Những vụ lừa lọc để lấy tiền, để buôn người chung quy là do kẻ xấu đánh vào tâm lý hám lợi, tâm lý thương người, hoặc tâm lý hoảng loạn khi nghe tin người thân bị nạn.
|
Một nạn nhân đến công an trình báo sau khi bị lừa số tiền 335 triệu đồng - Ảnh: Công an cung cấp |
Để đánh vào tâm lý hám lợi có nhiều cách, cách thường thấy là đầu tiên cho nạn nhân hưởng lợi chút ít lấy lòng tin để cuối cùng hốt một mẻ lớn rồi bỏ trốn như mua thứ tào lao với giá dần dần cao lên để phút cuối bán lại với giá ngất ngưởng, điển hình là các vụ mua lá điều trước đây. Gửi tiền đầu tư lãi suất cao, bán hàng đa cấp, … cũng là loại hình này. Việc nhẹ lương cao cũng không khác gì mấy.
Đánh vào lòng thương người để trục lợi như giả vờ bệnh tật để xin tiền. Họ lê lết bên đường với vết thương đầy mủ máu hay có một đoạn ruột chưa được đưa vào trong vì không có tiền đóng viện phí. Hay mấy năm gần đây trên mạng thỉnh thoảng có thông báo của người quen là tài khoản bị hack do đã có kẻ xấu mạo danh kêu gọi góp tiền hỗ trợ.
Có thêm hình thức kẻ lừa đảo đe dọa người nào đó mà họ có thông tin để lừa tiền khi giả vờ họ là người của các cơ quan pháp luật đang điều tra một vụ tố cáo, vu oan cho nạn nhân. Muốn thoát khỏi vòng lao lý nạn nhân phải chuyển tiền để họ điều tra nhằm thanh minh cho mình.
Và rồi mới nhất đã xảy ra mấy vụ yêu cầu chuyển tiền để mổ cấp cứu gấp. Kẻ xấu đóng vai thầy cô của học sinh, đóng vai người phát hiện tai nạn để người thân chuyển tiền vào tài khoản của họ để họ giúp đóng tiền viện phí, giúp ký giấy cam kết cho bác sĩ tiến hành chữa trị.
Hầu hết các nạn nhân sau khi bị mất tiền của, hoặc được giải thoát khỏi những tên chăn người, đều nhận ra do chính mình không tỉnh táo. Chính những người bị “bùa mê”, khi mất số tiền quá lớn, bị sốc, họ khóc than hoặc câm lặng, người thân tìm thấy họ ngớ ngẩn, nói lảm nhảm như người mất trí.
Thời gian trôi qua nạn nhân nhớ và kể lại mới thấy do họ quá tin người, tự tay trao tài sản, trao số mạng của mình cho kẻ xấu. Đó cũng là do tham kiếm lời nhanh chóng dù nạn nhân không rõ họ mua các thứ vớ vẩn để làm gì miễn mình có lời là được.
Phân tích kỹ từng vụ việc đa số vì lời ngon, tiếng ngọt tin theo hứa hẹn dễ kiếm lời mà mất cảnh giác để người lạ chiếm đoạt hàng hóa, tiền bạc.
Các kiểu kêu gọi lòng thương giờ đây khó lòng lừa gạt. Người ta chỉ giúp các “bệnh nhân” lang thang xin tiền ngoài đường bằng cách đưa họ đến cơ sở chữa trị. Chắc chắn họ sẽ bùng chạy. Người ta cũng không tin các đề nghị qua mạng để gửi tiền mà không kiểm chứng lại.
Với các vụ đóng tiền để người thân được phẫu thuật nếu bình tĩnh một chút, hỏi thăm cặn kẽ một chút sẽ thấy ngay là chuyện vô lý. Tại sao thầy thuốc nhẫn tâm chờ tiền mới cấp cứu. Nếu cần thủ tục thì lời nói qua điện thoại có đủ cơ sở pháp lý để bác sĩ, bệnh viện chữa trị hay không?
Trừng trị tội phạm lừa đảo là việc cần làm và phải làm của các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng để không trở thành nạn nhân là việc của chúng ta. Chỉ cần tỉnh táo để nhớ rằng không có đồng tiền nào dễ dàng mà có. Nhớ rằng có thể liên hệ các nơi hoạt động giúp người khốn đốn chuyên nghiệp.
Và cuối cùng các cơ quan đơn vị như bệnh viện, lực lượng bảo vệ luật pháp đều có quy tắc làm việc của họ. Họ không thể thực hiện chức trách của mình nếu chỉ dựa vào những dòng tin nhắn hay những cuộc điện thoại linh tinh.
Nguyễn Thu Đăng