Hệ thống chiếu sáng thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm

02/03/2021 - 07:00

PNO - Cách thắp sáng không gian công cộng phù hợp vào ban đêm có thể khiến người dân cảm thấy an toàn khi trời tối, giúp họ có nhiều chọn lựa hơn, như đi bộ hoặc dùng các phương tiện giao thông. Việc chiếu sáng khoa học và nghệ thuật còn khuyến khích người dân muốn tham gia, giao lưu ngoài trời vào ban đêm hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đêm.

Ngày nay, ở các thành phố năng động, việc quy hoạch đô thị thường được tiến hành song song với thiết kế ánh sáng nhằm khai thác tiềm năng làm kinh tế ban đêm. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, kiến trúc sư Thái Linh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM) cho rằng: "Cần phải có quy hoạch để phát triển, quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng cho hoạt động kinh tế đêm theo hướng tiết kiệm năng lượng và tạo ra bản sắc. Muốn vậy, cần pháp lý hóa các nhu cầu phát triển bằng các quy hoạch chuyên ngành cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Đây là vấn đề cấp thiết vì chưa được quy định trong hệ thống quản lý phát triển đô thị của Việt Nam. Có quy hoạch, ta sẽ xác định được các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển, tạo ra bản sắc phục vụ kinh tế đêm và đi kèm các quy hoạch là hệ thống các quy định hướng dẫn để thực hiện hiệu quả".

Ánh sáng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống

* Phóng viên: Như vậy, việc chiếu sáng không gian đô thị không đơn thuần chỉ phục vụ giao thông?
- Kiến trúc sư Thái Linh (ảnh): Không ít lần, chúng ta tự hỏi, tại sao trên đường về nhà vào ban đêm, có chỗ ta cảm thấy an toàn nhưng chỗ khác lại không? Cách thắp sáng không gian công cộng phù hợp vào ban đêm có thể khiến người dân cảm thấy an toàn khi trời tối, giúp họ có nhiều chọn lựa hơn, như đi bộ hoặc dùng các phương tiện giao thông. Việc chiếu sáng khoa học và nghệ thuật còn khuyến khích người dân muốn tham gia, giao lưu ngoài trời vào ban đêm hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đêm.

Hiện các chuyên gia trên thế giới có chung quan điểm là, chiếu sáng đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu an toàn giao thông mà còn tạo cơ hội đáng kể để cải thiện cơ bản chất lượng cuộc sống của người dân thành thị. Ánh sáng có thể tác động tích cực đến tổng thể kiến ​​trúc của các thành phố, củng cố các nguyên tắc thiết kế đô thị, nâng cao trải nghiệm văn hóa và khuyến khích sự tương tác xã hội.

* Vậy theo ông, điều gì tạo nên hiệu quả chiếu sáng ban đêm?

- Việc tạo ra ánh sáng hiệu quả vào ban đêm đòi hỏi phải có sự phối hợp chuyên môn về thiết kế chiếu sáng, quy hoạch đô thị và xã hội học để tạo ra không gian sống an toàn, vui tươi. Vai trò của chiếu sáng đô thị trong tương lai sẽ bị nhiều yếu tố ảnh hưởng, như xã hội, công nghệ, kinh tế, môi trường và chính trị.

* Chúng ta cần làm gì để nâng cao sự quyến rũ của đô thị về đêm, đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM, thưa ông?

- Tôi cho rằng, đèn đêm sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển của con người và địa phương. Các nghiên cứu cho thấy, ánh sáng ban đêm có ảnh hưởng tích cực đến các chỉ số phát triển như giáo dục và sức khỏe. Chiếu sáng đô thị sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh việc hiện thực hóa thành phố thông minh.

Chẳng hạn như từ tháng 6/2019, chính quyền TP. Nam Kinh - thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc với dân số hơn 8 triệu người - đã gia nhập LUCI, cho thấy họ đã xác định ánh sáng là yếu tố rất quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị của mình. LUCI là một hiệp hội quốc tế xác định ánh sáng là công cụ chính để thúc đẩy phát triển đô thị, kinh tế - xã hội mang tính bền vững và thân thiện môi trường. Ngoài ra, khi quyết định tham gia LUCI, chính quyền TP. Nam Kinh muốn tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ việc sử dụng hệ thống chiếu sáng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong phát triển.

Hệ thống chiếu sáng song hành cùng đô thị thông minh 

* Ông có thể dẫn chứng rõ thêm về kinh nghiệm của Nam Kinh?

- Trọng tâm chính trong chiến lược chiếu sáng của Nam Kinh là lịch sử và văn hóa lâu đời của thành phố nhằm làm nổi bật cảnh quan, nhất là cảnh đêm độc đáo. Cụ thể, để làm nổi bật nét văn hóa, họ lập kế hoạch phát triển ánh sáng thành phố với sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nam Kinh chú trọng cân đối cường độ thi công chiếu sáng ở các khu vực và các giai đoạn phát triển khác nhau, đồng thời cân bằng giữa ánh sáng chức năng và ánh sáng cảnh quan.

Bên cạnh việc chiếu sáng các nút giao thông trọng điểm, cổng chào, các đại lộ chính, Nam Kinh còn tạo ra những điểm ngắm cảnh đêm tiêu biểu của thành phố. Một số dự án trọng điểm cũng đã được hoàn thành như dự án chiếu sáng cảnh đêm hồ Huyền Vũ, đền thờ Khổng Tử, tường thành nhà Minh, sông Tần Hoài… 

* Hệ thống chiếu sáng đô thị của TPHCM cần giải quyết những vấn đề gì trong chiến lược phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của một “đô thị 24/7”?

- Phát triển theo quy hoạch phải có trọng tâm, kế hoạch, thứ tự ưu tiên, trong đó cần bảo đảm thu hút đầu tư phát triển theo các loại hình đầu tư công - tư, bảo đảm phát triển theo hướng bền vững, thuận lợi cho việc quản lý, vận hành, tránh ô nhiễm ánh sáng trong môi trường đô thị.
Việc xây dựng thành phố thông minh là một điều thuận lợi để nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị. Hệ thống điện của thành phố thông minh sẽ là lưới điện thông minh để thu thập và truyền tải dữ liệu nhằm gia tăng giá trị dịch vụ cho người dân thông qua công nghệ thông tin và truyền thông. 

* Như vậy, phát triển hệ thống chiếu sáng sẽ song hành với phát triển đô thị thông minh?

- Đúng vậy. Chúng ta có công nghệ chiếu sáng, công nghệ điều khiển, quản lý, công nghệ phát triển đô thị thông minh, khả năng quản lý vận hành được nâng cao, phù hợp điều kiện của từng dự án chiếu sáng. Những thay đổi trong hệ thống chiếu sáng đô thị không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về không gian công cộng mà còn thay đổi hành vi tham gia giao thông. Chất lượng chiếu sáng khác nhau tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng và môi trường được chọn để lắp đặt.

Ví dụ, qua khảo sát, việc chuyển đổi từ đèn chiếu sáng thông thường sang công nghệ LED giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cũng như giảm ô nhiễm ánh sáng, giúp người đi bộ cảm thấy thoải mái hơn vào buổi tối, người điều khiển phương tiện cũng khá hài lòng về độ sáng đồng đều hơn trên đường phố. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro nhất định trong việc duy trì chất lượng, vì công nghệ LED có ưu thế trong nhà hơn ngoài trời.

* Theo đề án thay đổi hệ thống ánh sáng về đêm, 5 năm tới, TPHCM sẽ có chiếu sáng mỹ thuật ban đêm ở những địa điểm nổi tiếng, các con đường lớn dẫn vào trung tâm thành phố… để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Ông có lưu ý thêm điều gì?

- Tôi muốn nói đến tính hai mặt của công nghệ. Do đó, rất cần sự bảo đảm an ninh công nghệ, an ninh mạng khi phát triển các hệ thống chiếu sáng theo công nghệ mới cũng như hệ thống đô thị thông minh.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)
 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI