Hãy tự phòng vệ cho mình trước nạn lừa đảo qua mạng

16/01/2024 - 12:57

PNO - Nếu không tự trang bị kiến thức và bản lĩnh cho mình thì e rằng công an chẳng thể giúp hết người dân khỏi bị lừa.

Theo thông tin tổng kết năm 2023, số liền bị lừa đảo qua mạng trên thế giới lên đến 57 tỉ USD. Trong đó riêng Việt Nam bị lừa đảo lên đến 16 tỉ USD. Con số không khỏi khiến người ta giật mình. 

Không như trước đây, bọn lừa đảo chủ yếu đánh vào lòng tham của những người nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết bằng những thủ đoạn đơn giản. Kẻ lừa đảo hiện nay tấn công bằng nhiều chiêu trò hiện đại, tinh vi hơn, nạn nhân cũng đa dạng hơn. Chúng hoạt động bài bản, có thông tin rõ ràng, biết thao túng tâm lý để nạn nhân không nghi ngờ.

Chỉ vì một cú điện thoại báo tin mình bị dính vào cuộc điều tra liên quan đến một vụ phạm pháp quỷ ma nào đó, anh bạn tôi tin răm rắp rằng người gọi là công an. Sau đó, chuyển hết 1,2 tỉ đồng trong ngân hàng cho người gọi để mong không bị tù tội như gã lừa đảo đe doạ qua điện thoại.

Tiền ảo, giấc mơ làm giàu của những kẻ lười nhác nhưng thiếu hiểu biết (ảnh minh hoạ)
Tiền ảo, giấc mơ làm giàu của những kẻ lười nhác (ảnh minh hoạ)

Cậu em họ tôi thì bị một cô gái trẻ đẹp chủ động làm quen trên Facebook. Sau một thời gian đưa đẩy, hứa hẹn gặp mặt, cô ta rủ cậu chơi tiền ảo để mau giàu. Dù đã có vợ và không hiểu biết gì về tiền ảo nhưng vì lòng tham, cậu nói dối vợ lấy tiền làm ăn rồi chuyển cho cô kia, hy vọng được cả tình lẫn tiền. Lúc đầu, cô ta còn nhử mồi bằng cách cho cậu thắng vài lần với số tiền lãi ít ít để tin tưởng. Đến khi nhận được hơn 400 triệu đồng thì cô ta cắt đuôi, chặn hết điện thoại, Facebook của cậu. Cậu hỏi tôi có cách nào lấy lại tiền mà không báo công an vì sợ đến tai vợ.

Lần khác, anh hàng xóm nhờ tôi hướng dẫn cài đặt một ứng dụng gì đó của cơ quan thuế trên điện thoại để được hoàn thuế môn bài. Có người xưng là nhân viên cục thuế gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng ấy trên điện thoại của anh để được hoàn 1 triệu đồng thuế môn bài (anh ta có đăng ký kinh doanh làm chủ một doanh nghiệp nhỏ). Sau khi cài thành công thì gọi lại cho người ấy để được nhận tiền. Tôi giải thích cho anh hàng xóm ngây thơ đó chỉ là một cuộc gọi lừa đảo. Cũng may điện thoại của anh không cài được chứ nếu không, chưa biết chuyện gì xảy ra khi kẻ gian đột nhập vào cơ sở dữ liệu trên điện thoại anh.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi liên tục nghe những vụ lừa đảo giản đơn như thế xảy đến với những người xung quanh mình chứng tỏ đội ngũ lừa đảo ngày càng đông và có hệ thống chứ không còn là cá nhân, chúng phủ sóng khắp nơi và tấn công đủ mọi đối tượng. 

Việt Nam được biết là quốc gia có tỷ lệ tiếp cận internet khá cao trên thế giới. Đáng tiếc là điều này lại không tỷ lệ thuận với khả năng nhận thức thông tin trên không gian mạng của mọi người nên dễ bị bọn tội phạm công nghệ cao lợi dụng. Nhiều nạn nhân xấu hổ không dám trình báo cơ quan chức năng, hoặc ngại lên xuống mất thời gian nên thường cho qua.

Có thể nói người ta bị lừa do lòng tham lẫn thiếu hụt thông tin, kiến thức. Người ta có thể học hỏi để bồi đắp lỗ hổng tri thức nhưng với lòng tham và thói quen thích "việc nhẹ" lương cao thì khó gì có thể bù đắp nổi trừ phi chính bản thân họ tự ý thức được.

Bên cạnh đó, chính quyền cần nâng cao nhận thức của người dân thông qua những cuộc họp tổ dân phố có cơ quan công an tham dự thay vì những thông tin cảnh báo chung chung ra rả trên báo, đài. Những công ty có đông công nhân nên có những buổi họp với đại diện công đoàn và cơ quan công an để phổ biến thông tin đề cao cảnh giác vì đây là số đông đối tượng mà bọn lừa đảo thường nhắm tới.

Phần người dân cũng nên tự bảo vệ mình thay vì chỉ báo công an khi sự đã rồi. Cần tỉnh táo trước những đề nghị hấp dẫn, bình tĩnh khi tiếp nhận cuộc gọi, email, tin nhắn có nội dung đe doạ kể cả khi họ nêu đúng thông tin cá nhân của mình. Không vội xác nhận ngay bất cứ gì mà nên trì hoãn để xác nhận lại những gì họ nói có đúng không. Yêu cầu họ cho biết tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ cơ quan, phòng ban nơi họ làm việc để mình phản hồi sau. Hỏi ý kiến những người có hiểu biết, uy tín xung quanh, kiểm tra với những cơ quan mà họ nhắc đến xem có nhân viên nào tên, số điện thoại, đang phụ trách công việc như họ nói không... kể cả báo công an. Nên nhớ với những vụ việc quan trọng, các cơ quan chính quyền ít khi liên lạc qua điện thoại.

Với hàng loạt hình thức lừa đảo tinh vi như video deepfake (hình ảnh giả mạo), giả danh cơ quan chức năng gọi điện hăm dọa, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả người thân mượn tiền, giúp lấy lại tiền bị lừa… nếu không tự trang bị cho mình thông tin, kiến thức cần thiết và bản lĩnh để nói không trước cám dỗ, e rằng công an có ba đầu sáu tay cũng chẳng giúp hết người dân khỏi bị lừa. 

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI