Hãy truyền năng lượng tích cực cho mẹ

03/02/2023 - 14:00

PNO - Hãy chia sẻ và về thăm mẹ bất cứ khi nào có thể, để truyền năng lượng tích cực và tình yêu thương đến mẹ. Những điều này sẽ giúp tinh thần mẹ khỏe hơn, và cái nhìn với mọi thứ sẽ cân bằng, lạc quan hơn…

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 40 tuổi, có công việc ổn định, kết hôn từ năm 26 tuổi và đã có hai bé trai. Chồng em thương vợ con, có thu nhập khá. Nhưng mẹ em luôn có ám ảnh con gái bất hạnh.

Mỗi lần sang nhà em, mẹ đều suy diễn ra “drama” (kiểu một vở kịch gây cấn) nào đó. Như mẹ thấy hai đứa con trai của em không tự lập. Việc các cháu ăn chậm, quên bỏ chén vào chậu, hay lười tắm… cũng khiến mẹ quy về nỗi khổ của em. Trong mắt mẹ, em đang chịu đựng, mà phải giả vờ hạnh phúc.

Mỗi lần đến chơi, mẹ đều giành làm hết việc nhà theo kiểu “dạy cho thằng rể với mấy đứa cháu một bài học”. Mẹ dạy bằng cách nấu cơm thật đạm bạc, thường chỉ có 1 món.

Khi bữa ăn quá sơ sài, hai đứa nhỏ tỏ ra thất vọng, mẹ cho rằng cháu hư, quen đòi hỏi. Vừa ăn mẹ vừa phân công, lát ăn xong thì ai phải dọn cái gì. Chồng em hiểu mẹ đang “khéo léo” dựng lại nếp nhà của em, anh chỉ cười và vui vẻ theo ý mẹ.

Chồng em là sếp trong một cơ quan nhà nước. Thỉnh thoảng, đồng nghiệp, bạn bè anh lại kêu réo tiệc tùng, ăn uống. Mẹ rất bực chuyện này: “Chồng gì suốt ngày ăn nhậu, không nghĩ tới vợ con”.

Một lần mẹ nghe anh đùa với đồng nghiệp rằng anh có vợ trẻ đẹp nên giữ vợ rất nhọc, từ đó bà nghĩ sự lười đi chơi của em là do chồng ghen cuồng.

Em không biết làm sao nữa. Em càng giải thích, mẹ chỉ càng nghĩ em cố che đậy…

Thục Quyên (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thục Quyên mến,

Các bà mẹ có tâm lý muốn bao bọc, nâng đỡ mọi mặt cho con, đến khi thấy con vào đời vất vả, mẹ có xu hướng “làm quá” mọi cực nhọc.

Chuyện của mẹ em có vẻ đặc biệt hơn. Mẹ em suy diễn và bi kịch hóa mọi thứ, đồng thời chính mẹ cũng khổ sở vì ám ảnh về những điều mình suy diễn.

Điều này có thể là một biểu hiện của chứng sa sút sức khỏe tinh thần. Nếu quả thực sức khỏe tinh thần của mẹ đang có vấn đề, thì mẹ sẽ miễn nhiễm với mọi giải thích tích cực từ em, và chỉ bị hút vào những biểu hiện tiêu cực.

Theo Hạnh Dung, trước hết, em hãy trò chuyện cởi mở với mẹ. Chuyện không nên bắt đầu với cuộc sống của em, mà hãy mở lời về cuộc sống của chính mẹ. Mẹ có thấy mọi thứ quanh mình ổn không? 

Những niềm vui cũ, những thói quen tích cực ngày xưa mẹ có còn giữ? Giấc ngủ của mẹ có chất lượng không? Và có điều gì khiến mẹ phiền muộn? Em hãy nhẹ nhàng quan tâm và bày tỏ sự thân thiết để mẹ có thể mở lòng chia sẻ về cảm nhận của mẹ…

Chắc chắn, mẹ sẽ nhắc đến vấn đề của em. Lúc này, em hãy chia sẻ về cảm giác của em với hôn nhân. Em hạnh phúc ra sao, với những vấn đề mẹ lo lắng thì em cảm thấy thế nào.

Hãy liên hệ với một vài câu chuyện hôn nhân mà mẹ biết để mẹ có thể nhìn nhận những vấn đề kia một cách công bằng hơn, từ việc bọn trẻ hay ỷ y, lười biếng và thích ăn ngon cho đến sự phân công việc nhà giữa em và chồng.

Những gì thực sự không ổn, hãy nói cho mẹ biết em định cải thiện nó như thế nào và lộ trình ra sao. Tuy nhiên, mẹ cần biết rằng gia đình nào cũng có những vấn đề tương tự và quan trọng là vợ chồng có giải pháp để cải thiện dần dần. 

Rất có thể cuộc trò chuyện ấy sẽ không khiến nỗi lo của mẹ mất đi, nhưng nó giúp em đo lường được phần nào sức khỏe tinh thần của mẹ. Nếu cần, hãy liên hệ bác sĩ tâm lý, bác sĩ thần kinh để được tư vấn và sắp xếp đưa mẹ đến khám.

Ngoài ra, các con em cần giữ sự kết nối với bà ngoại. Hãy chia sẻ và về thăm mẹ bất cứ khi nào có thể, để truyền năng lượng tích cực và tình yêu thương đến mẹ. Những điều này sẽ giúp tinh thần mẹ khỏe hơn, và cái nhìn với mọi thứ sẽ cân bằng, lạc quan hơn…

Chúc em sớm vượt qua giai đoạn này!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI