Hãy thể hiện vai trò lèo lái con thuyền gia đình

30/03/2024 - 20:08

PNO - Em hãy thể hiện sự mạnh mẽ của người lèo lái con thuyền gia đình. Đừng để những lời cằn nhằn, trách móc của vợ chèn ép tinh thần của mình.

Xin chào chị Hạnh Dung,

Em và vợ em cưới nhau cũng được hơn 20 năm. Cưới xong bố mẹ cho chúng em ở riêng, nên rất thoải mái. Tụi em có với nhau 3 đứa con, 2 trai, 1 gái.

Em làm công việc ở thôn xóm nên đôi khi đi sớm về khuya. Đi làm về là lao vào công việc chăn nuôi, đồng ruộng. Còn vợ buôn bán nhỏ, nhưng khi nhà có công việc, thì cũng chỉ có mình em lo.

Cuộc sống cứ vậy trôi đi, tụi em cuốn vào cơm áo gạo tiền, rồi vay mượn để chăn nuôi, mua đất làm nhà. Vợ em là người giữ kinh tế. Và em thì hoàn toàn không rượu chè, cờ bạc gì.

Nhưng không hiểu sao vợ em luôn so sánh em với chồng người khác, rồi nói sống với bố con anh khổ cả đời, cho rằng em vô dụng, làm không đủ ăn. Thậm chí khi cãi nhau, vợ em còn cắt cả ảnh cưới, và nói sai lầm lớn nhất của đời cô ấy là lấy em chị ạ. Em rất buồn.

Trong khi đó, em từng nói với vợ là muốn đi làm ăn xa, nhưng cô ấy không đồng ý. Mỗi lần em có việc cần đi đâu, là vợ lại nói này nói kia, nên em cũng không đi nữa.

Em cũng khá mặc cảm có lỗi, vì đã không lo được cuộc sống đầy đủ cho vợ con. Vì vậy em muốn nghỉ việc xã hội và đi làm ăn xa, em xin chị lời khuyên ạ.

Bình Minh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Bình Minh thân mến,

Câu chuyện của em, nỗi buồn của em cũng là điều khá quen thuộc với Hạnh Dung trong công việc tư vấn: Người vợ "đứng này trông núi nọ", không hài lòng với ông chồng "bình thường" của mình. Họ nhìn ngó những người chồng tháo vát, lanh lẹ, giỏi giang. Họ ganh tỵ với những người vợ có chồng làm ra nhiều tiền, có địa vị xã hội...

Thế nhưng, trong lúc nhìn ngang ngó dọc, so đo ganh tỵ, họ không hiểu rằng sự bình an, êm ấm của một gia đình "chồng cày, vợ cấy" bên nhau mới là hạnh phúc. Họ không nhận ra rằng nhiều người vợ chỉ ước mong có chồng hiền lành, thương yêu vợ con, không đi sớm về khuya, không nhậu nhẹt, cờ bạc, trai gái...

Đôi khi, họ không hiểu rằng, cái gì cũng có giá của nó. Có những người vợ cũng từng viết thư than thở với Hạnh Dung, rằng khi chồng không làm ra tiền, thì hạnh phúc gia đình đơn giản hơn, nhưng đầm ấm hơn. Từ ngày có tiền, có quyền, chồng càng rời xa gia đình, gần với những cám dỗ bên ngoài, vì tiền luôn có một sức hút xấu với những người xấu....

Ví như bây giờ, vợ em ước mong em làm ra nhiều tiền, nhưng rõ ràng là với em, để làm ra nhiều tiền, thì em phải thay đổi cuộc sống bình thường này, phải đi làm ăn xa. Vợ chồng, con cái sẽ không được gần nhau. Nhưng có lẽ chính cô ấy cũng không muốn điều đó. Vì khi em đề nghị đi xa, thì cô ấy lại không ủng hộ em.

Vậy thì, điều cô ấy muốn hiện giờ, là cuộc sống vẫn y như thế này, em vẫn quẩn quanh ở nhà, nhưng phải có được công việc tốt hơn, làm ra nhiều tiền hơn... Nhưng điều đó với em lại là không thể.

Em hãy thử phân tích với vợ những lý lẽ như Hạnh Dung đã viết trên, và đặt cô ấy vào sự lựa chọn rõ ràng.

20 năm lấy nhau, có nghĩa là giờ đây các em cũng đã trên 40 tuổi. Ở tuổi này, cô ấy có đành lòng nhìn chồng khăn gói đi xa, mưu sinh bằng cả mồ hôi và nước mắt, để "nâng cấp" hình tượng một người chồng giỏi giang cho cô ấy hay không?

Nếu cô ấy chần chừ, thì em hãy đề nghị cô ấy cùng nhau nâng chất lượng cuộc sống ngay trong nhà mình: ngừng than vãn, trách móc, tiếc nuối đời sống ngoài tầm tay. Vợ chồng con cái, đủ ăn, đủ mặc, yêu thương nhau, chính là một hạnh phúc nhiều người mong muốn mà không có được.

Bên cạnh đó, cả hai hãy cùng xem xét lại những kế hoạch làm ăn của vợ chồng, xem mình có thể làm thêm, hay có cách gì đó để tăng thêm thu nhập hay không?

Điều cần nhất lúc này, là em hãy thể hiện sự mạnh mẽ, cứng rắn của người lèo lái con thuyền gia đình. Bỏ đi mặc cảm tự ti, đừng để những lời cằn nhằn, trách móc của vợ thao túng, chèn ép tinh thần của mình, em nhé!

Khi em vững vàng và tự tin vào bản thân, vai trò của mình với gia đình, người vợ sẽ dần hiểu ra được những giá trị thật của cuộc sống mà mình đang có.

Từ nền tảng của sự hiểu biết đó, vợ chồng em mới có thể cùng nhau xây dựng một gia đình như cả hai mong muốn, chứ không phải là em hay cô ấy mong muốn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI