Hay thôi, đừng mua chung cư nữa...

24/03/2018 - 08:43

PNO - Nhà ở đâu, khi mà ngay cả lúc say ngủ trong chính căn nhà mình, người ta cũng chưa được biết cái khoái cảm của một kẻ an cư?

Từ sáng sớm ngày 23/3, ngay sau đêm xảy ra vụ cháy chung cư Carina Plaza, mạng xã hội đã ngập tràn chia sẻ về những “cư dân mạng" có trách nhiệm đã thực hiện những bài viết công phu, phổ cập cách đề phòng hoả hoạn, và ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy nổ ở chung cư.

Như một cái nhìn tỉnh táo vượt ra những thương cảm đang lan tràn về thương vong của vụ nổ - người ta bắt đầu nói về câu chuyện đề phòng. Làm sao để tai hoạ đó không xảy ra lần nữa? Làm sao để biết ứng phó khi trót lâm vào tình cảnh đó? Rồi xa hơn, người ta phổ biến những điều kiện an toàn tiên quyết để chọn mua một căn hộ. Thậm chí, nhiều người khuyên nhau “mua nhà phố chật chội còn hơn cược tính mạng ở những khu chung cư".

Hay thoi, dung mua chung cu nua...
Người dân tháo chạy khỏi chung cư Carina đang cháy. Ảnh: Minh Thanh

Người Sài Gòn chắc sẽ dè dặt hơn trước một quyết định mua nhà. Những tiêu chí về phòng cháy chữa cháy sẽ được khắc ghi hơn bao giờ hết, và sẽ chi phối nhiều hơn những lựa chọn sinh hoạt hàng ngày, hàng giờ của người dân.

Nhưng, tôi không dám chắc rằng, khi tất cả những động thái đề phòng này đều đạt chuẩn một cách tuyệt đối, thì thảm hoạ như Carina đêm qua sẽ không lặp lại.

Thiếu đề phòng là một trong những đoạn đường mà thảm hoạ đi qua để trở thành một thảm hoạ thực sự. Nhưng, nó không phải là điểm xuất phát. Và đề phòng chỉ là một “động thái phối hợp", khi mà ở những giai đoạn trước đó, người ta đã hoàn thành tốt mọi khâu, đúng như trách nhiệm của mình, thì thêm một phần đề phòng của người dân, mọi thứ sẽ an toàn, trơn tru.

Còn đây, thảm hoạ như đến từ một điều gì trước đó, chứ không phải vì sự thiếu đề phòng. Khi thông tin về vụ cháy ở chung cư Carina Plaza làm tôi bật ra câu nói: “Mình có thể chết ngay cả khi đang ngủ, ngay trong tổ ấm của mình". Chồng tôi đáp: “Khi người Việt chưa phổ cập về tính trách nhiệm, thì mình còn có thể chết bất cứ khi nào, bất kể ở đâu”.

Ngay trước tết Nguyên đán, một phần thôn Quan Độ (Bắc Ninh) bị san phẳng, nhiều ngôi nhà nát vụn vì nổ kho phế liệu. Hai em bé tử vong khi đang ở ngay nơi an toàn nhất với em.

Mới đây, sự kiện bác sĩ Hoàng Công Lương ra hầu toà nhắc người ta nhớ lại ca chạy thận thảm hoạ hồi năm ngoái ở Thái Bình khiến 8 người chết, 10 người nguy kịch do sơ suất trong quá trình bảo trì, làm tồn dư a xít trong máy lọc nguồn nước dùng chạy thận.

Hàng loạt vụ em bé rơi xuống cống nước, hố ga không đậy nắp rồi bị dòng nước cuốn trôi, mất tích.

Những em sinh viên tử vong ngay trong trường học của mình, vì “bê tông rớt trúng đầu", vì “sự cố thang máy"...

Chúng ta có thể gặp hoạ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu. Nhưng, những người chịu thương vong nặng nhất, không hẳn là những người đã thiếu đề phòng.

Cánh cửa ngăn cháy ở lối thoát hiểm chung cư Carina bị vô hiệu hoá do “được kê đá" cho mở ra, biến cầu thang thoát hiểm thành một chiếc lò đẩy khói. Ở mọi chung cư sau này, mọi cánh cửa ở lối ra cầu thang thoát hiểm đều rất nặng, việc mở đóng rất khó khăn. Người ta không khó để hiểu rằng cánh-cửa-bị-làm-cho-nặng-đi đó là có mục đích. Nhưng quả tình, việc mở được cánh cửa ấy sẽ cho người ta những cái lợi cụ thể và dễ thấy hơn. 

Hay thoi, dung mua chung cu nua...
Người phụ nữ thất thần, hoảng loạn báo tin cháy cho người thân. Ảnh: Minh Thanh

Ví như ở chung cư tôi từng ở, mỗi lần đội bảo trì toà nhà có việc phải mở cánh cửa ấy, thì gió từ bên ngoài lùa khắp hành lang mát rượi. Từ đó, bác hàng xóm đáng kính cùng tầng lầu của tôi thỉnh thoảng lại phải chạy ra kiểm tra, rồi vừa đóng cánh cửa lại, vừa lẩm bẩm trách mắng ai đó đã vô ý “mở cửa ra cho mát”.

Và nếu việc điều tra về cánh cửa thoát hiểm ở chung cư Carina được kết luận là do ai đó vô ý mở, chứ không phải cố tình gây hoạ - thì người ta cũng không quá bất ngờ. Quá trình điều tra đã dần mở ra những điểm “thiếu trách nhiệm" của từng bên có liên quan. Và ở riêng từng mấu chốt đó, người ta đó lại thấy sự vô trách nhiệm ấy cũng bình thường thôi. Như ai đó “quên" đóng cửa thoát hiểm. Như một đơn vị PCCC địa phương kiểm tra thường xuyên vẫn không nắm hết điều kiện PCCC ở chung cư trên địa bàn mình. Từng phần trách nhiệm ấy, đã chẳng được làm tròn, theo một cách “cũng bình thường thôi".

Mà trách nhiệm là gì? Hình như dần dà, khi người ta “trốn tránh", và “đùn đẩy" quá nhiều, chữ trách nhiệm cũng dần trở nên trừu tượng, mất nghĩa. Trong khi đó, “trách nhiệm” vốn là một khái niệm giản đơn thôi. Giản đơn và rành mạch, đến nỗi, nó có thể là một trong những bài học vỡ lòng cho trẻ con xứ người. Rằng, người nào, vật gì có chức năng gì, thì phải thực hiện chức năng đó. Trách nhiệm của con người là thực hiện những chức năng của mình, và tuân thủ để những đồ vật được thực hiện chức năng của nó.

Giống như, cánh cửa vào lối thoát hiểm phải ngăn được khói lửa trong hoả hoạn, thì người ta không thể mở nó ra để “hóng mát", để “tiện đường đi", hay vì bất kỳ mục đích nào khác.

Giống như, người ta không thể tắt phụt hệ thống báo cháy đi chỉ vì nó “báo động giả quá nhiều" - trong khi nó cần sẵn sàng ở đó 24/24 cho trường hợp hoả hoạn thật.

Giống như, một đơn vị PCCC địa phương thì cần kiểm tra định kỳ công tác PCCC của từng đơn vị.

Giống như, riêng trong lĩnh vực PCCC, một chủ đầu tư, một ban quản lý phải đảm bảo điều kiện an toàn cho toàn bộ cư dân.

Giống như, một bảo vệ ca đêm thì cần phải thức trọn kíp trực để xử lý tình huống thuộc chức năng của mình.

Mọi phần việc đó, cần được hiểu theo đúng nghĩa đen, và thực hiện nó theo “nghĩa đen" ấy.

Hay thoi, dung mua chung cu nua...
Cư dân trong một chung cư có thể kiểm soát những điều kiện an toàn từ ban quản lý, từ chủ đầu tư; nhưng họ vẫn không thể lường hết...

Và khi người ta không làm nó, những điều rành mạch và giản đơn ấy, thì là VÔ TRÁCH NHIỆM.

Bi kịch là, mọi sự an toàn đều được chi phối bởi hàng ngàn trách nhiệm có liên quan. Ngay cả khi bạn tham gia giao thông, an toàn của bạn phụ thuộc vào chính bạn, vào phương tiện (cần phải kể trong “phương tiện" hàng ngàn con người có tham gia làm nên an toàn cho nó), vào người đi đường, vào đơn vị thi công đường sá… Mà chỉ cần một trong một ngàn bên liên quan đó không làm đúng trách nhiệm, bạn đã có thể gặp tai hoạ.

Bởi, cư dân trong một chung cư có thể kiểm soát những điều kiện an toàn từ ban quản lý, từ chủ đầu tư; nhưng họ không thể lường hết để đề phòng một anh bảo vệ ngủ quên, hay một chị hàng xóm vui tính “mở cửa thoát hiểm cho mát". Một phụ huynh nông thôn có thể làm mọi cách để giữ điện đóm, củi lửa nhà mình an toàn; nhưng không thể kiểm soát được hết những nguy cơ từ… kho phế liệu nhà hàng xóm. Những em sinh viên không bao giờ đủ “thần thông" để đề phòng được chính trần nhà trong trường đại học, để tránh được nguy cơ nó biến thành một khối bê tông giết người.

Hay ngay cả bác sĩ Lương, và hàng ngàn bác sĩ cùng bệnh nhân trên khắp nước Việt này - sau ca chạy thận oan nghiệt đó, có thể sẽ cẩn thận hơn với cả nguồn nước từ máy lọc đạt tiêu chuẩn y tế - nhưng vẫn không thể lường hết nguy cơ từ một cô y tá lấy nhầm thuốc, hay một chị hộ lý sơ suất trong quá trình kiểm tra thông tin bệnh nhân…

Sự đề phòng luôn luôn là cần thiết. Nhưng, sự đề phòng sẽ mãi mãi vô vọng nếu người ta vẫn xuê xoa cho sự thiếu trách nhiệm, hoặc vô trách nhiệm trong xã hội này.

Đã từ lâu rồi, tôi không còn dám thảnh thơi đi bộ dưới những vỉa hè đang có công trình thi công cạnh đó. Không ít người từng bị tai nạn do sạn, đá từ tầng cao của công trình rơi trúng đầu khi đang… đi đường. Dù rằng, nếu chỉ có một phần ngàn khả năng làm rơi đá xuống đường đi, công trình đó đã không được cấp phép để được có mặt ở đó. Dù rằng, việc được cấp phép lẽ ra đã đủ bảo chứng cho sự an toàn của một công trình (ít nhất là với không gian bên ngoài nó).

Nhưng, cuối cùng thì không gì là bảo chứng cả! Mọi người điều hiểu, tai hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì trong hàng ngàn thứ,  hàng trăm con người chi phối sự an toàn đó - mỗi thứ đều có một khoảng trống trách nhiệm. Mỗi người một chút “khoảng trống", thì một sự việc có hàng ngàn khoảng trống, tạo nên một sai số khổng lồ. Trống hoác.

Mà đôi khi, cái khoảng trống nọ đã khổng lồ ngay từ khi còn chưa được thực hiện phép cộng dồn, bởi nó “trống" ngay từ những đơn vị chức năng, những người đầu tàu.

Vậy nên, sau vụ Carina, sau hàng chục thảm hoạ rải rác trên dòng thời gian của xã hội này, thay vì giáo dục về sự đề phòng, chúng ta hãy nhấn mạnh nhiều hơn sự giáo dục trách nhiệm. Làm sao để người ta hiểu rằng, từ việc vứt rác đúng chỗ, đi đúng làn đường, cho đến việc thực hiện những nguyên tắc chi tiết hơn ở gia đình, trong khu dân cư, và nơi làm việc - đều là một trách nhiệm. Chỉ khi hình dung hết về tác động của từng hành động mình đã - đang và sẽ làm, người ta mới thấy, sự xuê xoa, thiếu trách nhiệm đã có thể đẩy xã hội này vào cảnh khốn cùng nào.

Tôi nhớ, lúc tôi mới ra trường đi làm, gia đình đã giục tôi mua nhà “để đỡ khổ với những ‘áp bức' của chủ nhà". (Những chủ nhà thường không làm đúng những gì họ cam kết khi cho thuê). Mà gia đình nhấn mạnh: “Nhất định phải mua nhà đất" vì “Sợ bị lừa nếu mua chung cư". Đến khi những bất ổn về trật tự xã hội liên tục xảy ra, nhà riêng bị đột nhập, trộm cắp; mẹ tôi lại giục tôi mua chung cư cho an toàn. Đó là một sự thoả hiệp của người phụ nữ trung niên quen có một miếng đất để dành, bởi “Bây giờ thuộc thế hệ chung cư rồi". Đến hôm nay, khi hoả hoạn chung cư làm nên thương vong “còn hơn một cơn bão lớn ở miền Trung", cả gia đình tôi lại xáo xác “Hay thôi, đừng mua chung cư nữa"...

Sự vô trách nhiệm khiến người ta “không còn tin được ai, không tin vào điều gì nữa". Nó dồn đuổi con người đến lạc lòng, đa nghi, vô cảm. Nó thậm chí còn dồn người ta đến cảnh ngộ lạc loài, vô gia cư. Biết lấy đâu làm nhà nữa, khi ở đâu cũng thấy bất an, nguy hiểm? Nhà ở đâu, khi mà ngay cả lúc say ngủ trong chính căn nhà mình, người ta cũng chưa được biết cái khoái cảm của một kẻ an cư?

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI