Hé lộ nhà văn có tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều nhất Việt Nam

11/05/2024 - 17:17

PNO - Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh có nhiều yếu tố phù hợp để các nhà làm phim đưa lên màn ảnh.

Vầng trăng tri thức - Tủ sách gia đình, dự án tổ chức các hoạt động trò chuyện về văn hoá, lịch sử, tác giả - tác phẩm… nhằm lan toả tri thức, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước vừa trở lại vào tháng 5.

Ở buổi trò chuyện mới nhất (11/5 tại TPHCM), nội dung liên quan cuốn sách Chân dung Hồ Biểu Chánh của tác giả Nguyễn Khuê. Tại sự kiện này, đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ nhiều nội dung khá thú vị.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum và cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum và cuốn Chân dung Hồ Biểu Chánh

Trong giới làm phim, đạo diễn Hồ Ngọc Xum được biết đến là người có nhiều tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Một số phim đã thực hiện như Ngọn cỏ gió đùa, Hai khối tình, Con nhà nghèo, Lòng dạ đàn bà, Tơ đồng vương vấn, Gieo nhân

Việc liên tục làm phim từ nội dung tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh giúp đạo diễn Hồ Ngọc Xum tạo được chú ý nhất định trong hành trình hơn 40 năm gắn bó với phim ảnh.

“Nhiều năm trước, tôi từng thống kê có hơn 500 tập phim làm từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Bây giờ con số có thể cao hơn. Sở dĩ tác phẩm của ông được làm phim nhiều đến vậy, gần như chưa ai vượt qua, là do tính nhân văn, giàu hình ảnh, tính độc đáo trong tác phẩm”, đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ.

Không chỉ phim ảnh, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh được dựng thành kịch diễn sân khấu
Không chỉ phim ảnh, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh được dựng thành kịch diễn sân khấu

Nói cụ thể hơn, đạo diễn Hồ Ngọc Xum nhắc đến 4 lý do. Thứ nhất, cốt truyện cô đọng, đọc xong hiểu ngay tác phẩm muốn nói gì nên rất dễ để khán giả nắm bắt. Thứ hai, ngôn ngữ trong tác phẩm rất đời, thể hiện được tính cách khác nhau của từng nhân vật từ cô tiểu thư, người công nhân, người ở…

Thứ ba, về phong cảnh hay trên phim gọi là bối cảnh, được nhà văn tả rất sinh động, chi tiết giúp người làm phim dễ hình dung không gian, thời gian. Thứ tư, làm phim từ tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh không sợ “lỗi mốt”. Có khi phim làm 20 năm trước nhưng 20 năm sau xem vẫn thấy thời sự, đúng với đời sống xã hội.

Tại buổi trò chuyện, tiến sĩ Nguyễn Nam - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cung cấp thêm nhiều thông tin về chân dung của nhà văn Hồ Biểu Chánh, đặc biệt thông qua cuốn sách cùng tên của tác giả Nguyễn Khuê. Tiến sĩ Nguyễn Nam nhận định hiện nay, bất kỳ ai cần viết bài hay làm khảo cứu về nhà văn Hồ Biểu Chánh đều đọc qua cuốn sách này.

Chân dung Hồ Biểu Chánh được phát hành năm 1974, sau đó tái bản vào năm 1998 và đến gần đây, sách được tái bản lần tiếp tục. Đây là tác phẩm viết về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Hồ Biểu Chánh khá đầy đủ. Cuốn sách là nguồn tư liệu quý với bạn đọc nhiều thế hệ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI