|
Phần lớn phụ nữ đã tìm được sự tự do cho bản thân, không còn bị trói buộc bởi góc bếp hay một đống quần áo (Ảnh minh họa) |
Làm công việc tư vấn, viết sách, tôi được nghe nhiều “hậu kỳ” của đời người, tôi đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, cũng bởi tôi là một phụ nữ. Điều đáng mừng là phần lớn phụ nữ đã tìm được sự tự do cho bản thân, không còn bị trói buộc bởi góc bếp hay một đống quần áo, không còn đầu tắt mặt tối chở con đi học, rồi vội vàng đến công sở, chiều lại vội vội vàng vàng ghé đón con, tạt ngang chợ.
Các anh cũng đã thực sự vào cuộc, san sẻ việc nhà, việc con cái cho các chị. Bằng không, các anh cũng thực sự tạo điều kiện cơ sở vật chất tiện nghi đầy đủ như: máy giặt, máy rửa chén, robot lau nhà, thực phẩm sạch có shipper giao tận nơi…
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn rất nhiều phụ nữ hỏi tôi: Làm cách nào để hạnh phúc?
Nếu bạn hỏi tôi câu này, tôi hỏi lại: Điều gì khiến cho một phụ nữ không hạnh phúc? Không có mẫu số chung cho hạnh phúc hay đau khổ của một người phụ nữ.
Tuy nhiên, có một vài câu hỏi để chị em xem xét, đánh giá lại cuộc sống của mình: Tôi có đang cân bằng được giữa sức khỏe và công việc? Mỗi ngày, tôi có giây phút nào cảm thấy thoải mái, thư giãn không? Tôi trong mắt của tôi là ai? Sở thích của tôi là gì và tôi đang làm gì cho sở thích của bản thân? Nếu có một điều ước cho riêng bản thân, tôi muốn ước gì? Nếu có 24 giờ không phải làm gì cả cho công việc, gia đình, con cái, tôi sẽ làm gì cho chính tôi?…
Đáng buồn là khi được hỏi những câu này, đa số câu trả lời của các chị đều liên quan chặt chẽ đến gia đình, chồng con. Như vậy, phụ nữ có thực sự được giải phóng không?
|
Ảnh mang tính minh họa - Ron Lach |
Giải phóng mình ra khỏi hình ảnh hoàn hảo
Tôi ghé TP.Hải Phòng thăm Trang - cô đồng nghiệp cũ - vào một buổi chiều muộn. Tôi, Ngọc Trang và cậu con nhỏ bảy tuổi đi ăn ở một nhà hàng nhỏ.
Cuộc sống của Trang hiện tại khá ổn không còn bận rộn như trước. Ví dụ hôm nay, Trang chỉ cần nói: “Em muốn đi ăn với bạn. Anh tự túc nhé!”, vậy là cô ấy có một buổi tối vi vu bên ngoài.
Tôi hỏi Trang có thường xuyên đi ăn bên ngoài như vậy không, cô ấy nói: “Thỉnh thoảng, một tuần một đến hai lần”. Tôi ồ lên bất ngờ!
Chồng Trang vốn là một người gia trưởng, thích ăn cơm nhà, thích quây quần ở nhà cùng gia đình dòng họ, cuối tuần là phải qua nhà bố mẹ, anh chị ăn cơm chung. Cả tháng trời vợ rủ ra ngoài ăn một lần cũng không được. “Phải chấp nhận xung đột trong giới hạn cho phép chị ơi!”, Trang cười rồi nói thêm: “Em tự giải phóng mình. Anh ấy không muốn đi ăn ngoài cùng em thì tự nấu. Nấu xong tự ăn một mình. Cãi nhau vài lần rồi cũng quen, ảnh tự thay đổi”.
Trò chuyện một lúc tôi mới biết, Trang không chỉ giải phóng bản thân mình ra khỏi góc bếp mà giải phóng bản thân ra khỏi hình ảnh của một người phụ nữ “đảm đang”. Cứ khoảng sáu tháng, Trang sẽ rủ chồng đi du lịch một lần, chồng không đi thì Trang và con tự đi. Trang không cư xử quá đáng với chồng, không bỏ chồng ăn ngoài hết ngày này tháng nọ, cô ấy tự cân bằng giữa sở thích của chồng và sở thích cá nhân.
Thanh Lan là một trường hợp khác hoàn toàn. Lan thích được nấu cơm cho gia đình, cô chăm chút từng món ăn, lựa chọn cẩn thận từng nguyên liệu. Có lần, Lan bận việc, nhân tiện tôi đến chơi nhà, cô nhờ ghé mua giúp một ít thịt. Cô dặn tôi kỹ là phải mua thịt gì, hàng nào, xớ thịt ra sao, mua kèm với rau củ gì, mới đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho cậu con nhỏ.
Tôi hỏi Lan: “Bạn có mệt không?”. Lan cười: “Thằng con chỉ ăn được thức ăn mẹ nấu”. Nó bảo mẹ là một đầu bếp tuyệt vời nhất thế giới. Tôi hỏi lại: “Bạn thích nấu ăn cho con hay vì câu nói đó của con bạn? Nếu một ngày con bạn không nói câu này nữa vì đã tìm được một đầu bếp tuyệt vời khác thì sao?”. Lan cười: “Thì thôi! Mình về tự nấu cho mình ăn!”.
Câu chuyện của Trang, của Lan không phải là câu chuyện phổ biến của thế kỷ XXI, nhưng là điển hình cho việc người phụ nữ biết giải phóng bản thân.
Điều trói buộc vi tế nhất của phụ nữ không còn thô thiển là căn nhà, góc bếp mà chính là hình ảnh “quá hoàn hảo, quá giỏi giang”.
Bạn không nên nổi loạn, nhưng trong giới hạn nhất định nếu bạn không tự giải phóng chính bản thân ra khỏi những khuôn mẫu thường nhật thì chính bạn là nguyên nhân gây ra bất hạnh của chính mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Tin vào quyết định, ước mơ, mong muốn...
Ngày nay, vẫn nhiều người nhìn phụ nữ ly hôn như người thiếu tính hy sinh và thiếu sự cam chịu, đặc biệt là đối với phụ nữ thành đạt. Tường Vi rất áp lực trước thực tế đó, vì cô vừa là một doanh nhân thành đạt, một phụ nữ thành công. Chồng Tường Vi ngoại tình, về nhà anh chỉ im im. Ba năm qua, vợ chồng không nói được với nhau câu nào. Vi nói ly hôn thì chồng không đồng ý. Gia đình của Vi là một gia đình kiểu mẫu của “hạnh phúc”, người ngoài nhìn vào thường khao khát. Đó là một sự tra tấn về tinh thần kinh khủng hơn cả thể xác.
Vi nói với tôi: “Là một phụ nữ bình thường thì có thể sống cuộc đời của chính mình dễ hơn”. Tôi đã hỏi Vi: “Quan trọng là bạn muốn sống cuộc đời của bạn hay cuộc đời của một doanh nhân thành đạt, một phụ nữ thành công?”.
Đầu năm 2022, tôi đã thành lập một dự án cộng đồng mang tên “I Believe In Me - Tôi tin tôi” với mục tiêu mỗi người đều có được sự tự tin, độc lập cho chính mình thông qua hệ thống kỹ năng mềm và giá trị sống. Sẽ không còn chuyện người này phải như thế này, phải như thế kia mà là điều chỉnh thái độ sống cho cân bằng theo đúng hoàn cảnh của mình.
Vi, Trang, Lan và nhiều người phụ nữ khác hãy tin vào chính mình, tin vào quyết định, ước mơ, sở thích mà bản thân theo đuổi!
Trong trường hợp của Vi, cô nên trả lời được: Giá trị của cô là ở đâu? Cô muốn gì với cuộc đời của chính mình hơn là bảo vệ hình ảnh của một gia đình “hạnh phúc”, một doanh nhân thành đạt không liên quan gì đến một người vợ đơn phương ly hôn chồng, một người phụ nữ thành công không liên quan gì đến việc cô ấy có một gia đình tan vỡ.
Nếu câu trả lời là: “Tôi muốn có một cuộc hôn nhân mà đối phương chia sẻ, tâm sự cùng nhau vào cuối ngày. Hôm nay, anh cảm thấy thế nào? Em cảm thấy ra sao?”, vậy thì hãy tin vào điều đó!
Nếu câu trả lời là: “Tôi muốn bỏ bớt công việc, không thăng chức để có nhiều thời gian cho chồng con, vì điều ấy khiến tôi hạnh phúc”, vậy thì hãy tin vào điều đó!
Nếu câu trả lời là: “Tôi muốn đi du học dù con chỉ mới bảy tuổi. Chồng tôi đồng ý bớt thời gian đi làm để thay tôi chăm con”, vậy thì hãy tin vào điều đó!
Nếu câu trả lời là: “Tôi không sinh đứa thứ hai vì tôi biết tình hình tài chính, kinh tế của gia đình eo hẹp. Tôi muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con”, vậy thì hãy tin vào điều đó!
|
Ảnh mang tính minh họa - Annushka Ahuja |
Ngày hôm nay có gì vui?
Tất nhiên, Vi thật khó để bước qua được rào cản của dư luận, Trang cũng khó khăn khi vượt qua được hình ảnh vợ đảm của chính mình, mọi thứ chưa bao giờ là dễ dàng, điều một phụ nữ cần làm là gì?
Hãy tự trau dồi kiến thức của bản thân mỗi ngày, dù bạn đang ở trong góc bếp hay ngồi trên ghế của một giám đốc. Nếu không có kiến thức về cuộc đời nói chung, không có kiến thức chuyên môn nói riêng, không có giá trị theo đuổi thì bạn không thể nhận ra chính mình để biết bạn thực sự muốn gì và cần gì.
Hãy quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống của bạn mỗi ngày. Bạn có đang sống cho niềm vui, sự lựa chọn của chính mình, hay sống cho hình ảnh của một phụ nữ thành đạt, một người vợ đảm đang, một người mẹ tuyệt vời. Nếu như cuối ngày bạn bận đến mức quên hỏi bản thân: “Mình đang cảm thấy như thế nào? Ngày hôm nay có gì vui không?”, thì thật đáng tiếc!
Hãy nhận ra bản thân và can đảm thay đổi. Bạn không thể lựa chọn gia đình, cha mẹ, càng không thể lựa chọn con cái. Nhìn thoáng qua, điều bạn có thể lựa chọn có vẻ là một người chồng, nhưng theo thời gian anh ta có thể thay đổi. Vậy thì điều bạn có thể lựa chọn là cách sống của bản thân.
Hãy điều chỉnh, thay đổi thái độ sống mỗi ngày từng chút một sao cho bạn và những người xung quanh đều thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc trong những phạm vi, chừng mực và hoàn cảnh nhất định!
Thạc sĩ tâm lý Võ Hồng Tâm