PNCN xin được phép khép lại diễn đàn bằng bài viết của chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, Tổng thư ký Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM.
Đây là câu hỏi khiến tôi băn khoăn, bởi nó liên quan đến việc phụ nữ mong muốn điều gì. Trong những lớp tôi giảng dạy, tôi thường trao đổi với sinh viên nữ: “Các bạn định làm gì trong tương lai?”. “Dạ, lấy chồng đại gia” - hầu hết sinh viên vừa cười to vừa nói như thế. Đương nhiên, tôi hiểu trong số đó có rất nhiều bạn đùa vui, nhưng dường như ngay cả sự đùa vui vẫn có vấn đề.
Tôi hỏi tiếp vì sao lấy chồng đại gia? Các em trả lời vì như thế là sướng nhất. Tôi hỏi, tại sao như thế là sướng nhất? Các em trả lời vì chẳng phải làm gì vẫn có tiền tiêu xài mua sắm. Chuyện chỉ đơn giản vậy, nhưng câu trả lời kiểu ấy dường như lặp lại với nhiều lớp sinh viên. Càng là sinh viên ở đô thị, càng là sinh viên nhà giàu thì câu trả lời càng theo hướng đó.
Không biết liệu trong số nhiều sinh viên trả lời như thế, có bao nhiêu bạn là đùa và bao nhiêu bạn là thật, nhưng dường như nhiều người Việt Nam vẫn thấy việc không làm gì mà có tiền tiêu xài mua sắm là sung sướng nhất. Và nếu sự thật là vậy, thì hỏi giá trị của phụ nữ là ở đâu?
Những người có quan điểm như thế đã tự lựa chọn cho mình một sự lệ thuộc, có thể hiểu như thế và giá trị của họ là làm cho một đại gia nào đó vui vẻ để chịu nuôi họ, cho họ tiền tiêu xài và mua sắm. Nếu đó là giá trị của phụ nữ thì thật ra đó là những giá trị ảo mà thôi.
Hãy tưởng tượng, khi các bạn nữ muốn lấy chồng đại gia để có nhiều tiền tiêu xài mua sắm mà không phải làm gì mất công sức thì giá trị của họ là gì? Có thể đó là tiền nhiều nhưng không mất công làm ra, hay có thể là xài tiền của người khác hay có thể là “sẵn sàng đánh đổi bản thân để có tiền xài”… và có vẻ như những giá trị này đang không thật sự có ý hướng tích cực mà nó có ý nghĩa gì đó theo hướng “lừa một người đàn ông”.
Thật sự thì giá trị được xem là điều cốt lõi giúp cho mỗi cá nhân định hướng cho cuộc sống, thông thường các giá trị của từng cá nhân sẽ tác động đến những mối quan hệ xã hội của họ.
Nếu như ngày xưa (trên thế giới có lẽ vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX trở về trước) giá trị của phụ nữ được định hình bởi người đàn ông theo hướng phải là nội trợ, là thứ yếu, là phục tùng, là chăm lo con cái… thì ngày nay giá trị của phụ nữ đã xoay chuyển theo hướng gia tăng hơn quyền và sự tham gia của phụ nữ vào việc thực hiện các chức năng xã hội.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tại Việt Nam, có vẻ phụ nữ vẫn còn là một vấn đề đáng bàn, kiểu như có gì đó còn lấn cấn lắm, trước hết là việc thể hiện hay công nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội. Tôi nhìn thấy khắp nơi hô hào sự bình đẳng cho phụ nữ nhưng chính phụ nữ thì vẫn cứ muốn ở thế phụ thuộc đàn ông, và đàn ông thì lúng túng không biết phải làm sao đối với phụ nữ.
Tôi thấy nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống mà ở đó người phụ nữ tự chọn cho mình sự lệ thuộc vào người đàn ông, tự mình chịu thiệt thòi vì anh ấy thế này thế kia, vì anh ấy dù sao vẫn lo cho mình…
Người đàn ông trong nhiều tình huống như vậy bị rơi vào thế mệt mỏi vì sự than phiền hoặc không bao giờ hài lòng của phụ nữ đối với họ. Rồi sự mệt mỏi và chán nản đó là một nguy cơ cực kỳ lớn để người đàn ông quen biết với người phụ nữ khác, và cách hành xử của phụ nữ lại là đi… “xử nhau”, thay vì nói chuyện rõ ràng với người đàn ông.
Nhiều người phụ nữ than phiền về người đàn ông của họ theo hướng người đàn ông đó không đáp ứng những nhu cầu, những mong đợi của họ. Có vẻ như người phụ nữ đang nhận diện rằng đàn ông tốt thì phải chăm lo phục vụ cho phụ nữ.
Trong khi đó theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì người khỏe mạnh là người có được sự thoải mái, hài lòng, khỏe mạnh về cả phương diện thể lý, tâm lý, và xã hội và không phải là không có bệnh. Dường như có nhiều người Việt Nam không khỏe mạnh, cả ở giới nữ lẫn đàn ông. Mà đó lại là hệ lụy của việc xác định và thể hiện vai trò giới của người phụ nữ.
Tôi thích thú với bài viết nói về chuyện giá trị của phụ nữ phải xuất phát từ việc nhận thấy giá trị của một con người, nếu nói như thế thì thật ra không có cái gì gọi là giá trị của phụ nữ hay của đàn ông mà nó là giá trị của con người (human value).
Giá trị của con người mang tính phổ quát và quan trọng trong mối tương tác giữa các cá nhân với nhau, bao gồm: tình yêu thương, lòng nhân từ, sự công bằng, sự trung thực, tính hòa bình, sự tôn trọng, tính cởi mở, sự trung thành, và sự bình đẳng. Những giá trị này mang tính chất nền tảng như những gợi ý, những nguyên tắc định hướng cho các hành vi và hành xử đạo đức của con người.
Chúng ta có thể hình dung rằng những cá nhân, bất chấp sự khác biệt nam nữ hay các yếu tố khác khi tuân giữ và có những giá trị này làm nền tảng thì chúng ta có thể tạo thành một xã hội thật sự khỏe mạnh. Hầu hết nếu không muốn nói là tất cả những trục trặc, những cãi vã giữa phụ nữ và đàn ông thường chỉ là việc một trong hai hoặc cả hai vi phạm những giá trị này chứ không còn là gì khác.
Từ cách nhìn này, tôi thấy chúng ta hãy thôi đánh giá người phụ nữ đi kèm với bất kỳ yếu tố nào, mà cũng tương tự như chúng ta đánh giá về đàn ông, hãy đánh giá về phụ nữ từ chính bản thân người nữ, từ những giá trị trong nội tại của họ. Chính việc tuân theo những giá trị của bản thân sẽ khiến phụ nữ trở nên mạnh mẽ hơn và đạt được những nhu cầu thật sự của bản thân họ.
Hãy dừng việc đánh giá phụ nữ qua việc họ có chồng hay không có chồng, họ có chồng giàu hay chồng nghèo, họ có chồng đàng hoàng hay không đàng hoàng… Thay vào đó, hãy đánh giá phụ nữ dựa vào những việc tuân giữ các tiêu chuẩn đạo đức về hành vi và luật pháp của chính họ.
Hẳn nhiên chúng ta cần loại trừ vai trò hiển nhiên chỉ dành cho nam giới hoặc nữ giới. Những vai trò chỉ riêng cho từng giới dường như chỉ ở chỗ sinh đẻ của người nữ mà thôi.
Chẳng hạn, chỉ phụ nữ mới có khả năng sinh con còn đàn ông thì không thể, do đó, phụ nữ có những lựa chọn, có kế hoạch sinh con, trong tình huống đó phụ nữ cần trao đổi với người đàn ông của mình hoặc tự thân mình chuẩn bị cho việc sinh con. Nó không phải là sinh con cho ông chồng hay cho nhà chồng, hay cho bố mẹ mình mà là sinh con cho chính mình.
Phụ nữ hãy thôi việc chăm chăm… “thả thính” để có một người đàn ông mà hãy dành thời gian đó tạo ra những cơ hội cho chính mình, tập trung cho chuyện học hành và cho nghề nghiệp của bản thân, đừng để bị tác động bởi người khác về chuyện “lấy đại một ông chồng và sinh con” mà hãy tỉnh táo để quyết định khi nào kết hôn và kết hôn với ai hoặc có cần phải kết hôn hay không.
Quan điểm của tôi là cốt lõi của xã hội là từng cá nhân chứ không phải là từng gia đình. Thật vậy, từng cá nhân khỏe mạnh sẽ tạo ra các mối quan hệ khỏe mạnh, tạo ra các gia đình khỏe mạnh và từ đó có thể nuôi dưỡng con cái một cách khỏe mạnh.
Khi người phụ nữ nhìn bản thân họ như đối tượng của yêu thương thì cần nhớ rằng đàn ông cũng cần được yêu thương, khi phụ nữ thấy họ là người cần được bảo vệ nuông chiều thì đàn ông cũng cần điều đó.
Và tương tự như vậy, chúng ta phải tin rằng những nhu cầu của hai giới là đều tương tự nhau chứ không phải chỉ có một giới là có nhu cầu đó mà thôi. Hẳn nhiên có thể còn nhiều trở ngại lắm, đại loại phụ nữ trong thời gian mang thai và sinh con thì bị giới hạn khả năng tự lo kinh tế cho bản thân, có thể vì vậy mà họ lệ thuộc vào người đàn ông.
Tôi cho rằng do vậy những chính sách hoặc những người có trách nhiệm trong xã hội cần suy nghĩ hướng để giải quyết vấn đề này, làm sao để phụ nữ khi muốn sinh con thì thời gian đó họ được hỗ trợ về tài chính hoặc có những ràng buộc nào đó với đối tác của phụ nữ.
Nhưng sự khó khăn có thể lại xuất hiện theo kiểu, nếu vậy thì có vẻ đàn ông và phụ nữ sẽ mất hết sự lãng mạn với nhau và đời này sẽ hết vui mất. Rất khó để lý giải được nhưng tôi tin rằng đàn ông và phụ nữ có những thời khắc vui vẻ và lãng mạn bên nhau, nhưng rồi sau đó là sự tôn trọng và bình đẳng với nhau, giúp nhau để đạt được những thành tựu theo mong muốn của mỗi người mới là thật sự mạnh khỏe và thật sự hạnh phúc.
Ngô Minh Uy