Hãy vì quyền lợi học sinh

22/08/2024 - 06:18

PNO - Theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ, muốn cho thuê mặt bằng, liên kết làm căn tin, bếp ăn, bãi giữ xe, các trường công lập ở TPHCM phải lập đề án và được UBND TPHCM phê duyệt. Tuy nhiên, kể từ khi nghị định này có hiệu lực vào năm 2018 đến nay, chưa có trường công lập nào ở TPHCM được phê duyệt đề án. Suốt nhiều năm nay, ban giám hiệu các trường luôn thấp thỏm không biết sắp tới có được tiếp tục mở căn tin hay không, thậm chí nhiều trường đóng luôn căn tin.

Để tiếp tục duy trì bếp ăn, căn tin, một số trường đấu thầu cho thuê mặt bằng theo năm. Cách làm “chữa cháy” này khiến các trường vất vả làm hồ sơ mời thầu, đấu thầu. Do hợp đồng được ký theo từng năm nên doanh nghiệp trúng thầu không tha thiết đầu tư khiến hoạt động cung cấp bữa ăn cho học sinh cũng tạm thời, chắp vá, thiếu ổn định.

Thật khó cho ban giám hiệu các trường khi phải xây dựng đề án phức tạp, nặng về chuyên môn tài chính. Chẳng hạn, trong đề án, các trường phải đảm bảo đem lại hiệu quả và nguồn thu cao nhất, chịu trách nhiệm về kết quả tính toán các khoản doanh thu, chi phí và hiệu quả kỳ vọng. Ban giám hiệu các trường phải tự xác định tiền thuê đất để nộp ngân sách, xác định giá cho doanh nghiệp thuê phù hợp với giá thực tế cho thuê trên thị trường. Điều trớ trêu là nếu giá cho thuê mặt bằng làm căn tin, bãi giữ xe sát giá thị trường, cộng thêm tiền thuê đất thì giá trúng thầu và giá dịch vụ ăn uống, giữ xe sẽ bị đẩy lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh.

Do thủ tục “khó nhằn”, một số trường đóng hẳn căn tin. Khi đó, đối tượng thiệt thòi nhất vẫn là học sinh, bởi các em phải ăn những suất ăn công nghiệp lạnh ngắt hoặc phải ăn hàng rong trước cổng trường với độ an toàn kém.

Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, phần lớn hoạt động cho thuê, kinh doanh tài sản công ở các đơn vị sự nghiệp công lập ở TPHCM bị “đứng hình” từ năm 2018 đến nay. Tính đến tháng 6/2024, Sở Tài chính TPHCM nhận được 744 đề án sử dụng tài sản công cho thuê, liên kết, kinh doanh nhưng chỉ 4 đề án được UBND thành phố phê duyệt.

Việc xây dựng đề án theo Nghị định 151 liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, như thuế, tài nguyên và môi trường, quy hoạch, xây dựng, giáo dục, y tế… Do đó, các sở, ngành liên quan cần chủ động thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị nói chung và trường học nói riêng tháo gỡ vướng mắc. Đối với trường học, bệnh viện, cần xét đến tính chất phục vụ học sinh, bệnh nhân để cân nhắc miễn tiền thuê đất, xác định giá cho thuê phù hợp. Tất cả điều này cần được xây dựng thành quy định, quy trình nhất quán để các trường thực hiện đồng bộ, dễ dàng.

Vừa qua, UBND quận Gò Vấp đã chủ động đề xuất UBND TPHCM cho phép quận thí điểm phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này thể hiện tính chủ động, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo UBND quận này nhằm tháo gỡ các vướng mắc đã kéo dài 5-6 năm nay. Đề xuất này phù hợp thực tiễn bởi TPHCM có đến 1.888 đơn vị sự nghiệp công lập, phần lớn đều có nhu cầu cho thuê tài sản công làm căn tin, bãi giữ xe và các dịch vụ phục vụ nhu cầu của học sinh, người lao động, người dân. Nếu hàng ngàn đề án đều trông chờ UBND TPHCM phê duyệt thì khó khả thi. Do đó, với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND TPHCM nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho UBND cấp quận, thủ trưởng các sở, ngành phê duyệt các đề án.

Tổ chức căn tin, bãi giữ xe trường học là hoạt động thiết thực cho học sinh, đặc biệt với yêu cầu dạy 2 buổi/ngày và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Lẽ ra việc này phải được diễn ra thuận lợi, trôi chảy chứ không trở thành gánh nặng đối với lãnh đạo các trường, trở thành rào cản đối với học sinh.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI