Hãy xem nước thải là tài nguyên

18/06/2024 - 05:56

PNO - Mỗi ngày, TPHCM có khoảng 1,4 triệu m3 nước thải đổ ra sông, kênh, rạch chưa qua xử lý.

Cách đây vài năm, tôi cùng đoàn chuyên gia người Pháp và nhóm sinh viên nước ngoài có chuyến thực địa kéo dài 1 tuần đến 10 điểm kênh, rạch ở TPHCM. Điều khiến tôi trăn trở là kết quả đánh giá của các sinh viên tương đồng nhau, với 8/10 điểm đến được đánh giá mức D - mức ô nhiễm nặng. Kết quả đánh giá này chưa phải là một báo cáo khoa học nhưng đã phần nào nói lên thực trạng kênh rạch của TPHCM dưới cái nhìn của những sinh viên chuyên ngành môi trường ở nhiều nước trên thế giới.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cũng trong chuyến đi đó, ông chuyên gia người Pháp chia sẻ với tôi rằng: “Các bạn đang lãng phí tài nguyên”. Tài nguyên mà ông nhắc đến ở đây không chỉ là nước mặt ở kênh rạch mà còn là nước thải sinh hoạt. Ở các quốc gia có nguồn nước ngọt khan hiếm như Israel, họ quy định nước từ hệ thống thoát nước và nước thải đều là tài nguyên. Khi và chỉ khi xem nước thải là tài nguyên thì chúng ta mới có những giải pháp để thu gom và xử lý hiệu quả.

Mỗi ngày, TPHCM có khoảng 1,4 triệu m3 nước thải đổ ra sông, kênh, rạch chưa qua xử lý. Hạ tầng thu gom nước thải ở TPHCM đang gom chung nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Khó có quy trình công nghệ nào xử lý được lượng nước thải gom chung này. Muốn đầu tư hệ thống nhà máy để xử lý toàn bộ số nước thải của TPHCM, phải tốn hàng chục tỉ USD.

TPHCM có nhà máy xử lý nước thải được đầu tư cả ngàn tỉ đồng nhưng không có cống dẫn thu gom nên thiếu nước thải để xử lý và cũng có dự án đã cải tạo kênh, lắp cống thu gom nước thải quy mô lớn nhưng lại chưa có nhà máy xử lý nên phải xả nước thải ra sông. Nghịch lý này gây lãng phí vốn đầu tư, trong khi nước thải vẫn chưa được xử lý triệt để trước khi xả ra môi trường.

Để không lãng phí và xử lý nước thải hiệu quả, TPHCM nên phân vùng thu gom nước thải. Nước thải sẽ được đưa đi xử lý bằng công nghệ vi sinh. Tức là, đưa nước thải vào hồ chứa, xử lý bằng cách sục khí tạo ô xy cho vi sinh vật phát triển, theo thời gian chất lượng nước sẽ tự cải thiện. Giải pháp này thì không cần phải xây nhà máy xử lý nước thải.

Trong trường hợp TPHCM có nguồn ngân sách để xây dựng được toàn bộ nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch, cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để giảm áp lực và tăng hiệu quả việc xử lý. Theo tôi, bài toán vốn đầu tư nhà máy xử lý nước thải của TPHCM vẫn có thể giải quyết được nếu tận dụng tốt Nghị quyết 98/2023/QH15. Hãy tận dụng nghị quyết này để khơi thông ách tắc về cơ chế, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa.

Cùng với việc tính toán các phương án xử lý nước thải, chính quyền TPHCM nên tăng cường quản lý các nguồn xả thải. Cần có chính sách yêu cầu các đơn vị sản xuất công nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất để xả thải an toàn ra môi trường. Đặc biệt, cần yêu cầu các đơn vị sản xuất bột giặt, nước giặt, mỹ phẩm… chuyển đổi sang sử dụng xút hữu cơ thay vì dùng xút tổng hợp như lâu nay.

Cùng với nước thải sinh hoạt, rác thải đang là “thủ phạm” bức tử kênh rạch ở TPHCM. Những năm qua, chính quyền thành phố đẩy mạnh việc cải tạo, xanh hóa những dòng kênh ô nhiễm nhưng không lâu sau đó, những dòng kênh này lại ngập ngụa rác thải. Để giải quyết nạn vứt rác bừa bãi ra kênh rạch, cần nghiên cứu thành lập ban quản lý kênh rạch ở các xã, phường với nhiệm vụ bảo vệ, giám sát kênh rạch, tuyên truyền, vận động người dân và phát hiện, xử phạt các hành vi xâm hại kênh rạch.

Những giải pháp nêu trên cần được thực hiện một cách đồng bộ và ngay tức thời. Mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần nhận thức được mình đang lãng phí tài nguyên mà ở nhiều quốc gia xem là “vàng trắng”. Những đợt nắng nóng, khô hạn như trong tháng 4/2024 vẫn sẽ tiếp diễn với tần suất và cường độ dày hơn. Hãy nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta để hành động, chắt chiu từng giọt nước và dừng ngay việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước.

Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI