Hãy vun đắp yêu thương

24/10/2024 - 06:19

PNO - Bạo lực học đường là vấn đề toàn cầu. Theo Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), khoảng 246 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới bị bạo lực học đường mỗi năm.

Xây dựng trường Trường học hạnh phúc với nền tảng là sự kính yêu và kết nối giữa thầy và trò
Xây dựng trường học hạnh phúc với nền tảng là sự kính yêu và kết nối giữa thầy và trò để giảm bạo lực học đường - Ảnh: Q.Tr

Ở Đức, hơn 30% học sinh từng bị bạo hành, 9% bị học sinh cùng trường xâm hại đến thân thể, 37,2% học sinh thú nhận từng đánh bạn, 15% thừa nhận xâm hại nghiêm trọng thân thể bạn. Ở Hàn Quốc, năm 2023, có đến 61.445 vụ bạo lực xảy ra trong các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Ở Trung Quốc, 53,5% học sinh dưới 18 tuổi được khảo sát cho biết từng bị bắt nạt ở trường nhưng chỉ 20,3% số này cho biết sẽ báo cáo sự việc với giáo viên, nhà trường hoặc phụ huynh nếu tiếp tục bị bắt nạt.

Năm 2012, Liên hiệp quốc tuyên bố lấy ngày 4/5 là ngày Chống bắt nạt. Năm 2020, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công bố lấy ngày thứ Năm đầu tiên của tháng Mười một làm ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường, bao gồm cả bắt nạt qua mạng.

Ở nước ta, bạo lực học đường xảy ra ở mọi cấp học (từ mầm non đến đại học), giữa nhiều loại đối tượng, dưới nhiều hình thức (thể chất, tinh thần, trực tiếp, trực tuyến). Học sinh với học sinh có thể tấn công nhau do sự khác biệt về điều kiện kinh tế, ngoại hình, thành tích học tập. Một số giáo viên dùng hành vi hoặc lời nói bạo lực để kiểm soát lớp học, vừa gây tổn thương tâm lý cho học sinh, vừa gián tiếp cổ động cho bạo lực…

Bạo lực học đường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nạn nhân mà cho cả người gây bạo lực và môi trường giáo dục nói chung. Học sinh bị bạo lực có thể chịu đựng tổn thương tâm lý dài hạn, dẫn đến trầm cảm, lo âu, việc học sa sút, thậm chí phải bỏ học. Đối với giáo viên, bạo lực từ phụ huynh hoặc đồng nghiệp có thể làm giảm sự tự tin và động lực làm việc, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giảng dạy. Bạo lực khiến môi trường học đường căng thẳng, mất an toàn, làm giảm khả năng phát triển toàn diện của học sinh…

Để giải quyết vấn đề bạo lực học đường, cần có sự can thiệp toàn diện và lâu dài từ nhiều phía. Học sinh cần được dạy cách kiểm soát cảm xúc, tôn trọng người khác, phát triển khả năng tự bảo vệ bản thân trước những tình huống tiêu cực. Nhà trường cần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, giàu sự tôn trọng. Các trường cần có đội ngũ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh và giáo viên khi họ gặp các vấn đề về tâm lý.

Giáo viên cần được đào tạo nhiều hơn nữa về kỹ năng quản lý lớp học và giải quyết xung đột phi bạo lực. Đồng thời, nhà trường cần có những biện pháp giảm bớt áp lực công việc, áp lực thành tích cho giáo viên.

Cùng với đó, sự hiểu biết và hợp tác giữa phụ huynh và giáo viên là yếu tố then chốt để giải quyết các mâu thuẫn. Nhà trường cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh, tổ chức các buổi họp mặt, thảo luận về phương pháp giáo dục và cách hỗ trợ học sinh, giúp 2 bên tránh những hiểu lầm và xung đột không đáng có.

Xóa bỏ hoàn toàn bạo lực học đường là một mục tiêu lý tưởng nhưng rất khó đạt được bởi bạo lực bắt nguồn từ nhiều yếu tố như môi trường gia đình, áp lực xã hội, tâm lý cá nhân và cả “văn hóa” thích giải quyết vấn đề bằng bạo lực.

Tuy không thể loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa, giảm thiểu nó bằng các giải pháp nêu trên. Nhưng giải pháp căn cơ và bao trùm vẫn là xây dựng gia đình hạnh phúc, ngôi trường hạnh phúc. Khi môi trường gia đình, học đường thân thiện, tôn trọng nhau, phát huy niềm đam mê, sức sáng tạo của từng cá nhân… thì các cá nhân trong môi trường đó sẽ thu nhận và lan tỏa năng lượng tích cực, ngăn ngừa được những suy nghĩ, hành vi, ứng xử tiêu cực. Muốn có được những điều này, mỗi người trong xã hội phải thực sự sống có trách nhiệm.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI