'Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi!'

14/02/2019 - 13:27

PNO - Có những nỗi đau, có những niềm tự hào dân tộc mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng không thể quên bởi chúng được lưu lại trong âm nhạc, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.

Cuộc chiến biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979 là đề tài được nhiều nhạc sĩ chọn sáng tác. Nhiều ca khúc ra đời trong cùng năm cuộc chiến xảy ra nhưng có một số sáng tác phải đến nhiều năm sau mới nên giai điệu, lời ca.

Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận

Nhạc sĩ Hồng Đăng là tác giả quen thuộc với thể loại nhạc cách mạng. Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết ông có hơn 200 sáng tác về đề tài chiến tranh, cách mạng.

Cuoc chien bien gioi phia Bac 1979 trong nhung giai dieu hao hung
Những cuộc chia ly, trận chiến khốc liệt, những hy sinh và mất mát được nhiều nhà thơ, nhạc sĩ "gói" vào sáng tác.

Ở các sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, dù nhạc cách mạng nhưng chất thơ, chất trữ tình, tự sự luôn được lồng ghép để lời ca không lên gân, không hô hào mà nhẹ nhàng thấm sâu, lay động cảm xúc người nghe. Tuy nhiên, Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận là một màu sắc âm nhạc mới lạ hơn, dứt khoát, mạnh mẽ nhằm thúc giục toàn quân, toàn dân lên đường vì quê hương, đất nước.

“Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/Hát tiếp bài ca chống giặc ngoại xâm/Bốn mươi thế kỷ đều căm giận/Kẻ thù phương Bắc không đội trời chung” – trích Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận.

Chùm 3 ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do - Những đôi mắt mang hình viên đạn Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận:

 
 

Những đôi mắt mang hình viên đạn

Trong chùm ca khúc viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc, Những đôi mắt mang hình viên đạn của nhạc sĩ Trần Tiến là sáng tác không thể không nhắc tới. Đây là ca khúc được nhạc sĩ sáng tác ngay sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội.

Ca từ của ca khúc gợi hình ảnh ẩn dụ về đôi mắt của những cụ già và trẻ em – nạn nhân của trận chiến khốc liệt với hình những viên đạn, để nhắc nhớ người lính Việt Nam hãy nhìn vào đó mà giữ chặt tay súng, bảo vệ biên cương.

Chiến đấu vì độc lập tự do 

Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. Trong nhiều lần chia sẻ với báo chí về hoàn cảnh sáng tác Chiến đấu vì độc lập tự do, nhạc sĩ Phạm tuyên cho biết ngay trong đêm 17/2/1979, khi nghe tin quân xâm lược Trung Quốc tấn công biên giới, với lòng căm phẫn kẻ thù và thương xót dân tộc, ông đã sáng tác ca khúc này.

Cuoc chien bien gioi phia Bac 1979 trong nhung giai dieu hao hung
Những đôi mắt ngây thơ của trẻ em trong trận chiến ác liệt cũng dấy nên cảm xúc mãnh liệt để nghệ sĩ sáng tác.

Lúc đó nhạc sĩ Phạm Tuyên đang phụ trách âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam nên ngay khi có ca khúc, ngày 20/2, Chiến đấu vì độc lập tự do được phát trên đài, cổ vũ tinh thần chiến đấu vì quê hương, đất nước của toàn quân, toàn dân.

“Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương. Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca”, trích Chiến đấu vì độc lập tự do.

Chiều biên giới 

Sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung là màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác khi thể hiện lãng mạn không khí chiến trận căng thẳng ở biên giới phía Bắc. Chiều biên giới được phổ thơ từ bài thơ của tác giả Lò Ngân Sủn.

Ca khúc Chiều biên giới do Tạ Quang Thắng và Bảo Trâm thể hiện:

 
 

Bài thơ được sáng tác năm 1980 khi Lò Ngân Sủn nhìn thấy không khí tang thương, ảm đạm nhưng đâu đó vẫn có những mầm sống mãnh liệt đang trỗi dậy. Về sau, khi được đăng tải trên báo Nhân dân, nhạc sĩ Trần Chung đọc được và chọn phổ nhạc.

Gửi em ở cuối sông Hồng

Gửi em ở cuối sông Hồng được cố nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ từ bài thơ cùng tên của tác giả Dương Soái. Theo lời kể của nhà thơ, những ngày đầu chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, được cử lên mặt trận ngay trong tháng 2/1979.

Trong thời gian hoạt động, trước sự chống trả của địch, nhiều đồng nghiệp, đồng chí của nhà thơ Dương Soái qua đời. Trong giờ phút gặp lại khi trận chiến kết thúc, dù không ai biết ai nhưng nhà thơ Dương Soái kể, cứ gặp nhau là khóc.

Ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng do Anh Thơ thể hiện:

 
 

Về ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng, khi làm công việc giao thư từ chiến sĩ về gia đình, nhà thơ Dương Soái nhận thấy nhiều lá thư ghi địa chỉ Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Nội... các tỉnh nằm dọc sông Hồng nên hình thành ý tưởng sáng tác:

“Anh ở Lào Cai/Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/Tháng Hai, mùa này con nước/Lắng phù sa in bóng đôi bờ” – trích thơ Gửi em ở cuối sông Hồng.

Về đây đồng đội ơi

Sáng tác của nhạc sĩ Trương Quý Hải là một trong những ca khúc xúc động viết về cuộc chiến biên giới phía Bắc phải nhắc đến. Về đây đồng đội ơi là cảm xúc của người lính sống sót trở về, tưởng nhớ những đồng đội phải nằm lại nơi trận chiến. Họ - những cựu binh chẳng mong cầu điều gì ngoài hy vọng đồng đội được trở về, đoàn tụ với gia đình, quê hương: "Về đây đồng đội ơi/Người chiến sỹ sư đoàn/Hà Giang đã ngưng chiến trận/Về đây đồng đội ơi".

Ca khúc Về đây đồng đội ơi do chính nhạc sĩ Trương Quý Hải thể hiện:

 

Trong một lần chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Trương Quý Hải cho biết khi đài hương được lập nên ở cao điểm 468 - một điểm quan trọng trong chiến dịch MB84, thì những người còn sống chắc chắn sẽ "gặp" được đồng đội đã hy sinh, và Về đây đồng đội ơi là những gì mà cựu binh như tác giả muốn nhắn gửi: "Bờ suối dốc núi anh em về đây/Hãy về đồng đội ơi còn nằm khe đá hay thủng sâu/Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào".

Ngoài Về đây đồng đội ơi, Hát cho người còn sống là ca khúc nổi bật trong số những sáng tác về đề tài người lính, cách mạng của nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn được ngân lên mỗi dịp cả đất nước tưởng nhớ những người lính đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Minh Tú

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • gia hoa 17-02-2020 09:48:56

    NGày ấy tôi còn bé, nhưng đã phàn nào hình dung được cuộc chiến này, giờ đây nghe lại những bài hát này thật xúc động, cha ông ta đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ QUốc, xin cảm tạ thế hệ cha ông, thế hệ trẻ ngày nay phải sống có ý nghĩa hơn vì trách nhiệm của bản thân đối với vận mệnh của non sông đất nước.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI