Ngày 11/7, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ (BS) Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết, mua bán chất gây nghiện là hành vi của tội phạm hình sự. Cho đến nay, vẫn không xác định được nguồn gốc thuốc Tradogesic (Tramadol HCl 50mg) cung cấp đến nhà thuốc Văn Chương (71-73 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.11, TP.HCM) với số lượng lên đến 2.223 viên, người bán cũng không rõ, không biết có giấy phép hay không.
|
Nhà thuốc Văn Chương (ảnh lớn) và loại thuốc gây nghiện được phát hiện tại nhà thuốc này (ảnh nhỏ) |
Xác định có dấu hiệu liên quan đến Luật Phòng chống ma túy, vì vậy, ngày 6/7, Sở Y tế đã chuyển toàn bộ hồ sơ để Công an TP.HCM tiếp tục theo dõi, điều tra và xử lý theo thẩm quyền.
Mua thuốc từ nguồn “ma”
Trước đó, ngày 30/5, đoàn kiểm tra của Phòng Y tế Q.11 đã phát hiện số lượng thuốc nói trên tại nhà thuốc Văn Chương và lập biên bản kiểm tra, niêm phong thuốc, sau đó chuyển vụ việc lên Sở Y tế TP.HCM. Thanh tra sở đã mời dược sĩ Nguyễn Thanh Hà - phụ trách chuyên môn về dược của nhà thuốc Văn Chương và BS Nguyễn Văn Chương - phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám nội tổng hợp tại cùng địa chỉ với nhà thuốc lên làm việc, xử lý.
Theo giải trình của ông Chương, ông là chủ đầu tư của nhà thuốc Văn Chương. Số thuốc Tradogesic (Tramadol HCl 50mg) được đoàn kiểm tra quận phát hiện do ông này “mua qua người quen giới thiệu”, nhằm để sử dụng cho bệnh nhân tại phòng khám của ông; nhà thuốc Văn Chương không liên quan đến số thuốc gây nghiện đã phát hiện.
Cũng theo BS Chương, người bán thuốc cho ông tên Tấn, số điện thoại 01693xxxxxx. Khi bị đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý, ông Chương đã liên lạc với ông Tấn yêu cầu hóa đơn, chứng từ nhưng ông Tấn trả lời không có (?).
BS Trạng cho biết, Thanh tra sở chỉ thực hiện được chức năng thanh tra chuyên ngành về y tế trên địa bàn thành phố. “Cho tới giờ, ông Chương chỉ nói mua chỗ ông Tấn thôi, chứ không cho biết gì thêm. Số điện thoại mà ông ta cung cấp cũng “ma”, nhiều khả năng người tên Tấn cũng là “ma”. Chúng tôi không có khả năng đối chứng chuyện đó. Tất cả quy trình để tìm ra người bán, số lượng bao nhiêu, có tổ chức hay không, đường dây như thế nào, nguồn hàng từ đâu đến… là một quy trình đòi hỏi nghiệp vụ của lực lượng phòng chống ma túy”, ông Trạng nhận định.
BS Trạng nêu nghi vấn, liệu kẻ cung cấp chỉ bán cho ông Chương hay còn bán nhiều nơi khác nữa, những nơi này có khả năng sản xuất ma túy tổng hợp hay không?
Theo BS Trạng, ngay cả việc mua loại thuốc này để kê cho bệnh nhân là hoàn toàn trái phép. “Thuốc Tradogesic (Tramadol HCl 50mg) dùng để giảm đau, nhưng phải tuân theo các quy định chặt chẽ của ngành, bởi nó nguy hiểm, có thể gây nguy hại cho bệnh nhân như gây nghiện, lệ thuộc thuốc. "Thực tế, BS chỉ thường dùng thuốc này cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối” - ông Trạng nói.
Con voi qua lỗ kim
Trao đổi với chúng tôi, dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM - đề cập khá nhiều quy định chuyên môn của Bộ Y tế để quản lý thuốc gây nghiện liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở bán lẻ, trách nhiệm của người kê đơn, và cả trách nhiệm của người bệnh…
Khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ông Dũng cho biết, Sở Y tế rồi Bộ Y tế, cụ thể Cục Quản lý dược, phải duyệt dự trù mua thuốc gây nghiện, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện cho cơ sở sản xuất, cơ sở phải kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc và bán buôn thuốc, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nghiên cứu, kiểm nghiệm, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở điều trị nghiện, cơ sở đào tạo chuyên ngành y, dược…
BS Trạng cũng cho hay, theo quy định của Bộ Y tế thì các thuốc dạng đơn chất có hàm lượng “hoạt chất gây nghiện” vượt quá 37,5mg thì phải quản lý theo quy định của thuốc “gây nghiện”. Cũng cùng hoạt chất Tramadol nhưng dưới 37,5mg trong một đơn vị thì kê đơn như thuốc bình thường. Loại thuốc Tramadol nêu trên có hàm lượng 50mg được xếp vào nhóm thuốc gây nghiện, kê thuốc loại này phải được phép.
Với nhóm thuốc “gây nghiện”, chỉ những BS đã được đăng ký chữ ký mới được kê đơn. Các phòng khám tư nhân muốn cho BS của mình kê đơn thuốc này cũng phải xin duyệt danh mục kỹ thuật có liên quan và đăng ký danh sách BS kê cùng chữ ký tại Sở Y tế.
Tóm lại, quy định rất chằng chịt nhưng không hiểu sao hàng nghìn viên thuốc vẫn được mua bán dễ dàng như đã diễn ra?
Thuốc Tradogesic (Tramadol HCl 50mg) trên thị trường thường là hàng xách tay, tất cả đều là bất hợp pháp. Cá nhân, phòng khám, bác sĩ sử dụng thuốc từ nguồn này cũng bất hợp pháp. Trong bệnh viện, việc quản lý thuốc gây nghiện rất chặt chẽ. Ví dụ, vỡ một ống thuốc gây nghiện là phải lập biên bản, giữ nguyên hiện trường để xác định là có thật hay không.
Vì phải chặt để tránh trường hợp tuồn thuốc ra ngoài bán. Chúng ta biết rồi, giá thuốc này mua theo tân dược rất rẻ, nhưng khi thành ma túy rồi thì rất đắt bởi đó là món kinh doanh béo bở.
Bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM
|
Nam Anh