Hãy vững tin, có Hội luôn đồng hành!

20/05/2020 - 18:36

PNO - “Tôi sinh ở tháng thứ bảy. Do sinh thiếu tháng thiếu ngày nên cả ba đứa trẻ đều yếu ớt. Hai cháu nặng 1,3kg và 1,4kg, được đưa vào chăm sóc đặc biệt trong lồng kính. Cháu còn lại chỉ nặng 900g, không đủ sức nên đã mất sau vài ngày chào đời” - chị cúi xuống, vội lau nước mắt.

Trưa tháng Năm, trời Sài Gòn nắng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm chị Đặng Thị Hồng Xuân, người vừa vượt cạn với ca sinh ba, đúng lúc chị từ Bệnh viện Hùng Vương trở về. Năm nay chị Xuân 37 tuổi, đang làm công nhân và ở trong một dãy trọ lao động trên đường Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú. 

Căn phòng trọ chị Xuân ở chỉ khoảng 4m2. Trong phòng có một bếp ga mini, vài cái nồi, chén bát, chiếc ti vi cũ, cái quạt máy và vài bộ quần áo treo trên tường. Không khí nóng bức càng gia tăng bởi đủ thứ tạp âm từ các phòng kề bên. Ngồi bệt xuống nền nhà, sản phụ thở gấp vì mệt và nắng nóng. Do không đủ điều kiện chăm sóc dinh dưỡng trong thai kỳ cũng như sau sinh nên chị Xuân trông ốm yếu, xanh xao. 

Nhắc đến cuộc vượt cạn với ba đứa con, chị Xuân cố giấu nước mắt: “Tôi sinh ở tháng thứ bảy. Do sinh thiếu tháng thiếu ngày nên cả ba đứa trẻ đều yếu ớt. Hai cháu nặng 1,3kg và 1,4kg, được đưa vào chăm sóc đặc biệt trong lồng kính. Cháu còn lại chỉ nặng 900g, không đủ sức nên đã mất sau vài ngày chào đời”. Chị cúi xuống, vội lau nước mắt. 

Hội LHPN P.Phú Trung, Q.Tân Phú đến thăm chị Xuân, hỗ trợ tiền và đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh
Hội LHPN P.Phú Trung, Q.Tân Phú đến thăm chị Xuân, hỗ trợ tiền và đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh

Ba năm trước, do kinh tế gia đình khó khăn nên vợ chồng chị Xuân đã để hai con gái 10 tuổi và 11 tuổi ở lại với ông ngoại tại Sóc Trăng rồi cùng nhau lên thành phố kiếm việc làm. Chị làm công nhân một công ty tư nhân với mức lương từ 3,5 cho đến gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Còn chồng bốc vác với thù lao 300.000 đồng/ngày. Chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng vợ chồng họ cũng dành dụm gửi về quê được 2 triệu đồng để ba ông cháu sinh sống. 

Cuộc sống chưa có gì gọi là ổn định thì chị có thai ngoài ý muốn. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vợ chồng chị không nỡ bỏ giọt máu của mình. Đến tháng thứ tư, đi khám, bác sĩ bảo chị có thai ba, chị bàng hoàng. Nhưng rồi vợ chồng họ lại tự động viên nhau cố gắng làm lụng, dành dụm cho ngày sinh nở. Đến tháng thứ sáu chị được bác sĩ khuyến cáo hạn chế đi lại vì có dấu hiệu sinh non. Chị Xuân buộc phải nghỉ làm để dưỡng thai. Cùng lúc đó, dịch COVID-19 ập tới, công việc của chồng cũng bị ảnh hưởng, khó khăn càng thêm chồng chất. 

Ở nhà dưỡng thai được một tháng thì chị sinh nở ở tuần 28 trong lúc túi tiền trống rỗng. Sau sinh, chị được cho xuất viện nhưng các con phải ở lại để được chăm sóc đặc biệt. Cả tháng nay, chị Xuân chỉ được nhìn con hai lần qua kính chắn. Nhìn các con bé nhỏ với dây nhợ, máy móc quấn quanh, lòng chị quặn thắt. 

Phụ nữ sau sinh cần phải được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, nhưng chị Xuân thì tự mình chăm sóc cho mình, ngày hai bữa cơm rau đạm bạc. Thương chị, bà con hàng xóm góp cho chị ký xương, miếng thịt, rau củ… để chị lấy lại sức. 

Hội LHPN P.Phú Trung đã đến thăm, hỗ trợ tiền, gạo, mì, đồ dùng cho trẻ sơ sinh và tìm cách giúp đỡ chị lâu dài. Nhiều người cũng đến chia sẻ để chị có tiền mua thuốc, tã lót cho con… “Chị Xuân mới từ bệnh viện về, còn yếu ớt, xanh xao lắm. Cuộc sống còn nhiều khó khăn phía trước, việc chăm sóc cho hai đứa trẻ sinh non là không dễ dàng. Nhưng Hội sẽ ở bên cạnh để động viên, chia sẻ với chị Xuân trong điều kiện có thể và kêu gọi sự giúp sức của mọi người để chị vượt qua chặng đường dài phía trước” - chị Trịnh Tam Mai - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Trung, trầm tư. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI