Nhóm nữ sinh viên bảo nhau “Con gái phải chọn người yêu cao hơn mình một cái đầu”, “Đời ai lại cọc tìm trâu, con gái mà chủ động xin số điện thoại con trai là không nên nết” hay “Tết phải về ra mắt nhà anh trước rồi mới được về nhà em, bố anh bảo thế!”…
Có anh chàng nhanh nhảu “đặt hàng” người yêu là sau này phải đẻ con trai để anh chàng được ngồi mâm trên. Khi còn mặn nồng, vui vẻ, cô nàng gật đầu. Trái tim cân hết, chiều hết kể cả những yêu sách… vô lý đùng đùng.
|
Thạc sĩ Phạm Đỗ Nam (bìa trái), thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi (giữa) trong vai trò diễn giả của hội thảo “Đưa con vào đời - Tư duy mới” |
Vào cuối tháng 9/2022, nhóm sinh viên Khoa Tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo “Đưa con vào đời - Tư duy mới” trong khuôn khổ dự án “Đẩy lùi định kiến giới trong khả năng ra quyết định tại các gia đình trên địa bàn TP.HCM ở thời kỳ hiện đại”.
Tại hội thảo, thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi (giảng viên Khoa Tâm lý học - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cung cấp kiến thức cho các bạn sinh viên và lồng vào đấy những kinh nghiệm sống, những lời dặn dò chân tình.
Thạc sĩ Mộng Chi nói: “Các cụ dạy học ăn học nói học gói học mở. Trước ngưỡng cửa thành gia thất, các bạn cần trang bị nhiều thứ, nhất là cần tham gia các khóa học tiền hôn nhân. Nên tìm hiểu kỹ quan niệm về giới của bạn đời, quan niệm về nuôi dạy con… Giả sử người ấy khác quan điểm của mình nhưng ít ra mình cũng biết về sự khác biệt ấy. Hai người đến với nhau chỉ bằng tình yêu thôi thì chưa đủ”.
Một nữ sinh đặt câu hỏi khiến cả hội trường “nhức não”. Câu hỏi rằng, nếu chàng và nàng trong quá trình tìm hiểu đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau, mà hai người vẫn xác định lấy nhau thì có chiến lược nào để họ chung sống êm đềm dưới một mái nhà không? Người nữ có cần nhường nhịn và nhượng bộ khi quan điểm bình đẳng giới va đập chan chát nhau?
Theo thạc sĩ Mộng Chi, không nên để xảy ra tình trạng ngay từ đầu người nữ đã lép vế, nhún nhường, chấp nhận quan điểm đối phương nếu đó là những định kiến cứng nhắc, bất bình đẳng; nhưng cần chọn cách trao đổi như thế nào cho hiệu quả, “mưa dầm thấm sâu”. Im lặng không có nghĩa là thừa nhận người kia đúng, mình sai. Tranh cãi lúc nóng, thiếu bình tĩnh, thiếu cẩn trọng vừa không tìm được tiếng nói chung mà coi chừng lại xúc phạm, tổn thương nhau. Hai người bước vào cuộc hôn nhân đều mang theo văn hóa gốc của mình, khó thay đổi ngay được. Nhưng cũng không nên đứng phía ngược lại để tranh đấu. Mỗi người dần chia sẻ, thuyết phục, tranh biện hướng đến một mục đích chung là thiết lập quan điểm bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội.
Từng nghiên cứu về bạo hành liên quan đến bất bình đẳng giới nhiều nước trên thế giới, thạc sĩ Phạm Đỗ Nam (chuyên ngành nghiên cứu phát triển, chuyên về trẻ em và vị thành niên - công tác xã hội ứng dụng, cán bộ dự án chương trình tại Save the Children International) nhấn mạnh tâm thế bình đẳng sẵn sàng bước vào hôn nhân là một trong những yếu tố dẫn đến hạnh phúc, chứ không phải chấp nhận vô điều kiện, chịu đựng ngấm ngầm và biến hôn nhân thành tù ngục, không lối thoát.
Thạc sĩ Đỗ Nam cho biết một nghiên cứu từng khảo sát trên 1.000 phụ nữ New Zealand bị bạo hành, nhờ can thiệp nhưng có đến 90% không bỏ chồng được vì ràng buộc con cái và họ đã quen sống trong chịu đựng, chịu đựng dâng cao theo thời gian.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Nói về tương tác cặp đôi, thạc sĩ Đỗ Nam ví von: “Tôi hiểu về quyền của người phụ nữ nhưng không đòi quyền một cách cực đoan. Hiểu đủ để lắng nghe và chia sẻ. Nếu chỉ áp dụng nữ quyền thì có lẽ trong nhà suốt ngày cãi nhau. Và khi đó tôi như cái chai đóng kín nút. Tôi nên vẫn là cái chai nhưng mở nắp ra, tiếp nhận, sàng lọc, tìm đến sự chan hòa, ấm áp trong gia đình, cộng đồng”.
Dù có khi làm người yêu giận, nhưng Kiều Mai (sinh viên, 22 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) vẫn kiên quyết bày tỏ quan điểm một cách nhẹ nhàng dí dỏm, tế nhị nhất. Có lần một người quen cập nhật hình đại diện là bức ảnh cả nhà, người yêu của Kiều Mai hăm hở bình luận: “Con gái đầu lòng, rồi tới con trai, đủ nếp đủ tẻ là gia đình điểm 10, tuyệt vời quá cô ơi”. Thế là Mai âm thầm nhắn tin cho người yêu, góp ý điều chỉnh bình luận vế đầu vì mang màu sắc định kiến giới. Mai cũng “không để yên” khi người yêu khen chú đồng nghiệp đẹp trai nhất nhà (ngầm xoáy sâu vào chuyện chú không có con trai và có hai cô công chúa). Thỉnh thoảng người yêu giả hờn: “Không biết nói sao cho vừa lòng người yêu tui à! Mà ngẫm lại anh thấy anh đùa vậy kém duyên thiệt!”. Kiều Mai thêm: “Lời nói vô tình hằn sâu định kiến giới, thành nếp nghĩ truyền từ đời này qua đời khác không dứt ra được”.
Có khi người yêu về thăm quê Mai, thấy ba Mai lui cui trong bếp, anh ngỡ ngàng hỏi: “Ủa bác trai mà cũng biết nấu ăn nữa hả? Bác gái đâu rồi mà để bác trai phải vào bếp?”. Mai liếc xéo người yêu, giả giọng bác trai trả lời thay: “Phân công lao động là phi giới tính cháu à! Chăm sóc nhau mà, cứ ai rảnh thì làm thôi! Mai này cháu cũng cùng vợ cháu vào bếp giống vậy nha!”. Người yêu Mai phì cười: “Dạ con quên! Cảm ơn “bác” sửa lưng con!”. Rồi cả hai khúc khích cười, tản đi nơi khác, sợ bị ba la chuyện đóng thế vai.
Rút kinh nghiệm từ nhiều cuộc hôn nhân “chồng chúa - vợ tôi”, ngay từ khi mới bước chân vào mối quan hệ, Mai đã ý thức xây dựng không khí bình đẳng, tôn trọng. Với Mai, bình đẳng như kê bằng bánh xe hôn nhân, cỗ xe có thăng bằng thì mới tiến nhanh, tiến xa được.