Hễ con hư là chồng bắt vợ nghỉ việc

21/10/2024 - 18:23

PNO - Quan niệm xưa cũ “con hư tại mẹ” đã không còn phù hợp. Ba và mẹ đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con trẻ trong những năm đầu đời và xuyên suốt cho đến khi con trưởng thành.

Chị Hạnh Dung ơi,

Chồng em đi làm xa nhà, dăm bữa nửa tháng mới về một lần. Mình em ở nhà cáng đáng chuyện chăm sóc 2 con (1 trai, 1 gái), lo ăn uống, tắm rửa, cơm nước, sinh hoạt, dạy dỗ, đưa đi học chính, học phụ, học thêm các kiểu.

Mà em cũng không phải là bà nội trợ toàn thời gian. Em cũng có công việc ở công ty, chỉ là em may mắn tìm được việc phù hợp có thể làm phần lớn thời gian tại nhà. Dù vậy, em cũng phải đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc mới có thể lãnh đồng lương của chủ.

Vậy mà mỗi lần chồng về, thấy con ngoan ngoãn, đạt điểm tốt thì không sao, còn các con mà ương bướng, không nghe lời hoặc bị cô giáo nhắc nhở, làm bài điểm kém là y như rằng chồng lại cho rằng em chưa dành đủ thời gian cho các con, và giải pháp anh đưa ra luôn là: em phải nghỉ việc hoặc chuyển công việc khác, để lo cho con khi các con bắt đầu tuổi dậy thì.

Cũng vì áp lực này của anh mà em đã chuyển công việc 2 lần, chấp nhận từ bỏ cơ hội có thu nhập cao, khả năng thăng tiến trong sự nghiệp, chấp nhận chọn công việc mức lương trung bình như hiện nay.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước. Giờ em đã ngấp nghé 40 tuổi, cơ hội nhảy việc không còn nhiều, đâu dễ kiếm ra việc làm vừa nhàn hạ, vừa có thể linh hoạt giờ giấc chăm con, vừa có thu nhập tốt. Em thật sự không muốn nghỉ việc ở nhà xòe tay xin tiền chồng. Giờ em phải làm sao?

Đức Hạnh (Đồng Tháp)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Đức Hạnh thân mến,

Thật mừng vì cho đến thời điểm này, trước áp lực liên tục của chồng, em vẫn cố gắng giữ công việc. Đây là điều rất quan trọng, vì trong xã hội hôm nay, dù cho đã lập gia đình, bận rộn chuyện con cái, trong khi chồng có khả năng lo kinh tế thì người phụ nữ vẫn nên đi làm, vừa để chia sẻ gánh nặng kinh tế, vừa phát triển giá trị bản thân.

Em cho biết từng nhượng bộ 2 lần - chấp nhận chuyển việc, từ bỏ con đường thăng tiến để chu toàn việc nuôi dạy con. Tuy vậy, điều đó có vẻ như vẫn chưa đủ với chồng em.

Thế thì việc của em bây giờ không phải là loay hoay tìm cách nhảy việc lần nữa hoặc bó tay ở nhà theo ý chồng mà phải tìm cách cho chồng hiểu để cùng em giải quyết gút mắc - ở đây là việc dạy con.

Trong thư em không nói rõ con em năm nay học lớp mấy. Tuy nhiên, khi trẻ càng lớn, cha mẹ sẽ đỡ vất vả hơn trong khâu cho ăn uống, lo bệnh tật thì lại mệt đầu trong chuyện dạy con, nhất là khi các con bước vào tuổi dậy thì.

Quan niệm xưa cũ “con hư tại mẹ” đã không còn phù hợp. Ba và mẹ đều đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con trẻ trong những năm đầu đời và xuyên suốt cho đến khi con trưởng thành. Do vậy, chồng em không thể chỉ đưa tiền về rồi đổ mọi trách nhiệm dạy con cho em.

Em hãy khéo léo nói rõ quan điểm này với chồng, cho anh thấy dù em có chuyển việc hay nghỉ làm thì cũng chưa chắc có thể dạy con tốt như anh mong muốn.

Thay vào đó, cả hai vợ chồng phải cùng tham gia vào việc dạy con. Nếu đặc thù công việc của chồng ít có mặt ở nhà thì nên thường xuyên gọi điện về cho con. Những lúc về nhà thì anh cần dành nhiều thời gian hơn cho con để lắng nghe, làm bạn cùng con, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở con.

Trong công việc, em cũng cố gắng sắp xếp sao cho khoa học hơn. Mẹ làm việc ở nhà, luôn có mặt ở nhà, nhưng lúc nào cũng cắm mặt vào máy tính thì khó mà gần con. Không nhất thiết em phải luôn kè kè bên con, nhưng hãy dành cho con những khoảng thời gian thật chất lượng để mẹ con gắn kết.

Tin rằng, khi con có chuyển biến tốt, chồng em sẽ yên tâm mà không can thiệp chuyện công việc của em nữa. Chúc em giữ vững lập trường, nuôi dạy con tốt nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI