Thị trường tiềm ẩn
Những cáo buộc của Trương Hằng đối với nữ diễn viên Trịnh Sảng xuất hiện trên mạng Internet Trung Quốc vào ngày 18/1, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng, các phương tiện truyền thông nhà nước và thậm chí từ một nhóm pháp lý của chính phủ về vấn đề mang thai hộ.
Ngoài chi tiết về cuộc chia tay, vụ bê bối xung quanh Trịnh Sảng còn đề cập đến chủ đề nhạy cảm tại một quốc gia có lịch sử khắc nghiệt với quyền sinh sản của phụ nữ, trói buộc trong quan niệm truyền thống về gia đình.
|
Trịnh Sảng và Trương Hằng thời còn mặn nồng vào năm 2019 |
Đặc biệt, nó cho thấy một thực tế không thể phủ nhận: sinh con đẻ cái đã trở thành một lựa chọn phổ biến của những công dân Trung Quốc có mong muốn và phương tiện để tìm người đẻ thuê ở nước ngoài.
Yu Yuanjian - luật sư chuyên về các tranh chấp pháp lý dân sự và thương mại tại công ty Joint-Win Partners ở Thượng Hải - cho biết, Trung Quốc cấm các nhà cung cấp dịch vụ y tế thực hiện quá trình mang thai hộ, nhưng không cấm mọi người sử dụng chúng.
Kelvin Ma - đối tác của Công ty Luật Shanghai Demei tại Thượng Hải - cho biết, phần nhiều trong số những gia đình đang tìm người đẻ thuê là những cặp vợ chồng đã mất con hoặc có vấn đề về khả năng sinh sản. Ông Ma tiết lộ từng làm việc với nhiều khách hàng muốn xem xét hợp đồng mang thai hộ với các cơ sở môi giới ở nước ngoài.
Ông Ma nói: “Những khách hàng mà tôi đã tiếp xúc thực sự khá đơn thuần. Họ rất muốn có một đứa trẻ, và họ có thể chi trả cho điều đó”.
"Ngành công nghiệp" mới
Mang thai hộ đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây khi các chuẩn mực xã hội thay đổi, chính sách một con nới lỏng và tình trạng vô sinh gia tăng thúc đẩy những phụ nữ độc thân giàu có, các cặp đồng tính và những gia đình khác ra nước ngoài để được hỗ trợ sinh sản.
Theo The Initium, một công ty truyền thông kỹ thuật số có trụ sở tại Hồng Kông, khoảng 1.000 trẻ sơ sinh Trung Quốc được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mỗi năm tại Mỹ, nơi luật pháp về mang thai hộ thay đổi theo từng bang.
Những người hoạt động trong ngành trước đây tiết lộ rằng đối với mỗi doanh nghiệp môi giới mang thai hộ, tỷ suất lợi nhuận lên đến 30-60%. Phóng viên tờ Daily Economic News ghi nhận chi phí chẩn đoán và hoàn thành thủ tục cần thiết cho các bà mẹ mang thai hộ tại cơ sở y tế ở một số bang chỉ dưới 50.000 USD, tương ứng với báo giá trong nước từ 0,5-1 triệu nhân dân tệ.
Phóng viên cũng được biết, rủi ro và không chắc chắn của dịch vụ mang thai hộ khá cao và phí phải trả cũng cao. Lấy một trang web được xếp hạng hàng đầu ở Trung Quốc làm ví dụ, việc giới thiệu gói “điều trị hiếm muộn” trá hình mang thai hộ có giá 150.000 nhân dân tệ và thực hiện gói thành công là 250.000 nhân dân tệ.
Giá khởi điểm của gói không rủi ro là 750.000 nhân dân tệ. Giá của một gói thành công không có rủi ro là từ 750.000 đến 1,25 triệu nhân dân tệ. Một số trang web còn tích hợp thêm các gói lựa chọn giới tính và sinh đôi với mức giá cao hơn.
|
Một bảng giới thiệu dịch vụ thụ tinh ống nghiệm IVF tại bệnh viện ở Bangkok (Thái Lan) được ghi bằng tiếng Trung Quốc |
Trải nghiệm của một ông bố
Khi được hỏi có hối hận khi chọn mang thai hộ để có con hay không, Huang Minghao (bí danh) - một ông bố sống tại Canada được khoảng 10 năm - nói rằng anh hối hận “vì đã không nhờ mang thai hộ sớm hơn”.
Năm 2011, để thiết lập một cuộc hôn nhân hợp pháp với bạn trai, Huang Minghao đã chọn di cư đến Canada, nơi anh từng theo học.
Điều kiện gia đình thuận lợi, cha mẹ ủng hộ Huang Minghao sinh con nhờ mang thai hộ. Năm 2015, mẹ của Huang Minghao, lúc đó vẫn đang ở Trung Quốc, đã gửi cho anh đường dẫn đến trang web của dịch vụ môi giới mang thai hộ.
Sau đó, Huang Minghao bắt đầu quá trình tìm kiếm các công ty hỗ trợ mang thai hộ: “Canada là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi, nhưng tại thời điểm đó Canada chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Các quốc gia cho phép mang thai hộ thương mại bao gồm Ukraine, Nga và một số bang ở Mỹ. Sau khi cân nhắc toàn diện, chúng tôi đã chọn nước Mỹ vì gần”.
Thêm gần nửa năm tìm kiếm và kiểm tra, cuối cùng Minghao đã chọn được đơn vị trung gian, hoạt động tại Mỹ, Ukraine, Thái Lan và những nơi khác. Sau khi trả khoản đặt cọc 100.000 nhân dân tệ, tiếp theo, anh chọn người cung cấp tế bào trứng và người mang thai hộ (hay “mẹ đẻ”).
Minghao nói thêm: “Giá bán trứng khác nhau tùy theo địa điểm và chủng tộc. Ví dụ, trứng của phụ nữ da trắng từ các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ có xu hướng đắt hơn. Ngoài ra, ngoại hình, thể trạng, trình độ học vấn của người cung cấp trứng đều sẽ ảnh hưởng đến giá”.
Minghao đã chọn một phụ nữ 25 tuổi đến từ bang Georgia làm "mẹ đẻ" cho đứa con của mình, thông qua việc sàng lọc các tài liệu như sơ yếu lý lịch và báo cáo y tế.
|
Nhiều gia đình giàu có ở Trung Quốc chọn mang thai hộ ở nước ngoài để tránh vi phạm pháp luật trong nước |
Minghao chỉ có thể tìm hiểu về tình trạng thể chất của hai mẹ con thông qua trao đổi email với bên trung gian. Vào tháng 2/2017, một em bé lai được sinh ra một cách suôn sẻ.
Anh kể: “Thời điểm bên trung gian gửi tin nhắn, tôi lập tức đặt vé đi Mỹ. Vào ngày thứ ba, tôi gặp cháu trong lồng ấp ở bệnh viện. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi lại có con, một đứa bé khỏe mạnh và xinh đẹp”.
Để có được niềm vui này, Huang Minghao đã phải trả tổng cộng khoảng 600.000 nhân dân tệ (hơn 2,1 tỷ đồng).
Huang Minghao là một trường hợp trong nhóm "những người đồng tính tìm kiếm con cái", và một số công ty đã tìm cách công khai hoạt động kinh doanh này. “Blue City Brothers” - công ty mẹ của ứng dụng hẹn hò dành cho người đồng tính Blued - đã tiết lộ một số dữ liệu về hoạt động kinh doanh mang thai hộ của mình.
Năm 2017, Blue City Brothers ra mắt dịch vụ kế hoạch hóa gia đình “Blue Baby”. Đến năm 2019, doanh thu mảng kinh doanh này đạt khoảng 9,21 triệu nhân dân tệ, chiếm 1,2% tổng doanh thu toàn hoạt động; nhưng chỉ trong quý I/2020, doanh thu đã tăng vọt lên 4,13 triệu nhân dân tệ.
Khó khăn trong đại dịch
Liu Ningguang - tổng giám đốc khu vực Trung Quốc của Global Fertility Genetics, có trụ sở tại New York, chuyên cung cấp các dịch vụ điều trị sinh sản và mang thai hộ - nói với Thời báo Hoàn cầu rằng các khách hàng Trung Quốc muốn mang thai hộ ở Mỹ đã hủy các chuyến đi đến Mỹ trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, phần lớn là do các hạn chế kiểm dịch ra vào đất nước.
Trong thời kỳ đại dịch, một số trẻ sơ sinh bị mắc kẹt vì cha mẹ chúng không thể nhập cảnh. Trường hợp này, các bậc cha mẹ tương lai có thể yêu cầu một người giám hộ tạm thời ở Mỹ để chăm sóc đứa bé, tránh việc đứa trẻ bị giữ tại cơ sở y tế.
|
Một thai phụ đang mang thai đứa con thứ 4 - không phải của mình - tại căn hộ ở thủ đô Kiev, Ukraine |
Tờ Straits Times đưa tin vào tháng 5/2020 rằng hệ thống mang thai hộ đã rơi vào hỗn loạn bởi đại dịch khiến biên giới bị đóng cửa, các chuyến bay bị hủy và hạn chế visa, tạo ra "một đống" trẻ sơ sinh đang chờ được cha mẹ ruột người Trung Quốc đón.
Liu nói, các cơ quan về mang thai hộ ở Mỹ chuyên phục vụ khách hàng Trung Quốc hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào đơn đặt hàng mang thai hộ của Trung Quốc cũng đã gần như ngừng hoạt động trong thời gian bùng phát đại dịch, mặc dù cô nói rằng những thảm kịch mang thai hộ do đại dịch gây ra rất hiếm khi xảy ra.
Các hạn chế đối với dịch vụ mang thai hộ trong thời kỳ đại dịch cũng khác nhau trên khắp thế giới.
Ulovebaby - một công ty môi giới có trụ sở tại Kiev chuyên nhắm mục tiêu vào các khách hàng Trung Quốc - nói với Thời báo Hoàn cầu rằng sự lây lan COVID-19 không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Nhiều người Trung Quốc vẫn đến Ukraine để mang thai hộ trong bối cảnh đại dịch. Một lý do là Ukraine đã phê duyệt du lịch miễn thị thực cho công dân Trung Quốc từ nhiều tháng trước và công nhận Trung Quốc là quốc gia có nguy cơ thấp đối với COVID-19.
Do đó, công dân Trung Quốc có thể đến thăm Ukraine trong bối cảnh đại dịch mà không cần xét nghiệm hay tự cách ly.
Linh La (tổng hợp)