Hè mặn vùng cửa biển

21/06/2024 - 06:37

PNO - Còn mùa hè của những em nhỏ vùng ven rừng, ven biển Cà Mau là những chuỗi ngày dài lặn lội nơi đồng ruộng, bìa rừng, cửa sông, cửa biển để mò cua, bắt ốc.

Em Nguyễn Khải Minh (thứ hai từ bên trái) cùng các bạn đi bắt ốc len dưới tán rừng
Em Nguyễn Khải Minh (thứ hai từ bên trái) cùng các bạn đi bắt ốc len dưới tán rừng

Mùa hè, với trẻ em thành thị là thời gian được cùng cha mẹ đi du lịch, vui chơi ở các công viên hay thỏa sức chơi game, xem ti vi, điện thoại. Còn mùa hè của những em nhỏ vùng ven rừng, ven biển Cà Mau là những chuỗi ngày dài cùng cha mẹ - hoặc có khi một thân một mình - lặn lội nơi đồng ruộng, bìa rừng, cửa sông, cửa biển để mò cua, bắt ốc. Tiền kiếm được, các em dành để mua sách vở, dụng cụ học tập cho năm học mới và giúp cha mẹ trang trải sinh hoạt gia đình.

Mưu sinh nơi "ráo nước là hết tiền"

Cửa biển Giá Lồng Đèn thuộc xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nằm giữa bìa rừng phòng hộ với hàng chục nóc gia. Cũng chính điều đó buộc học sinh nơi đây phải đi học bằng đò, tốn chi phí rất cao. Hè tới cũng là lúc các em nhỏ xếp lại tập sách, bắt đầu những ngày mưu sinh.

Em Nguyễn Khải Minh, dù mới học lớp Ba nhưng đã có 2 mùa hè cùng cha đi biển. Những lúc biển êm, em sẽ phụ cha giăng lưới bắt cá. Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 4g sáng, Khải Minh đã phải thức dậy chạy máy cho cha đi đánh lú ngoài biển. Ngày biển động, em vào rừng cùng anh chị bắt ốc, mò sò. Hôm nào trúng nhiều, mấy anh em bắt được khoảng 6kg, bữa ít cũng tầm 4kg. Mỗi ký ốc, mẹ em đem bán được khoảng 60.000 đồng. Riêng phần Khải Minh, em khoe mỗi ngày kiếm được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này sẽ được cha mẹ em chắt chiu để dành đóng tiền học, sắm sửa áo quần, tập sách cho Minh khi vào năm học mới.

“Đi lưới ngoài biển thì khỏe vì con chỉ lo việc chạy máy, còn đi bắt ốc cực hơn, phải lội sình mấy tiếng đồng hồ trong rừng, bị muỗi cắn, bị hàu cắt chân” - Khải Minh hồn nhiên kể.

Anh Phạm Chí Xuyên - chú ruột của Khải Minh - cho biết cuộc sống mưu sinh của bà con nơi cửa biển rất vất vả, làm ngày nào ăn ngày đó. Anh kể: “Sống ở đây vậy đó, cứ ráo nước là hết tiền nên đâu ai tích lũy được gì. Do nằm tách biệt nơi cửa biển nên muốn đến được trường, mỗi đứa con nít phải tốn hơn 30.000 đồng tiền đò/ngày. Mấy đứa lớn thì còn tự đi được, những đứa lớp Một, lớp Hai, cha mẹ phải đưa đi và đợi rước về, tốn thời gian và tiền bạc lắm. Lo cho tụi nhỏ học được tới lớp Năm là mừng rồi. Thường mấy đứa khoảng 10 tuổi trở lên là bắt đầu theo cha mẹ kiếm ăn”.

Bắt ếch, mò cua nuôi ước mơ đi học

Màn đêm buông xuống, khi những cơn mưa đầu hè như trút nước vừa tạnh cũng chính là lúc những đứa trẻ thôn quê mừng như mở hội vì có thể ra đồng săn bắt. Những con chuột, con cua, con ếch đều được các em gom nhặt để nuôi ước mơ đến trường.

Em Nguyễn Chí Tài (12 tuổi) theo cha ra đồng bắt nhái từ tối đến khuya. Hằng đêm, quãng đường em di chuyển có thể lên đến hàng chục km. Dù vậy, có đêm em chỉ bắt được hơn 1kg nhái. Mỗi ký bán được 50.000 đồng, số tiền không đáng là bao với nhiều đứa trẻ nơi phố thị, nhưng với Tài vậy là vui rồi. Mỗi đêm hè qua đi, Tài có thêm 50.000 đồng bỏ ống heo để dành đi học.

Tài khoe: “Ở nhà con cũng không có gì chơi. Con nít cả xóm này đứa nào cũng vậy hết nên con đi theo bắt nhái cũng đỡ buồn. Bắt nhái vừa để ăn, vừa có dư bán kiếm tiền đi học. Con bắt nhái, bắt chuột, câu cá… mấy tháng hè là đủ tiền mua sách vở, dụng cụ học tập”.

Sau cơn mưa, em Nguyễn Chí Tài (12 tuổi) cùng cha và các bạn ra đồng tìm bắt ếch  để bán kiếm tiền cho năm học mới
Sau cơn mưa, em Nguyễn Chí Tài (12 tuổi) cùng cha và các bạn ra đồng tìm bắt ếch để bán kiếm tiền cho năm học mới

Anh Đoàn Kỳ Nam - Phó bí thư Xã đoàn Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - cho biết, bản thân anh cùng tổ chức đoàn rất cảm thông, thấu hiểu và quan tâm đến các em nhỏ nơi đây. Theo anh Nam, dù đầu năm học mới, chi đoàn có vận động giúp các em một phần chi phí lo sách vở và tiền đò để đi học, nhưng bà con nơi cửa biển đa số rất khó khăn, lo cái ăn còn chưa đủ, lấy đâu tiền cho các em học lên cấp II.

“Khu vực cửa biển Giá Lồng Đèn này, sóng điện thoại cũng rất yếu, lúc có lúc không. Trẻ em muốn xem ti vi, điện thoại giải trí cũng gặp khó khăn, nói chi đến các hoạt động vui chơi hè” - anh Đoàn Kỳ Nam trăn trở.

Những đứa trẻ trên gương mặt vẫn vẹn nguyên nét ngây thơ, trong sáng, nhưng đôi bàn chân bé nhỏ đã sớm chai sạn, nhăn nheo vì vùi trong bùn, trong cát, ngâm trong nước biển. Ở nơi biển cả bao la đầy nắng và gió, những đôi chân trần cứ bì bõm lội từng hốc đước, bãi bồi. Cái nắng, cái gió, vị mặn của nước biển làm các em đen nhẻm, nhưng nụ cười trên môi các em vẫn thật tươi vì kiếm được đồng tiền.

Chắc là trong những lúc lội sình mệt lả, tụi nhỏ lại nghĩ đến lúc hết 3 tháng hè sẽ được tạm quên những tháng ngày mưu sinh vất vả, được vui vẻ tới trường cùng bè bạn, thầy cô. Ước mơ thật nhỏ, thật bình thường mà sao nghe mằn mặn trên mi.

Phương Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI