Hễ mưa to, Đà Lạt lại xảy ra sạt lở

03/07/2023 - 06:24

PNO - TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có nhiều đồi, dốc. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa tăng khiến tình trạng sạt lở tăng theo, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Chiều tối 1/7, tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bị sạt lở. Thông tin ban đầu cho biết, trong lúc cơ quan chức năng đang xử lý nền đất để tránh sạt lở ở nền đất trên đường Yên Thế (cao hơn đường Hoàng Hoa Thám khoảng 30m) thì bờ taluy còn lại đã gãy, rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám. Bờ taluy bằng bê tông này rớt từ độ cao khoảng 30m xuống khu vực đã sạt lở trước đó. Trong quá trình rớt từ trên cao xuống, bờ taluy đã lao vào một căn nhà khiến căn nhà này bị hư hỏng.

Hiện trường vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt - ẢNH: HƯƠNG GIANG
Hiện trường vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt - Ảnh: Hương Giang

Trước đó, 3g ngày 29/6, tại khu vực trên đã xảy ra vụ sạt lở đất tại công trường thi công taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10. Khi nhiều công nhân xây dựng đang ngủ bên trong lều tạm thì đất, đá, bê tông trên bờ taluy ở độ cao 20m đổ ập xuống nhà dân và khu lán trại công nhân xây dựng khiến nhiều người bị vùi lấp, trong đó 2 người (đôi vợ chồng quê ở tỉnh Phú Yên) tử vong.

Khoảng 6 giờ trước khi xảy ra vụ sạt lở trên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng đã phát đi cảnh báo về nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập cục bộ, đặc biệt là ở các vùng thấp trũng, vùng ven sông suối, vùng sườn đồi, bờ kè, taluy dương (phần kè dốc tính từ mặt đường trở lên). Thực tế, sau khi có cảnh báo trên, toàn TP Đà Lạt đã ghi nhận 13 vụ sạt lở ở các phường 3, 4, 5, 6, 10 và 11.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mưa to (51 - 100mm trở lên trong 24 giờ) thường gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người. Ở TP Đà Lạt, những ngày qua, lượng mưa trung bình trên 50mm/24 giờ, có ngày 60mm. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám là do mấy ngày qua, mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn và do chủ đầu tư đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công. Lượng nước lớn thấm xuống đất, cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn đã gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực, dẫn đến sụp đổ công trình.

Một căn nhà nằm trên dốc cao bên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt bị hư hại nghiêm trọng do sạt lở đất - ẢNH: HƯƠNG GIANG
Một căn nhà nằm trên dốc cao bên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt bị hư hại nghiêm trọng do sạt lở đất - Ảnh: Hương Giang

Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, sau các trận mưa lớn, các bờ taluy cũ được thi công bằng kỹ thuật lạc hậu, (xây kè rồi đổ đất lên) bị ngấm nước, dẫn đến sạt lở. Bên cạnh đó, do địa hình dốc, nhà cửa không đồng nhất về kiến trúc, vật liệu, cách thức xây dựng, cộng với mật độ xây dựng ngày càng gia tăng khiến nguy cơ sạt lở ngày càng cao.

Cứ vào mùa mưa, TP Đà Lạt lại xảy ra các vụ sạt lở. Riêng năm nay, mới đầu mùa mưa nhưng các vụ sạt lở xảy ra liên tục. Ngoài vị trí sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám, trên đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba Tháng Tư… cũng đang có nhiều điểm sạt lở được đánh giá là khá nghiêm trọng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng - cho rằng, việc các công trình xây dựng mới, cũ đan xen với nhau, công trình sau xây cao hơn công trình trước và nhồi cọc xuống lòng đất đã phá vỡ kết cấu tự nhiên, gây ra tình trạng sạt lở khi có mưa lớn. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Phổ (Tổng hội Địa chất Việt Nam) nhận định, vụ sạt lở ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt là do mưa nhiều khiến lớp phong hóa bên trên bị thấm nước, mềm đi và tách khỏi lớp đá gốc bên dưới, tạo thành mặt trượt. Khối đất đá taluy bên trên ngày càng nặng thêm do bị thấm và giữ nước mưa nên dễ dàng bị tuột xuống. 

Ở vị trí xảy ra sự cố là đồi dốc, có nguy cơ sạt lở cao. Nhiều người dân thích xây nhà ở khu vực triền đồi, triền dốc, bờ vực để có khung cảnh (view) đẹp, nhưng nếu không xử lý tốt về địa chất, nền móng, hệ thống cọc thì rất dễ xảy ra sự cố. Thêm nữa, cần phải có hệ thống thoát nước chuẩn để đất không bị thấm nước nhanh và giữ nước quá lâu. 

Ông phân tích thêm: “Những năm gần đây, Đà Lạt đô thị hóa quá nhanh nhưng quy hoạch thoát nước không bài bản. Nếu không có chỗ thoát nước, nước ngấm hết vào đất thì dễ tạo mặt trượt. Việc phá rừng, chặt thông khiến nước mưa không được giữ lại nên ồ ạt đổ từ trên cao xuống các vùng trũng, gây ngập và sạt lở”.

Theo ông, cùng với việc khắc phục tình trạng sạt lở hiện hữu, các cơ quan chức năng cần khoanh vùng, đánh giá xem tình trạng này có nguy cơ mở rộng ra khu vực xung quanh hay không để cảnh báo cho người dân, thậm chí di dân để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. 

Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở đất ở TP Đà Lạt làm 2 người chết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ việc; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. 

TP Bảo Lộc: 20 khu, điểm có nguy cơ sạt lở cao

TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất, taluy, bờ kè. Khuya 17/6, bờ taluy cao khoảng 8m đã sạt lở, đất đá đổ xuống xưởng cán tôn cạnh Quốc lộ 20, thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc khiến 1 người tử vong. Sau đó, qua rà soát, ngành chức năng TP Bảo Lộc ghi nhận 20 vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao mỗi khi mưa lớn.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng báo cáo nguyên nhân vụ sạt lở

Ngày 1/7, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh sự cố sạt lở tại hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt làm 2 người chết, 5 người bị thương. 

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, vị trí sạt lở là công trình taluy chắn đất có tổng chiều dài 381m, kết cấu bê tông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400. Công trình này được xây dựng trên 4 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 4 và được UBND TP Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng ngày 29/3/2021. Công trình do Công ty cổ phần Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng làm nhà thầu thi công và thiết kế xây dựng; nhà thầu thẩm tra thiết kế là Công ty TNHH Hà Phát Thịnh. 

Nguyên nhân sơ bộ của vụ sạt lở do thời gian gần đây tại khu vực TP Đà Lạt mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn. Đồng thời, chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công, lượng nước lớn thấm xuống đất cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sụp đổ công trình.

Hương Giang - Minh Linh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI