Hễ mưa lũ, cơ sở hạ tầng ở miền Trung lại tan hoang

29/10/2021 - 06:48

PNO - Tại miền Trung, sau những đợt mưa lớn kéo dài, cơ sở hạ tầng lại hư hỏng, phải sửa chữa. Ngoài địa hình dốc, việc thiếu vốn, thi công ẩu đã khiến công trình dễ bị hư hại; việc sửa chữa vá víu lại tiếp tục khiến công trình thiếu sức chống đỡ.

Đường nát, làng bị nuốt

Sau các trận mưa to, đoạn Quốc lộ 1A chạy qua hai xã Lộc An và Lộc Sơn của huyện Phú Lộc lộ ra nhiều ổ gà, ổ voi. Đây là đoạn đường thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A do Ban Quản lý dự án 4 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư với kinh phí 1.660 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, hoàn thành vào tháng 10/2015.

Cứ mỗi khi đến mùa mưa, ổ voi, ổ gà lại xuất hiện và lại được vá víu thủ công bằng cách đắp nhựa đường vào chỗ hỏng, nên dễ bong tróc. Đoạn này không có biển cảnh báo nên rất nguy hiểm cho việc lưu thông. 

Sau đợt mưa lũ, Quốc lộ 49B đoạn qua thôn Tân An (xã Lộc Bình, H.Phú Lộc) sạt lở đất nghiêm trọng - ẢNH: THUẬN HÓA
Sau đợt mưa lũ, Quốc lộ 49B đoạn qua thôn Tân An (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) sạt lở đất nghiêm trọng - Ảnh: Thuận Hóa 

Sau khi mưa lớn tạm ngưng, tuyến Quốc lộ 49B qua thôn Tân An, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc bị sạt lở đất nghiêm trọng tại Km96+170 khiến chính quyền địa phương phải di dời 33 hộ với 120 nhân khẩu. Hiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn qua huyện A Lưới vẫn còn 80 vị trí sạt lở ta luy dương (sườn dốc tính từ mặt đường trở lên), nhiều điểm sạt lở 4-5 lần. Cơ quan chức năng cho hay, phải mất hơn mười ngày mới dọn xong lượng đất đá trên đường. 

Còn ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tình trạng sóng biển nuốt làng đang tái diễn. Năm 2020, biển ăn sâu vào đất liền hơn 30m. Năm nay, mới qua một trận mưa bão cuối tháng Mười mà đoạn gần bãi tắm xã Phú Thuận đã có thêm một điểm sạt lở mới dài hơn 100m, sâu vào đất liền gần 7m. 

“Các ngôi nhà cũ, nhà hoang ở kia trước đây là nhà dân, nhưng giờ họ đã được đưa đi tái định cư chỗ khác. Nhà tôi ở bên này đường cũng bắt đầu bị sóng biển liếm tới, nước ngập đường, ngập sân vườn. Cứ đến mùa mưa bão, chính quyền xã lại vận động chúng tôi chuyển đến nơi an toàn để trú ẩn” - anh Đặng Văn Tuấn (thôn Tân An, xã Phú Thuận) nói. 

Tại xã Phú Thuận, có bốn thôn bị nước biển xâm thực, nhưng mới kè được 1km trong tổng chiều dài 5,2km cần kè. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 24 xã ven biển bị sạt lở bờ, biển xâm thực, đe dọa tính mạng và tài sản của khoảng 2.150 hộ dân, ảnh hưởng đến các công trình dân sinh.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, tình trạng sạt lở, xâm thực mỗi mùa mưa bão có nguyên nhân từ sự mất cân đối giữa phát triển kinh tế, xã hội với công tác bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Nhiều dự án, công trình, mô hình kinh tế ven biển hủy hoại rừng phòng hộ vẫn tiếp tục được phê duyệt đầu tư nhưng việc trồng rừng thay thế lại chưa phát huy hiệu quả, thậm chí sai phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, toàn tỉnh cần 1.336 tỷ đồng để xây kè chống sạt lở, nhưng chưa tìm được nguồn kinh phí.

Hàng chục hộ dân bản Bủng Xát nơm nớp lo sợ sống trong cảnh núi chực chờ sập,  bờ sông sạt lở - ẢNH: PHAN NGỌC
Hàng chục hộ dân bản Bủng Xát nơm nớp lo sợ sống trong cảnh núi chực chờ sập, bờ sông sạt lở - Ảnh: Phan Ngọc

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 1.332 hộ với 4.280 người nằm trong vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, cần di dời, sơ tán khi có mưa lớn kéo dài. Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên là những huyện có nguy cơ cao về sạt lở đất nhất.

Cứ mưa thì sạt lở núi

Chỉ tay vào tảng đá nằm chình ình bên bức tường rào đã đổ sập, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tam Hợp, huyện Tương Dương - nói: “Cũng may, vụ sạt lở xảy ra ban đêm, lúc không có cô trò”. Đêm 8/9, sau một trận mưa lớn kéo dài, đất, đá từ trên núi Khe Tương sạt lở, tràn thẳng xuống khuôn viên điểm trường này. Một tảng đá tròn lớn lăn thẳng từ đỉnh núi xuống đã khiến một đoạn tường vây của trường bị đổ sập. 

Năm học này, điểm trường này phải đóng cửa, học sinh phải chuyển đến điểm trường phụ cách đó 3,5km. Sạt lở là nỗi lo chung của hàng chục hộ dân bản Xốp Nặm khi sống dưới chân núi Khe Tương. Ông Viêng Văn Viện - Trưởng bản Xốp Nặm - cho hay, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng sạt lở. Những tảng đá mồ côi ở hông núi Khe Tương từng nhiều lần lăn xuống làm hư hỏng tài sản của người dân.

Tháng 10/2020, đất đá từ trên núi bất ngờ đổ xuống bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Người dân trong bản hô hoán nhau tháo chạy khỏi nhà. Sáng hôm sau, họ lên núi kiểm tra thì thấy vết nứt rộng 1m, nhiều đoạn sâu khoảng 2m, chạy theo hình vòng cung dài hơn 200m, xé toạc triền núi ở trước nhà. Ước tính, có khoảng nửa triệu m3 đất đá đã bị tách rời hoàn toàn khỏi triền núi, có thể đổ ập xuống, vùi lấp 17 nhà dân và tuyến đường nhựa phía dưới chân núi.

UBND huyện đã gửi tờ trình khẩn cho UBND tỉnh, xin chủ trương để di dời khẩn cấp các hộ bị ảnh hưởng nhưng một năm trôi qua, vẫn chưa thấy cấp tỉnh có động tĩnh gì. Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê - cho biết, do lo sợ núi lở, hai gia đình có nhà trong vùng nguy hiểm đã phải tự di dời nhà đến nơi khác.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - toàn tỉnh hiện còn 33 điểm thường xuyên sạt lở khi mưa lũ. Trong đó, huyện Kỳ Sơn có nhiều điểm sạt lở nhất, ảnh hưởng đến 384 hộ với 2.009 nhân khẩu. Do thiếu nguồn vốn nên UBND tỉnh mới lên kế hoạch xử lý được hai điểm sạt lở ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Với các điểm sạt lở ở miền xuôi, UBND tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp xử lý. 

Đất đá cô lập xóm thôn

Mưa từ ngày 22 - 24/10 đã gây sạt lở tuyến đường Eo Chim qua xã Hương Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài khoảng 200m. 490 hộ, 2.216 nhân khẩu của ba thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam bị cô lập với bên ngoài. Tại trụ sở UBND xã Trà Xinh, đất đá từ trên đồi đổ xuống làm sạt vách nhà làm việc của Ban Chỉ huy quân sự xã, tràn vào nhà gây hư hỏng tài sản.

Mưa lũ trong những ngày qua đã tàn phá nặng nề hệ thống giao thông miền núi Quảng Nam (trong ảnh: Cây cầu đoạn qua xã Phước Lộc, H.Phước Sơn bị nước lũ cuốn trôi cả mặt cầu)  - ẢNH: NGUYỄN DƯƠNG

Ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng - cho biết, huyện này còn có 17 điểm sạt lở khác với hàng trăm m3 đất đá vùi lấp đường, kênh mương, nhưng UBND huyện không có kinh phí để khắc phục.

Tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, có 12 công trình cung cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở, tổng thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 2.564m kênh mương bị sạt lở, 3 hồ chứa nước bị hư hỏng, 28 đập dâng bị bồi lấp, nhiều tuyến đường lớn, bờ sông suối bị hư hại nghiêm trọng. 

Ở tỉnh Quảng Nam, mưa lũ khiến 5.373 nhà (20.219 nhân khẩu) bị ngập từ 0,5 - 2m; hơn 10ha hoa màu bị thiệt hại nặng nề; 150ha nuôi trồng thủy sản bị sạt lở và 2,5ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập. Ông Hồ Công Điểm - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, nhiều đường liên xã bị phá nát, tổng thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng.

Ông Tơ Ngôl Với - Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ước tính thiệt hại do hư hỏng đường khoảng 8 tỷ đồng. Còn ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, đợt mưa lũ kéo dài vừa rồi gây thiệt hại ước tính hơn 6 tỷ đồng, chủ yếu là sạt lở cầu cống, hệ thống giao thông liên xã. 

Nhóm phóng viên miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI