Trong văn thơ, ca dao, văn học… hình ảnh người mẹ luôn rất hiền dịu, hy sinh cho con. Thế nhưng, trong đời thường, không phải ai cũng có một người mẹ hiểu con và nước mắt luôn chảy xuống. Thứ Bảy tuần trước, nhóm chúng tôi ngồi bên nhau, quanh chiếc bàn trong quán cà phê nơi Đường Sách.
Anh Trần Sang, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, quê tỉnh Quảng Bình, chia sẻ giọng buồn buồn: “Tôi làm nhiều công việc bán thời gian để có tiền đóng học phí, tiền trọ và ăn uống. Mỗi lần về, mẹ đều hỏi tiền, tôi cũng đưa mẹ vài triệu. Điều tôi buồn là mẹ nhận nhưng không hề thắc mắc tiền này ở đâu, và tôi đã cực khổ thế nào để có số tiền đó”.
|
Ngày tôi (tác giả) còn mẹ |
Ngày Sang tốt nghiệp, anh muốn mẹ đi dự lễ nhưng mẹ anh từ chối vì không có thời gian, bà phải ra đồng làm nông, đi xa mệt. Lễ tốt nghiệp bạn bè đều có cha mẹ đi cùng, rồi chụp hình chung, Sang rất tủi thân. Người bạn thân của anh an ủi, chẳng qua mẹ anh ngày trước chỉ học đến lớp Hai nên đã không hiểu ý nghĩa của ngày tốt nghiệp đại học, một sự kiện, một bước ngoặt lớn cho một đời người”.
Thúy Trâm, học ngành ngân hàng và cũng đã tốt nghiệp. Gia đình cô ở Ninh Thuận. Cô vào TP.HCM học, làm thêm, kiếm tiền nuôi bản thân, đóng học phí và gửi ít tiền về cho mẹ. Năm vừa rồi em trai Trâm vào học đại học, Trâm phải gánh phần lo cho đứa em. Em trai làm thêm có ít tiền lại bỏ vào game, ăn nhậu cùng bạn. Để em có trách nhiệm,
Trâm bảo em đóng góp phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, tiền điện nước… Cậu em méc mẹ. Thế là Trâm bị mẹ mắng. Cô kết luận: “Mẹ tôi chỉ “trọng nam khinh nữ”.
Bàn tròn trở nên sôi nổi. Chị Minh Lan, 60 tuổi, nhớ lại: “Mẹ tôi thế hệ già hơn mẹ các bạn. Tôi nhớ lần đầu được lãnh thưởng ở lớp tiểu học bao gồm sách vở, đồ chơi và một bọc bánh kẹo to. Tôi mang về nghĩ rằng mẹ sẽ rất vui và sẽ cùng ăn bánh với tôi. Không ngờ mẹ lạnh lùng: “Ăn hết đi”. Tôi hụt hẫng. Từ đó tôi có lãnh thưởng cũng chẳng nói với mẹ, vì tôi biết mẹ chẳng quan tâm, cũng chẳng tự hào gì với sự giỏi giang thành công của tôi”.
Mỗi người một câu chuyện. Và rồi ai cũng nhận ra người mẹ hoàn hảo chỉ có trong văn thơ, phim ảnh. Chợt mọi người nhìn tôi, một người mất mẹ đã hai năm, và với tôi đó là cú sốc lớn. Tôi chậm rãi góp lời: “Cuộc sống không có gì hoàn hảo, người mẹ của chúng ta cũng thế thôi. Mẹ tôi sinh ra từ thế kỷ thứ XIX vì hôm nay tôi gần tuổi “xưa nay hiếm” rồi. Mẹ tôi cũng có lúc rất khó gần, khó ưa. Tuy nhiên, tôi nói với các bạn rằng: Hãy trân trọng từng giây phút có mẹ, còn mẹ”.
Tôi kể mọi người, thời trẻ tôi thường công tác xa nhà. Khi về câu hỏi đầu tiên của mẹ là: “Con ăn gì chưa?”. Tôi chưa kịp trả lời, bà đã vào bếp lui cui nấu cơm, chiên cho tôi cái trứng vịt, pha ly cà phê vì biết tôi ghiền cà phê. Tôi hạnh phúc vì bôn ba tận đâu cũng có nơi quay về và có người lo bữa ăn cho mình, dù có khi lúc đó là 12 giờ khuya.
Cả bàn chăm chú lắng nghe câu chuyện của tôi.
Tôi kể tiếp: “Một lần, tôi đi du lịch mấy tháng ở châu Âu. Lúc về, trên xe taxi tôi gọi cô giúp việc mở sẵn cổng vì hành lý khá nặng, đỡ phải chờ đợi. Qua điện thoại của cô giúp việc, tôi nghe tiếng mẹ mừng rỡ hỏi cô giúp việc: “Chừng nào nó về?”. Khi đến cổng nhà, thò tay vào chốt mở cửa, tôi cảm động đến bật khóc khi thấy mẹ đứng chờ từ lúc nào.
Cô giúp việc kể, mẹ - một cụ già ngoài 95 tuổi cứ ríu rít hỏi về tôi. Biết tôi đang trên đường về nhà, bà đã ra cổng chờ sẵn. Mẹ tôi cũng quý các con trai hơn, nhưng không có nghĩa không yêu thương con gái. Giờ bà đã qua đời, tôi lại độc thân nên thật xót xa khi nghĩ từ nay có đi xa chẳng ai hỏi về mình. Và lúc về chẳng còn ai đợi mình nơi cổng nữa”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Đôi mắt Trần Sang sáng lên đồng tình: “Đúng rồi, dù mẹ không tâm lý khi trò chuyện và cư xử với tôi, nhưng mỗi sáng trước khi đi chợ bà đều hỏi tôi thích ăn gì để mua nấu…”. Rồi mỗi người cũng nhớ ra những điều tốt đẹp mà họ chưa kể về mẹ mình. Trâm nói mẹ cô chưa bao giờ tự mua cho bà áo quần mới, cả đời chưa biết dùng cây son, chỉ chăm chút gởi quà cho con. Chị Minh Lan cũng nhớ ra mẹ chị lúc bệnh nặng cũng không làm phiền đến các con, bà tự giặt quần áo, tự nấu cháo cho mình.
Mỗi người một cách nhớ về mẹ. Cũng như những mối quan hệ khác, chúng ta hãy nhớ về những điều tốt của nhau, những gì người đó từng quan tâm chăm sóc đến mình, hơn là cứ ghim gút những bất mãn, những điều không bằng lòng.
Mẹ nào cũng yêu con, nhưng cách cư xử, lời nói đôi lúc thiếu tế nhị khiến con đổ vỡ, hụt hẫng và buồn lòng… do trình độ nhận thức và tính cách riêng của từng người mẹ. Nhưng hãy tận hưởng hạnh phúc khi còn mẹ, còn mái nhà để quay về.
Nguyễn Ngọc Hoà