Hãy xem lại những bài học cũ

09/08/2024 - 06:35

PNO - Ngày càng nhiều trang hoặc kênh trên mạng xã hội mạo danh tổ chức, cá nhân để lừa chiếm đoạt tiền, bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Những trang này thường biến mất sau khi lừa được một lượng người nhất định.

Không phải bây giờ mà nhiều năm trước, đã có hàng loạt kênh YouTube mượn hình ảnh các nghệ sĩ, người nổi tiếng, thậm chí những người có cấp bậc, chức vụ trong ngành công an, quân đội, y tế để quảng cáo, bán đủ loại thuốc trị bệnh hay thực phẩm chức năng.

Rất nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng trở thành nạn nhân của các trang bán hàng nhái. Hình ảnh của họ được cắt ghép để minh họa cho một buổi bán hàng giảm giá sâu, đến mức người mua phải tranh giành, giẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu. Tất cả đều nhằm tạo “độ nóng” cho sản phẩm mà các “trang đểu” cần bán và người mua không cần phải xếp hàng chờ đợi hay giẫm đạp mà có thể đặt mua qua tin nhắn (inbox).

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng bị cắt ghép hình ảnh, mạo danh để bán hàng nhái, hàng giả
Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng bị cắt ghép hình ảnh, mạo danh để bán hàng nhái, hàng giả

Gần đây, khi hình thức mua bán hàng live stream (phát sóng trực tiếp) phổ biến, các đối tượng bán hàng gian, hàng giả rất biết cách đánh lừa người mua. Họ vẫn dùng những chiêu trò cũ nhưng có thêm sự hỗ trợ của AI (trí tuệ nhân tạo). Hình ảnh của những người nổi tiếng chuyển động hình thể, lời nói để giới thiệu sản phẩm thật đến mức chính chủ cũng phải “đứng hình”.
Cách thể hiện của các trang, kênh bán hàng kiểu này giống hệt như trò thao túng tâm lý người mua. Họ nêu tên những sản phẩm đang đình đám trên thị trường (“hot trend”), được người nổi tiếng trải nghiệm, đánh giá và khuyên dùng rồi thông báo về đợt giảm giá sâu chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Người mua thấy mối lợi lớn, sợ không mua thì mất cơ hội nên vội vã nhắn tin đặt mua hàng.

Nhưng, các trang, kênh này hầu hết là mới lập hoặc đổi tên từ trang, kênh mới được mua lại (thường là do hacker chiếm quyền điều khiển và bán lại, có sẵn lượng người theo dõi lớn). Các trang, kênh này không để lại địa chỉ, thông tin gì và việc giao dịch chỉ qua tin nhắn (inbox).

Người mua có thể chuyển trước một khoản tiền gọi là đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ tiền mua hàng, sau đó chờ dịch vụ giao hàng đến. Khi chờ hoài không thấy hàng, bên mua muốn phản ánh thì bên bán đã chặn liên lạc hoặc đã đóng trang, đóng kênh để đi mở trang mới, kênh mới, ung dung lừa tiếp bằng phương thức cũ.

Luật pháp Việt Nam đã có nhiều quy định để quản lý các hoạt động trên không gian mạng, trong đó có hoạt động quảng cáo, kinh doanh thương mại. Điểm b, khoản 3, điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định, người có hành vi sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân để quảng cáo khi chưa được cá nhân đó đồng ý bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Trên thực tế, việc xử phạt không hề dễ bởi những kẻ lừa đảo thoắt ẩn, thoắt hiện và dù cho chúng bị phạt thì nạn nhân cũng khó lấy lại được khoản tiền bị lừa, hay đổi được đúng loại hàng cần mua.

Người xưa dạy “không hứa bậy nên mình không phụ ai, không tin bậy nên không ai phụ mình”. Tin tưởng vào những kẻ xa lạ, không rõ địa chỉ ở đâu, tên công ty là gì, chất lượng hàng hóa ra sao… rồi giao tiền cho họ thì không bị lừa mới là chuyện lạ. Người xưa cũng nói “tham thì thâm”. Ở đời, bỗng dưng có những kẻ xa lạ mang đến cho mình một khoản hời to, vượt xa mong đợi, há chẳng phải đáng nghi lắm sao? Nhưng nhiều người không mảy may nghi ngờ, cứ thấy lợi là sáng mắt, quên cả suy xét.

Do vậy, Chính phủ, các bộ liên quan cần có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính và dẹp bỏ bọn làm ăn phi pháp, vô đạo đức. Nhưng về phần mình, chính người tiêu dùng cũng phải học lại những bài học đã cũ, bình tâm suy xét, đừng dễ dàng tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa không mấy tinh vi.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI