Hễ căng thẳng sợ hãi là "tới luôn"

16/10/2021 - 19:12

PNO - Sức khỏe tôi tốt, chỉ là tôi hay bị… xuất tinh mỗi khi gặp chuyện sợ hãi, căng thẳng...


Tôi sắp lập gia đình. Sức khỏe tôi tốt, chỉ là tôi hay bị… xuất tinh mỗi khi gặp chuyện sợ hãi, căng thẳng. Khi tôi đi khám, bác sĩ nói không vấn đề gì, nhưng tôi vẫn lo khi nghĩ về cuộc sống hôn nhân sắp tới.

B.Thuyên (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Hiện tượng xuất tinh không kiểm soát dễ ảnh hưởng đến đời sống tình dục vợ chồng - Ảnh minh họa

Chuyện này, nói cho ra lẽ thì cũng phải “tới công chuyện” chứ chẳng chơi. Trước tiên, về lý, khi không có hoặc không cần đối tác, nam giới chỉ xuất tinh khi thủ dâm, mộng tinh, di tinh. Dù đơn phương nhưng vẫn cần động lực xác thịt, chẳng hạn một chút sống động tưởng tượng trong đầu. 

Tuy vậy, có nhiều trường hợp lệnh “xuất kho” chẳng dính gì đến dục tình. Có chàng ê chề mỗi khi gặp chuyện sợ hãi, căng thẳng tột độ. Có chàng “ướt đẫm” vì bệnh sợ độ cao mà lại xông pha chơi tàu lượn cảm giác mạnh. Có chàng, thậm chí giật bắn người với tiếng động lớn hay ai đó hù quá thể sau lưng. Có chàng bỗng dưng “tới luôn” do dùng lực mạnh đột ngột, như nhấc vật nặng quá sức, vận công nhảy xa trong giờ thể dục…

Hiện tượng xuất tinh chịu sự điều khiển của thần kinh giao cảm nhưng cánh chỉ trỏ này lại khá bao đồng. Không chỉ can dự chuyện tình, chuyện tinh mà chúng còn lắm công lên chuyện xuống khác. Sợ hãi làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, vã mồ hôi, run rẩy tay chân… đều do một tay hệ giao cảm điều khiển. Hiển nhiên, ai cũng có thần kinh giao cảm nhưng không phải tất thảy đều rơi vào tình cảnh đỏ mặt này. Sự thể có vẻ liên quan đến bệnh, mà người ta hay gọi là “yếu bóng vía”. May mắn, đa phần chỉ là tạm thời. Khi các chàng cứng cáp dần về thể chất và tinh thần thì nạn “nhẹ vía” cũng sẽ biến mất. 

Với câu hỏi đây liệu có phải là tiền trạm cho chứng xuất tinh sớm sau này, khi ân ái đủ đôi đủ cặp hay không thì khó nói là không 100% bởi vụ việc dính đến thần kinh giao cảm - bộ phận quán xuyến việc ra vào của bầu tinh các chàng suốt đời. Song như đã phân tích, đa phần chỉ là chút bộp chộp, trẻ người non dạ. Có thể, những chàng trai cùng cảnh, trong thời gian đầu làm quen giường chiếu khó tránh lọng cọng, nhưng thời gian và sự cứng cáp sẽ phát huy sau đó.

Trong trường hợp vấn đề thực sự liên quan đến giao cảm, việc điều trị sớm có thể tính đến, chẳng hạn bằng thuốc chống lo âu, chống cường giao cảm… Một số trường hợp có thể phải dùng đến dao kéo.

Trình bày kỹ để thấy, không phải cảnh ngộ nào cũng bi đát. Với tình trạng của bạn, có lẽ bạn nên đi khám chuyên khoa, không phải nam khoa mà là nội thần kinh. Hay hơn nữa là một cuộc khám sức khỏe tổng quát, nhân tiện xét soát luôn những liên đới có thể như tiểu đường, viêm đa dây thần kinh, thậm chí cả khoa tâm lý, tâm thần…

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI