Hé lộ thêm mảng tối trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc

24/03/2021 - 09:01

PNO - Theo cuộc khảo sát gần đây của Women in Film Korea, hơn 7/10 phụ nữ làm việc ở ngành công nghiệp điện ảnh cho biết đã từng trải qua ít nhất một lần bị quấy rối tình dục.

Kết quả dựa trên một loạt cuộc khảo sát từ 834 nhà làm phim và phỏng vấn 41 người làm việc ở các lĩnh vực liên quan, cho thấy khoảng 74,5% phụ nữ trả lời rằng họ đã từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục. Tỷ lệ nam giới trả lời có là khoảng 37,9%.

Trong số các hành vi sai trái, quấy rối bằng lời nói - bao gồm các nhận xét khiêu dâm về ngoại hình, các trò đùa khiêu khích và ám chỉ - chiếm tỷ lệ cao nhất với 43,8%. Đứng thứ 2 là hành vi ép uống rượu với 13,7%. Phụ nữ làm việc trong ngành này còn tâm sự thường bị đụng chạm cơ thể và các cuộc hẹn hò cưỡng bức.

Hơn 70% các nhà làm phim nữ Hàn Quốc cho biết bản thân từng bị quấy rối tình dục
Hơn 70% nhà làm phim nữ Hàn Quốc cho biết bản thân từng bị quấy rối tình dục

Những người được khảo sát cho biết các trường hợp quấy rối tình dục 81,7% do nam giới gây ra, 9% do phụ nữ và 4,3% bị cả hai giới quấy rối. 

Bên cạnh các vụ bắt nạt thì bạo lực tình dục là vấn đề tồn tại bấy lâu trong làng giải trí Hàn Quốc. Tuy nhiên, phải sau phong trào #MeToo và vụ bê bối tình dục chấn động liên quan đến các thần tượng K-pop như Jung Joon Young, Choi Jong Hoon… bị phanh phui vào đầu năm 2019, các nạn nhân mới dám lên tiếng tố cáo sự vụ và đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân.

"Nhiều người nhận ra rằng những gì họ đã trải qua là tấn công tình dục kể từ phong trào #MeToo. Điều này thúc đẩy họ sẵn sàng tố cáo các tội phạm liên quan đến tình dục hơn”, giáo sư xã hội học Lee Na-young tại Đại học Chung-Ang cho biết. 

Dẫu vậy, chỉ khoảng 0,3% nhà làm phim nữ dám khiếu nại với cảnh sát hoặc các tổ chức khác khi bị quấy rối. Trong khi 51% muốn giữ kín điều đó cho riêng mình, 39,3% nói rằng họ đã nói chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp nhưng vẫn không thực hiện bất kỳ hành động nào. 

Khoảng 12% chọn cách tự giải quyết vấn đề, yêu cầu lời xin lỗi cá nhân và 10% liên hệ với các tổ chức sản xuất hoặc điện ảnh để được giúp đỡ. Hầu hết nạn nhân đều sợ điều tiếng và ảnh hưởng đến công việc.

"Có rất nhiều trường hợp nạn nhân đến trung tâm sau khi tự mình đấu tranh và tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng các cuộc thảo luận về cách chúng ta nên xử lý những trường hợp quấy rối tình dục là rất cần thiết trong ngành điện ảnh”, Lee Ha-kyung - cố vấn của tổ chức Women in Film Korea - cho biết. 

Chung Thu Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI