Nếu các vấn đề hôn nhân gia đình thường có đầu có đũa, có ngọn có nguồn, thì câu chuyện nhà tôi cực kỳ trớt quớt. Tôi đã tham vấn không biết bao nhiêu “sư phụ về hôn nhân”, nhưng ai nấy đều lắc đầu chào thua. Mọi bí kíp đều vô hiệu.
Nhà tôi, vấn đề lớn nhất là hễ vợ gặp nguy cấp, thì chồng lập tức “tàng hình”. Tất cả những lần ngặt nghèo, khổ sở, cấp bách nhất, tôi đều phải một mình đối diện.
Lần đầu tôi phát hiện ra điều này là khi đứa con trai đầu lòng bị thoát vị rốn. Khi ấy tôi thì trẻ dại, con thì còn trong tháng. Thằng bé rất háu bú, bú no đến nỗi bụng no tròn và cái rốn bé tí bỗng cũng… căng tròn lên. Khi tôi phát hiện cái rốn bất thường, con cũng khóc ngằn ngặt.
Nhà chỉ có hai mẹ con với bà ngoại ở quê mới lên, lạ nước lạ cái. Tôi lập tức gọi cho chồng. Anh không bắt máy. Tôi vẫn bấm gọi liên tục đồng thời thay quần áo sẵn sàng để anh về đưa con đi bệnh viện.
Tôi chuẩn bị xong hết, điện thoại vẫn chỉ tít tít trong vô vọng. Tôi lập tức bắt taxi, đưa con về hướng Bệnh viện Hùng Vương, nơi mẹ con tôi vừa xuất viện chưa lâu.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trên đường đi, tôi vẫn liên tục gọi chồng. Đến bệnh viện tôi mới hay nơi này không điều trị bệnh nhi. Quá hốt hoảng và sốt ruột với tiếng khóc của con, tôi cập rập ôm con ra bắt một chuyến xe khác, trực chỉ Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Hành trình đó cực kỳ tra tấn tinh thần vì tôi trót vướng vào cảm giác kỳ vọng ở chồng, tôi quá tập trung vào việc phải gọi cho anh, nên càng bấn loạn khi anh không bắt máy.
Khi tới bệnh viện, bác sĩ tiếp nhận, giải thích và đưa hướng xử lý rất nhẹ nhàng. Vượt qua một con dốc cảm xúc, tôi ra hành lang ngồi nghỉ mệt thì thấy anh lếch thếch bước tới. Trong lúc tôi sấp ngửa đi theo bác sĩ thì anh đã kịp thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ, và kịp liên hệ với mẹ tôi để biết tình hình.
Hóa ra, suốt buổi sáng anh bận họp nên không coi điện thoại. Chuyện họp hành cả buổi sáng vốn rất hiếm ở công ty anh, thế nhưng nó rơi ngay vào lúc tôi cần chồng nhất.
Sau lần bị đứa con sơ sinh dọa cho kinh hồn bạt vía, tôi mới nhận ra chuyện một mình xoay xở giữa lúc nguy cấp dường như đã trở thành… định mệnh. Từ thuở yêu nhau, anh đã “tàng hình” đúng lúc kiểu vậy.
Còn nhớ một lần cả hai đang cùng đi ăn tiệc nhà bạn anh thì anh có điện thoại triệu tập gấp ở công ty. Một mình tôi ngồi lại và xui rủi thế nào lại bị cậu bé phục vụ làm bắn cồn vào người khi tiếp lửa, rồi nhanh như chớp, tôi bén lửa và… cháy lên. Cả khu tiệc nháo nhào dập lửa và nhanh chóng giải cứu, nhưng tôi đã bị bỏng.
Mọi người quángquàng tìm anh, đồng thời đưa tôi vào bệnh viện. Tôi lúc ấy vẫn bình tĩnh vì cảm giác mình ổn, nhưng mặt mũi tèm lem của tôi khiến mọi người sốt sắng.
Và quả nhiên, suốt trên đường đến bệnh viện, tôi chứng kiến các bạn anh liên tục gọi cho anh. Anh chẳng bắt máy. Lần đó, tôi cũng gặp anh sau khi gặp bác sĩ, anh cũng vò đầu bứt tóc tự trách: “Sao lại gặp trục trặc công việc ngay lúc em gặp nạn”.
Thường, những lần gặp nạn kiểu kinh hồn bạt vía như thế, tôi lại dễ “tha thứ” cho chồng hơn là những lần nguy cấp lặt vặt.
Những lần lặt vặt đó thường là khi tôi về nhà sau một ngày làm việc kiệt quệ, lại bị anh khóa trái cửa và… ngủ quên trong nhà. Hoặc những lúc xe hư dọc đường, lại ngay trên xa lộ không bóng dáng một người sửa xe nào, tôi lại… tìm anh và anh lại… “điện thoại sạc pin nên không để ý”.
Nói thế, chắc mọi người tưởng chồng tôi thuộc loại ngáo ngơ và ít để ý điện thoại. Nhưng thà thế tôi còn đỡ tức. Anh ngược lại, cực kỳ kỹ tính và chăm chút gia đình.
Anh sẵn sàng xuất hiện bên vợ mọi lúc vợ cần, sẵn sàng nghỉ làm nếu vợ bị ốm. Thế nhưng, cứ hễ tôi rơi vào tình huống nguy cấp theo kiểu “không gọi anh thì không biết gọi ai”, anh lập tức “tàng hình”.
Có khi những lần như thế cứ xảy ra dồn dập, tôi không ngăn được cảm xúc giận dỗi và… tức tối. Nhưng dần dà, tôi cũng quen và thấy chuyện thế là… thường. Thậm chí khi nào cần anh quá mà gọi được anh, tôi lại thấy… bất ngờ.
Gần đây nhất, tôi lại mất liên lạc với chồng khi gặp sự cố công việc. Anh vốn là kỹ sư tin học, phụ trách phần kỹ thuật trong một dự án khởi nghiệp của một nhóm bạn, trong đó tôi là thủ lĩnh.
Một ngày đẹp trời, trang mạng do chúng tôi phụ trách bị tấn công bởi những spam độc hại. Chuyện này chưa từng xảy ra dù chúng tôi đã lên kịch bản ứng phó, và dĩ nhiên anh là người xử lý chính. Thế nhưng, khi chuyện ngàn năm có một ấy diễn ra, chúng tôi mất liên lạc với anh hoàn toàn.
Hôm ấy tôi đang làm việc tại nhà, anh thì “ba tại chỗ” ở văn phòng. Gọi anh không được, tôi bấn loạn xử lý chắp vá rồi cuối cùng chọn phương án khóa trang.
Đêm đó tôi mất ngủ, vì… ức. Ức vì phải chọn phương án giải quyết kém nhất với một trục trặc nhỏ, gây thiệt hại không đáng có cho dự án. Nhưng ức hơn cả, là cái sự “tàng hình” “không trật phát nào” của lão chồng toàn năng.
Đến sáng hôm sau, anh gọi lại thật sớm và sốt sắng: “Tối qua có biến hả em?”. Tôi ngán ngẩm thông báo tình hình, và anh cũng chán chường không kém: “Anh xin lỗi, hôm qua anh mệt nên ngủ sớm, điện thoại lại hết pin nên dù có thức mấy lần trong đêm nhưng anh không xem điện thoại”.
Thế đấy, đã ngủ sớm mà điện thoại lại còn hết pin. Các chuyên gia kỹ năng sống chẳng đã luôn nhắc đi nhắc lại một chân lý: mỗi người phải tự lo đủ cho mình.
Đến cả ông chồng toàn năng và yêu vợ, nhưng trong mọi nguy cấp đều… ngoài vùng phủ sóng. Đã thế, thân làm vợ, mỗi lần như thế tôi lại phải vào vai an ủi: “Không sao đâu, anh đâu cố tình, xui thôi mà…”.
Hoa Trà