cách dễ dàng hơn.

Đó là phương pháp kiểm soát xã hội nhờ vào hệ thống khen thưởng điểm để thúc đẩy tinh thần tham gia, cam kết và gắn bó trung thành.

He thong 'Danh gia Nhan cach Xa hoi' cua Trung Quoc loi hai den dau?
Người có điểm nhân cách kém sẽ bị hạn chế mua vé tàu xe, máy bay. Hình minh họa.

Tháng 10/2015, trong một khu hợp thời ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, BBC đã hỏi người qua đường về xếp hạng Sesame Credit của họ. Phần lớn chỉ nói về ưu điểm. Thật đáng kinh ngạc, rất ít người hiểu rằng xếp hạng đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của họ. Đáng báo động hơn là rất nhiều người không hiểu cách thức đánh giá điểm số ra sao.

Bản chất hệ thống 'Đánh giá Nhân cách Xã hội' của Trung Quốc

Ở thời điểm hiện tại, Sesame Credit không trực tiếp phạt công dân vì "không đáng tin cậy" mà hiệu quả hơn trong việc ràng buộc những cá nhân có hành vi tích cực với khen thưởng. Nhưng Hu Tao, giám đốc của Sesame Credit, cảnh báo rằng hệ thống được thiết kế để "ngăn cản người không đáng tin cậy thuê xe, vay tiền hay tìm việc làm". Bà thậm chí còn tiết lộ Sesame Credit đã tiếp cận Bộ Giáo dục Trung Quốc để tìm hiểu về các học sinh gian lận trong kỳ thi quốc gia, với mục đích khiến họ phải trả giá trong tương lai.

Các hình phạt sẽ thay đổi đáng kể khi hệ thống chính phủ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020. Trên thực tế, ngày 25/9/2016, Quốc vụ viện đã cập nhật chính sách có tựa đề "Cơ chế cảnh báo và trừng phạt đối với công dân phá vỡ chính sách tin tưởng”, trong đó có ghi: “Chỉ cần bị mất lòng tin một lần, công dân sẽ phải chịu áp đặt giới hạn mọi nơi.”

Ví dụ, những người có xếp hạng thấp buộc phải sử dụng Internet chậm hơn; hạn chế tiếp cận nhà hàng, câu lạc bộ đêm, sân golf, tiêu dùng trong khu vực nghỉ dưỡng hoặc kinh doanh lữ hành. Điểm số sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay tiền, thuê cơ sở vật chất, nhận bảo hiểm cũng như các phúc lợi xã hội khác.

Công dân có điểm số thấp sẽ không được phép nộp đơn tuyển dụng trong một số cơ quan, doanh nghiệp nhất định, đặc biệt là các lĩnh vực yêu cầu mức tin cậy cao như dịch vụ dân sự, báo chí và pháp lý. Họ cũng sẽ bị hạn chế khi đăng ký học cho chính mình hoặc con cái ở các trường tư thục cao cấp.

Trên đây chỉ là một vài trong nhiều hình phạt thực tế mà công dân Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai. Theo tài liệu của chính phủ, hệ thống đánh giá nhân cách xã hội "cho phép người đáng tin cậy sống thoải mái như trên thiên đường trong khi phần còn lại gặp vô vàn khó khăn.”

He thong 'Danh gia Nhan cach Xa hoi' cua Trung Quoc loi hai den dau?
 

Hãy suy nghĩ về trải nghiệm Uber bạn từng có. Liệu bạn có cư xử lịch sự hơn với lái xe khi biết họ cũng có thể đánh giá bạn? Tuy nhiên, xếp hạng Uber không là gì so với Peeple, một ứng dụng được phát hành tháng 3/2016, cho phép bạn chỉ định xếp hạng và đánh giá tất cả người quen gồm vợ/chồng, hàng xóm, ông chủ và thậm chí là người yêu cũ.

Một hồ sơ hiển thị một "Peeple Number", một điểm số dựa trên tất cả các thông tin phản hồi và đề xuất bạn nhận được. Đáng lo lắng là, một khi tên của bạn xuất hiện trên hệ thống Peeple, nó sẽ ở đó mãi mãi. Bạn không thể thoát ra hay xóa lịch sử.

Hệ thống đánh giá mức độ tin tưởng của Trung Quốc hiện vẫn được thử nghiệm trên nhu cầu tham gia tự nguyện, nhưng đã để lại hậu quả khó lường. Tháng 2/2017, Toà án Nhân dân Tối cao của nước này tuyên bố 6,15 triệu công dân đã bị cấm bay trong bốn năm qua do vi phạm quy tắc xã hội. Lệnh cấm được công khai như một bước tiến tới danh sách đen trong Hệ thống Đánh giá Nhân cách Xã hội.

Meng Xiang, đứng đầu bộ phận hành pháp của Tòa án tối cao nước này, cho biết: "Chúng tôi đã ký một thông cáo... [với hơn] 44 cơ quan chính phủ để hạn chế nhóm người mất uy tín ở nhiều cấp độ. 1,65 triệu người người khác bị liệt vào danh sách cấm đi tàu hỏa”.

Vấn đề khiến hệ thống này thực sự trở thành ác mộng là những thuật toán tính độ tin cậy thiếu công bằng và hợp lý. Họ không xem xét hoàn cảnh xảy ra sự việc. Chẳng hạn, một người có thể nộp tiền muộn vì phải chữa trị trong bệnh viện; trong khi một người khác là kẻ ỷ lại.

Đây cũng chính là thách thức không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả chúng ta trong thế giới số. Nếu các thuật toán được sử dụng để quản lý cuộc sống con người, chúng ta cần xây dựng chúng toàn diện, bao hàm cả những khác biệt, mâu thuẫn và phản ánh đúng sự thật.

Trong kế hoạch xây dựng tin cậy xã hội của Trung Quốc hiện nay, bạn cư xử tốt thì bạn sẽ được thưởng, có cảm giác như chơi một trò chơi thú vị. Tuy nhiên, đừng quên rằng, các hệ thống chấm điểm cá nhân này đã tồn tại ở phương Tây trong nhiều thập kỷ.

Hơn 70 năm trước, hai người đàn ông Bill Fair và Earl Isaac đã phát minh ra điểm tín dụng. Ngày nay, các công ty sử dụng điểm FICO để xác định nhiều quyết định tài chính, bao gồm cả lãi suất thế chấp và khả năng vay của khách hàng.

Đa số người Trung Quốc chưa từng có điểm tín nhiệm nên không thể nhận tín dụng. Wen Quan, một blogger có ảnh hưởng viết về công nghệ và tài chính: "Ở Trung Quốc, nhiều người không sở hữu nhà cửa, xe hơi hoặc thẻ tín dụng nên loại thông tin đó không có sẵn để đo lường. Ngân hàng trung ương có dữ liệu tài chính từ 800 triệu người, nhưng chỉ 320 triệu người có lịch sử tín dụng truyền thống." Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thiệt hại kinh tế hàng năm do thiếu thông tin tín dụng là hơn 600 tỷ nhân dân tệ (68 tỷ bảng Anh).

Sự thật rằng Trung Quốc không có hệ thống tín dụng quốc gia là lý do tại sao chính phủ kiên quyết về tính cấp thiết của Điểm Công dân, với mục đích “cứu vớt thiếu hụt lòng tin”. Trong một thị trường được quản lý kém, việc bán hàng giả mạo và hàng kém chất lượng là một vấn đề lớn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 63% hàng giả, từ đồng hồ, túi xách cho đến thức ăn trẻ em, xuất phát từ Trung Quốc. Creemers cho biết: “Mức tham nhũng nhỏ phá hoại ghê gớm. Vì vậy, nếu kế hoạch cụ thể này đem lại hiệu quả giám sát và trách nhiệm giải trình, nó sẽ được chào đón nồng nhiệt."

He thong 'Danh gia Nhan cach Xa hoi' cua Trung Quoc loi hai den dau?

Chính phủ cho rằng hệ thống này sẽ đưa những người ngoài hệ thống tín dụng truyền thống như sinh viên và hộ gia đình có thu nhập thấp vào guồng phát triển. Gần đây, Giáo sư Wang Shuqin, Văn phòng Triết học và Khoa học Xã hội, Đại học Capital Normal tại Trung Quốc đã thắng thầu giúp chính phủ phát triển một hệ thống mà bà tạm gọi là "Hệ thống thành thật trong xã hội Trung Quốc".

Giáo sư Wang nhấn mạnh, nếu không có cơ chế như vậy, việc kinh doanh ở Trung Quốc mang tính rủi ro cao vì khoảng một nửa số hợp đồng đã ký không được giữ. Bên cạnh đó, Giáo sư Wang coi "tiêu chuẩn đạo đức" mà hệ thống đánh giá, cũng như dữ liệu tài chính, là phần thưởng.

Thật vậy, mục tiêu của Quốc vụ viện là nâng cao "mức độ tín nhiệm và tinh thần trung thực của toàn xã hội" để nâng cao "sức cạnh tranh tổng thể của đất nước". Liệu SCS có thực sự là cách tiếp cận minh bạch hơn cho việc giám sát tại một quốc gia có lịch sử theo dõi công dân lâu dài?

Rasul Majid, blogger thiết kế hành vi và tâm lý trò chơi sống tại Thượng Hải, Trung Quốc chia sẻ: "Là người Trung Quốc, biết rằng mọi hành động online của mình đều được ghi lại, liệu tôi có nên để ý xem những chi tiết gì đang được theo dõi rồi dùng thông tin này để tuân thủ luật lệ? Hay tôi nên lờ đi, sống trong ảo vọng rằng quyền riêng tư cá nhân vẫn tồn tại, các cơ quan cai trị đủ tôn trọng công dân để không lợi dụng?" Nói một cách đơn giản, Majid cho rằng hệ thống này phần nào giúp anh kiểm soát dữ liệu tốt hơn.

Chính phủ các nước trên thế giới đã và đang trong quá trình giám sát và đánh giá. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) không phải là đơn vị kỹ thuật số chính thức duy nhất theo dõi các hoạt động của công dân. Năm 2015, Cục Quản lý An ninh Vận tải Hoa Kỳ đã đề xuất ý tưởng mở rộng kiểm tra nền tảng PreCheck với mục đích kiểm soát hồ sơ phương tiện truyền thông xã hội, dữ liệu vị trí và lịch sử mua hàng.

Ý tưởng thất bại sau khi nhận được chỉ trích nặng nề, nhưng không hoàn toàn biến mất. Vốn dĩ con người đang sống trong thế giới của các thuật toán tiên đoán có khả năng xác định chúng ta là ai: một mối đe doạ, rủi ro, một công dân tốt và thậm chí cả mức độ đáng tin cậy. Thật ra, cả thế giới đang tiến gần hơn đến hệ thống của Trung Quốc mà không hề hay biết.

Vậy, tương lai của con người là bị khai thác và rao bán online ư? Nếu không đứng lên bảo vệ quyền riêng tư của chính mình, chúng ta sẽ bước vào thời đại mà hành động của mỗi cá nhân đều bị đánh giá theo các tiêu chuẩn mà họ không thể kiểm soát, cũng không thể xóa bỏ. Hậu quả không chỉ gây phiền hà mà còn tồn tại vĩnh viễn. Không còn quyền phạm lỗi, không còn được mắc sai lầm tuổi trẻ, không thể lãng quên quá khứ ngu ngốc.

Vẫn còn quá sớm để hình dung một nền văn hóa với giám sát và đánh giá liên tục. Điều gì sẽ xảy ra khi các hệ thống này, họa đồ lịch sử xã hội, đạo đức và tài chính của toàn bộ dân số, có hiệu lực toàn bộ? Quyền riêng tư và tự do ngôn luận sẽ còn bị ăn mòn thêm bao nhiêu? Ai sẽ quyết định hướng đi của hệ thống? Đây là những câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải xem xét ngay bây giờ.

Hôm nay là Trung Quốc, rất có thể ngày mai, “nền văn hóa mới” này sẽ xuất hiện ở một nơi gần bạn. Nghi vấn thực sự về tương lai của niềm tin không phải là vấn đề công nghệ hay kinh tế, mà chính là đạo đức.

Nếu không cảnh giác, sự tin tưởng bị phân tán có thể đem lại xấu hổ lớn. Cuộc sống sẽ trở thành trận đấu bất tận, trong đó tất cả đều khao khát được đánh giá cao nhưng chỉ vài người ôm được hạnh phúc.

Đây là một đoạn trích từ cuốn sách Who Can You Trust? How Technology Brought Us Together and Why It Might Drive Us Apart (tạm dịch: Bạn có thể tin ai? Cách công nghệ đem con người lại gần nhau rồi chia cắt chúng ta), tác giả Rachel Botsman, nhà xuất bản Penguin Portfolio, xuất bản ngày 4/10/2017.

Ngọc Anh (theo Wired UK)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI