HĐND TP.HCM miễn nhiệm Trưởng ban Văn hóa - Xã hội và Trưởng ban Pháp chế

08/12/2019 - 16:42

PNO - Chiều 8/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua một số nghị quyết quan trọng liên quan bảo tồn di sản và công tác nhân sự.

Các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đối với bà Thi Thị Tuyết Nhung và Trưởng ban Ban Pháp chế đối với ông Trương Lâm Danh, do nghỉ hưu theo chế độ.

Song song đó, các đại biểu cũng đã bỏ phiếu bầu bổ sung bà Phạm Quỳnh Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch HĐND H.Củ Chi, đại biểu HĐND thành phố - vào chức danh Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.

HDND TP.HCM mien nhiem Truong ban Van hoa - Xa hoi va Truong ban Phap che
Các đại biểu nhất trí thông qua các nghị quyết. Ảnh: Quốc Ngọc

Bà Quỳnh Anh sinh năm 1981, quê quán tỉnh Ninh Bình, hiện cư ngụ tại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM. Bà tham gia công tác từ tháng 8/2004. Bà vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10/3/2006. Bà có bằng Thạc sĩ Luật và Cao cấp Chính trị.

Thường trực UB MTTQ VN TP.HCM cũng đã đọc tờ trình miễn chức danh Hội thẩm nhân dân của TAND thành phố đối với bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp - nguyên trưởng phòng pháp chế Sở Xây dựng thành phố. Lý do bà Điệp đã nghỉ hưu và chính thức hành nghề luật sư chuyên nghiệp. Việc miễn nhiệm vai trò Hội thẩm nhân dân nhằm tránh tình trạng xung đột pháp lý theo quy định. Các đại biểu cũng đã nhất trí thông qua.

HDND TP.HCM mien nhiem Truong ban Van hoa - Xa hoi va Truong ban Phap che
Chủ tịch HĐND TP.HCM - Nguyễn Thị Lệ (phải) tặng hoa chúc mừng bà Quỳnh Anh

Trước đó, kỳ họp cũng đã thông qua nghị quyết về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo đó, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tập trung đối với công tác bảo tồn di sản, đặc biệt quan tâm và khẩn trương đưa các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử nghệ thuật của thành phố vào danh mục xếp hạng di tích như: Trụ sở UBND thành phố, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Chùa Chantarangsay (Chùa Khmer), Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà.

Xây dựng kế hoạch lập hồ sơ lý lịch khoa học đối với các công trình, địa điểm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố; ban hành các chính sách, quy định bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp đối với từng loại công trình, địa điểm (đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng).

Bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng, kịp thời cho công tác tôn tạo, bảo tồn di tích. Đồng thời cải thiện thủ tục, tạo thuận lợi cho việc xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cho chủ sở hữu khi bảo tồn, nâng cấp, sửa chữa các di tích.

Chủ động xác định và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử nghệ thuật của các công trình, địa điểm trên địa bàn thành phố, không để xảy ra tình trạng di tích bị phá bỏ, sửa chữa không đúng quy cách, bị lấn chiếm, che khuất, mất an ninh trật tự.

Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, thuyết minh viên ở các di tích theo hướng chuyên sâu, chất lượng và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công bố công nhận, xếp hạng góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Cần xem di sản là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của thành phố, từ đó, đưa ra giải pháp khai thác có hiệu quả. Thiết lập giải thưởng kiến trúc di sản nhằm vinh danh các nỗ lực bảo tồn để công nhận và vinh danh các chủ sở hữu, các chuyên gia và các nhà thầu bảo tồn trùng tu xuất sắc các công trình.

Đối với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 cần được bảo tồn hoàn thành trong năm 2020; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành sửa chữa, tháo dỡ xây dựng mới đối với những biệt thự cũ không có giá trị bảo tồn.

Thực hiện công tác quy hoạch đô thị gắn với bảo tồn cảnh quan đô thị và phát triển du lịch; rà soát đánh giá và xác định các khu vực phát triển đô thị, xác định rõ khu vực cảnh quan cần bảo tồn. Từ đó, có giải pháp phù hợp để bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích kinh tế - xã hội và việc bảo tồn giá trị cảnh quan kiến trúc đô thị.

Nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện trong công tác tham mưu, phối hợp thực hiện công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố.

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI