Hãy thương mẹ chồng yếu đuối

25/07/2021 - 13:37

PNO - Khi nghe em tâm sự, phía nhà mẹ ruột em rất tức giận. Mẹ đòi hết dịch sẽ đến xin đón dâu về và cắt đứt tình sui gia. Lòng em đang rối bời.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Thư này em viết từ khu cách ly. Nếu mọi việc suôn sẻ thì 18 ngày nữa em được về với gia đình. Nhưng em đang rất sợ 18 ngày đó phải kết thúc. 

Em là nhân viên một cửa hàng thực phẩm. Từ khi dịch bệnh căng thẳng, mẹ chồng yêu cầu em ở nhà. Lúc đó, chỗ làm của em thiếu nhân viên vì các bạn ở tỉnh về quê gần hết, nếu em cũng nghỉ thì cửa hàng khó vận hành.

Em có thể kiểm soát việc lây nhiễm bằng cách đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, dùng bao tay và rửa tay liên tục. Và em vẫn đi làm trong những ngày đó, trong sự lo âu của mẹ chồng.  

Nhưng chẳng may em tiếp xúc với khách hàng là F0. Lúc em bị đưa đi cách ly tập trung, mẹ chồng em căng thẳng và mắng không tiếc lời. Mẹ nói em coi thường mạng sống của ba mẹ. Lúc đó em rất hoảng loạn, nhưng ba chồng chỉ im lặng chứ không nói một lời động viên hay tạm biệt nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ ngày vào khu cách ly, dù kết quả xét nghiệm âm tính nhưng tâm trạng em rất tệ. Chồng em thỉnh thoảng nhắn tin động viên, em không nhận được bất kỳ lời hỏi thăm nào của gia đình chồng. 

Cuối cùng, việc đi làm biến em thành tội đồ. Em đau lòng và không biết làm sao để trở về. Khi nghe em tâm sự, phía nhà mẹ ruột em rất tức giận. Mẹ đòi hết dịch sẽ đến xin đón dâu về và cắt đứt tình sui gia. Lòng em đang rối bời. Lẽ nào, ngay sau những ngày cách ly em phải đối diện với tan vỡ? 

Mong chị Hạnh Dung sớm hồi âm và giúp em sáng suốt.

H.L.

H.L. mến,

Hy vọng rằng khi Hạnh Dung phản hồi thư này, em đang khỏe mạnh và kề cận ngày về. Với tư cách là một người dân sống ở thành phố đang căng mình chống dịch, Hạnh Dung xin cảm ơn em và những người như em, đã hy sinh để lại những lo lắng riêng, tiếp tục công việc, phục vụ mọi người trong mùa dịch.

Chắc chắn ai ở hoàn cảnh của em cũng sẽ đau lòng và buồn tủi. Nếu nhìn ở bề mặt thì sẽ thấy nhà chồng rất lạnh lùng và tàn nhẫn với em. Nhưng có lẽ em cũng hiểu lúc đó họ đã trở thành F2 và đang đối diện với điều gì. 

Lời lẽ của mẹ chồng em lúc đó không còn là phản ứng cay nghiệt của một người mẹ, mà là phản xạ của một con người yếu đuối và đầy bất an khi đối diện với  điều họ sợ hãi. Ba chồng em cũng thế, dù ở mức độ nhẹ hơn. Điều này đã khiến em buồn tủi và khiến ba mẹ em tức giận.

Nhưng Hạnh Dung nghĩ, nếu người đó là con ruột, mẹ chồng em cũng sẽ phản ứng như vậy.  Nỗi sợ hãi đã xâm chiếm, khiến bà không còn khả năng thông cảm với bất kỳ người nào…

Hạnh Dung phân tích vậy không có nghĩa là nhà chồng em hành xử đúng, mà là mong em có cái nhìn thấu suốt để hiểu gốc gác. Tình huống căng thẳng có thể khiến mọi người đánh mất bản thân, nhưng có thể “bình phục” khi căng thẳng qua đi.

Em có thể chủ động hỏi thăm mẹ chồng. Và khi có cơ hội, em hãy một lần nói rõ rằng em không bất chấp sức khỏe của cả nhà. Hãy chia sẻ để cả nhà biết bản thân em đã chủ động phòng tránh tối đa nguy cơ nhiễm bệnh thế nào và việc tiếp xúc với F0 để phải đi cách ly có thể chỉ là một thủ tục dịch tễ.

Thương chúc cả nhà em mạnh khỏe. Nỗi sợ hãi sẽ qua đi và lúc đó mọi người sẽ lại kết nối với nhau bằng tinh thần khỏe mạnh.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI