Hé lộ đường dây lừa đảo bán chồn nhung đen

07/07/2013 - 19:29

PNO - PNO - Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bị Đoàn Việt Châu, trú tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình, lừa đảo bằng hình thức bán hoặc cho thuê địa điểm nuôi chồn nhung đen.

Làng quê đổ nợ vì “chồn quý”

Không rõ ai đưa đường dẫn lối, cách đây hơn 1 tháng, ông Đoàn Việt Châu, chủ đường dây bán hàng đa cấp chồn nhung đen đã mang đến cho ông Lê Viết Tăng, ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, 144 con chồn nhung đen, với bản hợp đồng và những lời hứa hảo huyền. Giá bán 1 cặp giống chồn nhung đen 4 triệu đồng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình là hộ nghèo nhưng ông Tăng cũng xoay xở được 20 triệu đồng để tạm ứng cho ông Châu. Đến khi bị chính quyền địa phương và các ngành chức năng phát hiện lập biên bản, ký cam kết cấm mua bán, giết mổ, cho tặng chồn nhung đen, ông Tăng vẫn tỏ ra hết sức tin tưởng vào mô hình chăn nuôi này. Ông Tăng kể : “Tôi chủ động điện cho ông Châu nhưng ông không bắt máy, thỉnh thoảng ông mới gọi lại hỏi han và tiếp tục hứa sẽ thu mua chồn nhung con trong thời gian tới”.

He lo duong day lua dao ban chon nhung den

Cơ sở nuôi chồn nhung đen của ông Lê Viết Tăng ở xã Phú Mậu

Cùng rơi vào hoàn cảnh như ông Tăng là gia đình ông Lê Văn Lộc (thôn Tiên Nộn), Nguyễn Đức Tùng (thôn Thế Vinh), cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng từ vay mượn, giờ đành bó gối chờ người đến mua chồn. Hộ ông Lộc cũng được ông Đoàn Việt Châu “chuyển giao” 100 con chồn nhung đen để nuôi vào tháng 2/2013. Sau 5 tháng nuôi, chồn đã sinh sản gần 30 con nhưng chẳng thấy người đến mua. Theocon dâu ông Lộc- chị Trần Thị Bé, do chưa thống nhất nên hai bên chưa ký kết hợp đồng về giá bán con giống với mức 4 triệu đồng/cặp, sau khi chồn nhung đen sinh sản sẽ mua lại với giá 1 triệu đồng/con. Mặc dù nhiều lần liên lạc với ông Đoàn Việt Châu để mong bán chồn con, nhưng đến nay ông ta vẫn “bặt vô âm tín” khiến không ít hộ lo lắng, hoang mang.

Chủ trang trại xin tiêu hủy chồn nhung đen

Để làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của chủ trang trại- bà Lê Thị Phương, phường An Tây, thành phố Huế, nơi "siêu lừa” Đoàn Việt Châu đã đầu tư 350 con chồn nhung đen để cung cấp cho bà con nông dân ở Huế,  chúng tôi đã cùng lãnh đạo phường, công an, cán bộ thú y tiếp cận nơi nuôi chồn nhung đen - một khu vực nằm cuối trang trại nhà bà Phương.

Tại đây, ông Châu đã thuê hai người, trong đó có một người tên Thọ từ ngoài Bắc vào chịu trách nhiệm chăm nom, cho chồn nhung đen ăn. Tuy nhiên, theo ông Thọ, sau khi sự việc được các cơ quan báo, đài phát hiện, ông Châu đã tắt máy di động và “bặt vô âm tín”. “Tôi chỉ là người làm công ăn lương. Hơn một tháng nay, ông chủ vẫn chưa chuyển tiền lương cho tôi. Và ông đi đâu, làm gì tôi không hề biết” - ông Thọ nói. Số lượng chồn nhung ở đây có trên 240 con, đã được nuôi hơn 3 tháng. Phía sau trang trại còn một hệ thống lồng nuôi mới toanh nằm chất đống tại khu vực trại để chờ đi tiêu thụ.

He lo duong day lua dao ban chon nhung den

Bản cam kết giữa bà Phương với lãnh đạo phường An Tây

Bà Lê Thị Phương - chủ trang trại cho rằng bà đã bị ông Châu lừa. “Hơn một tháng nay gia đình có nhiều việc nên tôi không lên thăm trang trại. Tôi quá tin người nên mới xảy ra sự việc như hôm nay. Tôi không hề biết việc nuôi chồn nhung đen là vô đạo đức vì lừa phỉnh cả hộ nghèo. Chẳng qua do tôi quá tin người. Nếu biết, tôi sẽ không bao giờ giao mặt bằng và cơ sở vật chất hiện có của trang trại cho chị Hạnh, (chị Huỳnh Thị Hạnh, bạn thân của bà Phương). Việc chị Hạnh làm hợp đồng với ông Đoàn Việt Châu về tổ chức nuôi chồn nhung để bán tôi không hề biết”.

Trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bà Phương đã gọi điện về Chi Cục thú Y tỉnh Thừa Thiên - Huế xin tự nguyện thiêu hủy số chồn nhung đen. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên - Huế:“ Trước hết phải khẳng định chồn nhung đen này là một giống chuột. Mặc dù mới có vài ba hộ nuôi trên địa bàn, nhưng đây là sự kết hợp giữa người chuyển giao công tác đưa giống về và người nuôi. Chúng tôi khẳng định, việc chuyển giao nuôi chồn nhung đen như vậy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là chưa được phép. Nếu động vật rừng thì tiến hành thả về rừng. Nhưng đây là động vật ngoại lai, do đó hướng xử lý trong thời gian tới tùy vào yêu cầu từ phía Cục chăn nuôi- Bộ NN&PTNT, Chi cục mới có hướng xử lý tiếp theo. Trước mắt đề nghị các hộ đã chăn nuôi cam kết không được phép lưu hành chồn nhung đen. Thứ hai, tiến hành xử lý phạt hành chính. Để hiệu quả hơn, cần có sự phối kết hợp giữa các ban, ngành chức năng như TNMT, kiểm lâm, công an kinh tế”.

Bằng thủ đoạn này, Đoàn Việt Châu đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng thông qua việc ký kết hợp đồng nuôi chồn nhung đen ở nhiều địa phương, nhiều nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh - nơi có hơn 100 hộ nuôi chồn nhung đen, tập trung ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nghi Xuân, thành phố Vinh...

Hành vi lừa bịp của ông Đoàn Việt Châu khiến những người nông dân nghèo đang lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Mô hình nuôi chồn nhung đen đã không giúp họ thoát nghèo, ngược lại còn làm cho nhiều gia đình điêu đứng vì nợ nần.

THUẬN HÓA


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI