Thành phố đang bước vào giai đoạn quyết liệt
Trước khi bắt đầu kỳ họp, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các bệnh nhân COVID-19 tử vong tại TPHCM và cả nước. Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - cho biết, trong đợt bùng phát dịch thứ tư này (đến nay là gần 90 ngày) chính quyền thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách xã hội với nhiều mức độ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Lệ nhận định: “Đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. TPHCM đã căng mình để chống lại sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch”.
Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, với chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các tỉnh, thành cũng như sự cố gắng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân, thành phố đã có những bước đi hợp lý và chuẩn bị cho giai đoạn quyết định, với mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua nhiều chính sách của HĐND TPHCM |
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, TPHCM đã có chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn dân và công tác này đang diễn ra rất tốt. Tính đến ngày 23/8, toàn thành phố đã tiêm vắc-xin cho hơn 5,5 triệu người. “Tuy nhiên, người dân rất quan tâm việc tiêm xong mũi 1 thì mũi 2 thế nào, bao giờ tiêm và tiêm loại gì” - đại biểu Đào Thị Hồng Hạnh nêu. Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - khẳng định, theo kế hoạch, những người tiêm mũi 1 sẽ được tiêm mũi 2 đúng thời gian để đảm bảo hiệu quả của vắc-xin. Sở cũng đã tham mưu UBND TPHCM là tiêm mũi 1 và mũi 2 cùng một loại vắc-xin.
Giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ - công chức - viên chức để chăm lo tuyến đầu
Các đại biểu dự kỳ họp đã xem xét, thông qua tờ trình của UBND TPHCM về chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện chính sách này.
Theo UBND TPHCM, đây là yêu cầu cấp thiết để động viên tinh thần lực lượng chống dịch với tổng mức chi 463,2 tỷ đồng, hỗ trợ một lần. Nguồn chi dựa trên việc giảm hệ số điều chỉnh tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thành phố từ 1,2 xuống còn 1,0 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ trong sáu tháng cuối năm 2021. UBND TPHCM dự kiến, việc giảm trừ này sẽ tiết kiệm khoảng 515 tỷ đồng, phù hợp với tổng mức hỗ trợ dự kiến (463,2 tỷ đồng). Trường hợp nguồn kinh phí tiết kiệm nêu trên chưa đáp ứng nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách đặc thù này, UBND thành phố sẽ sử dụng nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách để thực hiện.
Bàn về chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, nhiều đại biểu cho rằng, UBND TPHCM đã “bỏ sót” tình nguyện viên tham gia chống dịch ở cơ sở, dưới sự quản lý và chỉ đạo của UBND cấp quận, phường. “Họ có thể là cán bộ đoàn phường, hội chữ thập đỏ, tổ trưởng khu phố… với công việc nhiều, đa dạng và áp lực nên cần được chăm lo” - các đại biểu lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, dù họ không trực tiếp tham gia công tác y tế ở tuyến đầu nhưng là lực lượng trực tiếp và tuyến đầu ở cơ sở trong hoạt động phòng, chống dịch. Quan điểm của UBND thành phố là không bỏ sót việc hỗ trợ, chăm lo.
Tham dự kỳ họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời tri ân sâu sắc đến lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Ông cũng chia sẻ về những khó khăn của người dân, nhất là công nhân, người lao động bị ngừng việc, không có thu nhập. Ông bày tỏ xúc động khi nói về sự khốc liệt của dịch bệnh khiến nhiều bệnh nhân tử vong, gây bao mất mát, đau thương cho các gia đình. Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định: “Tới đây, phải tranh thủ thời gian vàng, nếu không, sẽ càng khó khăn”. Theo đó, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục thần tốc xét nghiệm để phát hiện sớm, cách ly nhanh F0; tập trung điều trị, giảm các ca tử vong, đảm bảo đủ ô-xy y tế và triển khai nhanh chóng các chính sách chăm lo cho người dân.
Kỳ họp đã thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19; chương trình hoạt động của HĐND TPHCM toàn khóa X; chương trình hoạt động giám sát năm 2022 của HĐND TPHCM… Các đại biểu đã nhất trí thông qua nghị quyết phê duyệt bổ sung 3.735 biên chế công chức hành chính cho UBND TP.Thủ Đức và các quận để thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị định số 22/2021 ngày 29/3/2021 của Chính phủ; nghị quyết huy động vốn để đầu tư chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển ngân sách TPHCM - chương trình 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; nghị quyết về tiếp tục giảm lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với mức giảm 50% đối với sáu loại lệ phí: đăng ký cư trú, hộ tịch, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng…
Ông Phan Văn Mãi được bầu làm Chủ tịch UBND TPHCM
Cũng trong kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - đã đắc cử chức danh Chủ tịch UBND TPHCM, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 87/89 phiếu. Ông Phan Văn Mãi được bầu làm Chủ tịch UBND TPHCM thay cho ông Nguyễn Thành Phong vừa được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương Đảng.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (phải) chúc mừng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa đắc cử |
Nhận nhiệm vụ, ông Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn đến HĐND TPHCM. Ông trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp to lớn của người tiền nhiệm cho sự phát triển của thành phố. Ông khẳng định, việc được bầu làm Chủ tịch UBND TPHCM là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách nặng nề, đầy thử thách. Ông cam kết đem hết tinh thần, sức lực, khả năng và thời gian để cùng tập thể UBND TPHCM đoàn kết, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Về nhiệm vụ trước mắt, ông Phan Văn Mãi cho biết, ở cương vị mới, ông sẽ huy động mọi nguồn lực, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch để đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, tập trung cao độ cho công tác điều trị, thực hiện bằng được mục tiêu giảm tử vong; chăm lo sức khỏe, đời sống cho người dân thành phố, ổn định xã hội. Ông khẳng định, UBND thành phố sẽ rà soát lại các đối tượng, chính sách còn thiếu để tiếp tục bổ sung.
Bên cạnh đó, ông khẳng định, mở cửa kinh tế là yêu cầu rất bức thiết. UBND thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể, có lộ trình từng bước, phù hợp với tình hình dịch bệnh: “Mục tiêu tới ngày 15/9 kiểm soát được dịch, nhưng không phải tới đó là hết”. Theo ông, tùy theo tình hình dịch, UBND thành phố sẽ mở cửa lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ dựa trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch. Theo đó, các ngành thiết yếu phải có biện pháp an toàn để duy trì, mở rộng, sau đó đến những ngành kinh tế quan trọng khác. Các địa bàn an toàn sẽ tiến hành những hoạt động rộng hơn và những nơi mà doanh nghiệp và người dân có sáng kiến đảm bảo hoạt động sản xuất, dịch vụ an toàn thì sẽ được mở ra từng bước.
|
Tuyết Dân