Sau vòng đối thoại Nga-Trung lần thứ 4 về an ninh ở Đông Bắc Á, được tổ chức ở Moscow ngày 29/7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng quyết định của Mỹ và Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc có thể phá hoại nghiêm trọng an ninh chiến lược của Nga và Trung Quốc.
Theo tuyên bố, Nga và Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về quyết định của Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD.
Hai bên cho rằng những động thái của Washington nhằm đơn phương phát triển hệ thống lá chắn tên lửa chiến lược và việc triển khai hệ thống này ở nhiều khu vực trên thế giới, hiện gồm cả Đông Bắc Á, ảnh hưởng bất lợi tới sự cân bằng chiến lược của khu vực và trên thế giới.
Giới chuyên gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Hàn Quốc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ với việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này, làm củng cố thêm dự đoán về sự căng thẳng leo thang trong khu vực và cuộc chạy đua vũ trang trong bối cảnh xuất hiện sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng.
Mỹ - Hàn Quốc "trấn an" THAAD chỉ nhằm vào Triều Tiên
Ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố về thỏa thuận với Mỹ triển khai một khẩu đội THAAD tại khu vực Seongju, cách Seoul khoảng 300 km về phía Đông Nam, muộn nhất là đến cuối năm 2017; coi đây như một phần của các biện pháp bảo vệ các lực lượng quân sự của liên minh Hàn-Mỹ, cũng như đảm bảo an ninh của Hàn Quốc và người dân trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
|
THAAD được biết đến là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, có thể đánh chặn mọi mục tiêu, là một hệ thống con trong hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ. |
Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ hôm 26/7 cho biết, "Đây hoàn toàn chỉ là biện pháp phòng vệ. Nó không nhằm vào bên nào ngoài Triều Tiên và mối đe dọa từ họ. Hệ thống vũ khí phòng vệ này không được thiết kế hoặc có đủ khả năng để đe dọa các lợi ích an ninh của Trung Quốc".
THAAD - kính viễn vọng giám sát Biển Đông
THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối). Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn, bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
|
Giống như Patriot, THAAD được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo đang trong giai đoạn cuối của hành trình. Tuy nhiên, nó được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu ở tầm cao, tạo cho hệ thống này khả năng phòng thủ lớn hơn. |
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn truy đuổi - tiêu diệt tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy tìm mục tiêu.
Mỗi khẩu đội THAAD sẽ bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa, mỗi xe có 8 ống phóng; radar mạng pha AN/TPY-2 có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km; cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.
|
Sơ đồ minh họa quá trình phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. ẢnhBusiness Insider |
Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200 km, tầm cao 25 km. Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Thông tin sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn. Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn mất khoảng 5 phút.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Trung Quốc, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được ví như một giá “kính viễn vọng cực lớn”, điều này thực ra đã được các hãng truyền thông thế giới xác nhận sự thật.
Trên kênh truyền hình NHK Nhật Bản vừa qua đã cho biết, radar trong hệ thống THAAD có tính năng cực mạnh, triển khai tại Hàn Quốc nó có khả năng giám sát toàn bộ trang bị, vũ khí quân sự bố trí ở phía Đông Bắc Trung Quốc, cùng với các hoạt động thử nghiệm vũ khí.
|
Trong khi Nhật Bản bày tỏ ủng hộ việc triển khai THAAD thì các nước láng giềng của Hàn Quốc là Trung Quốc và Nga đã bày tỏ quan ngại về hệ thống này. |
Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Nga đưa ra nhận định, mục tiêu ẩn giấu sau hành động triển khai THAAD tại Hản Quốc của Lầu Năm Góc là “phong tỏa bờ Đông của Trung Quốc”, kiểm soát các chiến hạm và máy bay của Trung Quốc xuất phát từ phía Đông nước này, đồng thời cản trở Bắc Kinh xây dựng hạm đội tàu viễn dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga không lí giải là tại sao nước này lại phản đối quyết liệt việc Mỹ và Hàn Quốc nhất trí triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia quân sự đưa ra bình luận cho rằng, THAAD triển khai ở Hàn Quốc sẽ giám sát được một khu vực lớn duyên hải phía Đông Trung Quốc và biển Hoa Đông, cùng với một phần khu vực Viễn Đông của Nga và các vùng biển giáp Nga.
Đây là nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh và Moscow năm lần bảy lượt đưa ra ý kiến phản đối hành động này của Washington và Seoul.
Minh Đức