Mùa hè sôi động

Hè - “học kỳ” của cha mẹ

04/07/2023 - 06:09

PNO - Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường đại học Mở TPHCM - cho biết: “Học kỳ hè rất quan trọng, là một học kỳ mà ông bà, cha mẹ chính là những người thầy đặc biệt, sẽ kiến tạo cho con cháu những tiết học riêng. Đó cũng là học kỳ của chính các phụ huynh”.

Chia sẻ về học kỳ hè với Báo Phụ nữ TPHCM, thạc sĩ Trường An nói: “Tôi gọi mùa hè là mùa vui của các bạn trẻ. Thời tôi đi học, nghỉ hè là thời gian được thư giãn gần như hoàn toàn. Khi đó, tôi được cùng bạn bè trải nghiệm cuộc sống ở quê, được chơi với ông bà, người thân hay cùng mấy bạn nhỏ trong xóm xúm xít với những trò chơi dân gian.

Người lớn khi đó không bắt trẻ con đi học thêm, cũng không quá nặng thành tích học tập. Mùa hè cũng là mùa để trẻ có cơ hội phụ giúp cha mẹ việc nhà, tập tành nấu ăn, giặt đồ… Từ đó có ý thức về công việc, sự chăm sóc của cha mẹ dành cho mình. 

Nhiều người nghĩ kỹ năng sống phải là một hệ thống lý thuyết gì đó nhưng thực chất phải từ những va chạm thực tế để trau dồi. Chẳng hạn, về chia sẻ công việc nhà, nếu cha mẹ không dám giao việc cho con thì sao con biết mà làm. Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ không biết nấu một bữa ăn cho mình, cũng thiếu trò chuyện với cha mẹ, người thân…”.

Thạc sĩ Lê Trường An
Thạc sĩ Lê Trường An

Phóng viên: Anh có thể nói rõ hơn về việc giúp con học các kỹ năng từ cha mẹ? Người lớn cần khắc phục “lỗi” đó như thế nào?

Thạc sĩ Lê Trường An: Hãy cho con làm các việc vặt ngay từ nhỏ. Nhiều phụ huynh quá cưng con, làm thay mọi thứ cho con, thậm chí cho con ngủ trễ đến 8 - 9g sáng chỉ vì “thức sớm cũng có làm gì đâu”.

Tất nhiên, các bạn trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, cần ngủ đủ giấc để phát triển thể chất, tinh thần. Nhưng thay vì thức quá khuya, ngủ dậy trễ, cha mẹ nên thiết kế giờ giấc sinh hoạt của gia đình theo hướng ngủ sớm dậy sớm. Khoa học chứng minh rằng, khi bạn thức trước khi mặt trời mọc thì tinh thần minh mẫn hơn. Rèn luyện sức khỏe cho trẻ bằng thói quen tích cực này là chìa khóa để trẻ ý thức về cuộc sống mỗi ngày.

Bạn vẫn nghe câu “Dậy sớm để thành công”? Thực ra điều này cũng có lý của nó, vì thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Mỗi cuộc đời được bắt đầu bằng những thói quen kiến tạo hằng ngày từ những người lớn - ông bà, cha mẹ nêu gương. Để con thức sớm, tự làm việc nhà, thu dọn phòng ốc của mình, phân công lao động và yêu cầu con hoàn thành cũng là nếp kỷ luật để khi bước vào cuộc sống không quá bỡ ngỡ. Kỷ luật chính là yếu tố quan trọng của thành công trong tương lai.

Cha mẹ cần học cách thương và cho con trải nghiệm bằng chính đôi tay, đôi chân của mình, ngay cả khi đó là thất bại, té ngã cũng chẳng sao. Quan trọng là từ thuận lợi, khó khăn, các con học được bài học gì, trưởng thành ra sao. Bên cạnh đó, những bữa cơm gia đình, sự cởi mở, lắng nghe, không áp đặt cũng chính là những sự thực hành quan trọng để các con mở lòng, cha mẹ thành bạn của trẻ…

* Trở lại chuyện kiến tạo hè vui, khỏe, bổ ích theo anh phụ huynh cần làm gì?

- Phải xem sở thích, tính cách và điều kiện thực tế của từng vùng miền, từng gia đình. Ví dụ, với trẻ thành phố, mùa hè có thể nói là mùa lo của không ít phụ huynh vì… không biết phải trông chừng con như thế nào. Đa số cha mẹ thành phố đều bận bịu với khá nhiều công việc, các deadline của bản thân đã mệt mà nay còn lo quán xuyến con trong hè. Vì vậy, nhiều phụ huynh cảm thấy stress với hè, ảnh hưởng không tốt đến các con. Thay vào đó, ngay khi con cái bước vào từng giai đoạn học tập, rèn luyện thì cha mẹ phải có kế hoạch từ tài chính đến định hướng phát triển cho trẻ.

Hè, cha mẹ có thể cho trẻ đi học đàn, học bơi hay tham gia các trại hè… Những sinh hoạt cộng đồng trong hè giúp con cái chúng ta giảm bớt áp lực do học hành cả 9 tháng, nhờ đó bước vào năm học mới với một tâm thế khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng.

Có thể hình dung, hè như dịp để các con xóa bớt các “file” năng lượng tiêu cực trong “ổ cứng” tâm hồn vậy, nên cha mẹ phải thư giãn cùng con, lắng nghe trẻ cần gì và đáp ứng phù hợp. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ về quê trải nghiệm nếu có nội, ngoại ở xa. Còn trẻ ở quê, nếu cha mẹ có điều kiện, cũng có thể cho con tham quan thành phố.

Tóm lại, cả cha mẹ và các con cùng học, cùng chơi trong hè để thân thiết với nhau. Dạy con nhẹ nhàng chính là chúng ta hãy sống và làm những việc mà mình muốn con sẽ làm, bởi nói suông hay la rầy, nhắc nhở nhưng bản thân không thực hành thì sẽ phản tác dụng.

Cả gia đình cùng về quê mùa hè là một trong những ý tưởng thú vị cho các con (trong ảnh: Gia đình anh Lưu Quỳnh Anh - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng ACB - về quê ngoại Cà Mau, để con có những ngày hè nơi sông nước) - ẢNH MINH HỌA
Cả gia đình cùng về quê mùa hè là một trong những ý tưởng thú vị cho các con (trong ảnh: Gia đình anh Lưu Quỳnh Anh - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng ACB - về quê ngoại Cà Mau, để con có những ngày hè nơi sông nước) - Ảnh minh họa 

* Với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, anh có chia sẻ gì để họ có một mùa hè bổ ích?

- Đầu tiên, cần tránh sa vào game online, mạng xã hội; tránh các trò chơi nguy hiểm để không dẫn tới những tai nạn ngoài ý muốn; ở quê không nên tắm ao hồ, sông suối… Thậm chí, đi biển cũng cần có giám sát của người lớn.

Khi quá “nhàn cư” người ta dễ có suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Do vậy, tuy không học, các bạn cũng nên ôn bài vở, rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết cho mình, trong đó ngoại ngữ là khá quan trọng. Tham gia bất kỳ chuyến trải nghiệm nào với tinh thần học hỏi trong mùa hè cũng đều giá trị. Do đó, điều quan trọng là thái độ của các bạn với thời gian, việc học, rèn luyện. Cũng với chiếc điện thoại thông minh nhưng nếu bạn biết tìm tới kênh bổ ích để xem, nghe, đọc, học thì bạn trở nên giàu có và ngược lại. 

* Xin cảm ơn anh. 

Lưu Đình Long (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI