Hãy tháo giày cao gót!

29/10/2018 - 15:30

PNO - Phụ nữ ngày nay, dù đang sống ở thế kỷ XXI, vẫn đang tự trói mình trong những quy tắc, chuẩn mực, trách nhiệm đã được áp đặt từ thuở... hồng hoang thay vì chọn sống như mình muốn.

Trong vụ tai nạn kinh hoàng vào tối 21/10 tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM), quai giày cao gót bị xem như thủ phạm gây ra cớ sự. Xin tạm không bàn đến tính chân thực của câu chuyện, bởi điều đó còn phải đợi kết luận của cơ quan điều tra. Câu hỏi là: vì sao lại là giày cao gót?

Đã từ rất lâu, sự duyên dáng của phái đẹp được gắn chặt với đôi giày cao gót đến mức trở thành “chuẩn mực”. Đi dự tiệc, phụ nữ phải mặc váy dạ hội, mang giày cao gót. Đồng phục của nhiều doanh nghiệp quy định nữ nhân viên phải mặc váy, mang giày cao gót. Thậm chí, ở các lễ trao giải nghệ thuật, giày cao gót trở thành món bắt buộc của các nữ nghệ sĩ mà nếu không có chúng, họ sẽ bị xem là kém duyên, kém sang...

Kết quả là trong tủ giày của phụ nữ, dù còn trẻ hay không, đều có ít nhất một đôi giày cao gót và những cô không thể mang giày cao gót sẽ cảm thấy mình như chưa hoàn thiện, vẫn còn thua kém người khác, mất hẳn sự tự tin.

Nhưng, ai đã bắt phụ nữ phải mang giày cao gót trong những dịp quan trọng hay khi cần tỏ ra duyên dáng? Điều luật nào quy định như thế? Không ai cả. Đương nhiên, sự duyên dáng của phụ nữ cũng không thuần túy nằm trong động tác đánh hông trên đôi giày cao. Để phá bỏ thứ luật bất thành văn vô lý ấy, nữ diễn viên Kristen Stewart - giám khảo Liên hoan phim Cannes 2018 - đã cởi giày cao gót và đi chân trần trên thảm đỏ. Canada, Philippines cũng đã ra luật cấm bắt buộc nữ nhân viên phải mang giày cao gót. Tại sao chúng ta vẫn giữ định kiến, trói phụ nữ vào những đôi giày?

Mà đâu chỉ giày. Phụ nữ ngày nay, dù đang sống ở thế kỷ XXI, vẫn đang tự trói mình trong những quy tắc, chuẩn mực, trách nhiệm đã được áp đặt từ thuở... hồng hoang thay vì chọn sống như mình muốn. Phụ nữ hôm nay không đến mức phải tuân thủ đạo “tam tòng”, nhưng nếu có một người phụ nữ nào đó, vì cãi chồng mà bị đánh, chúng ta rất có thể sẽ nghe nhận xét “đáng đời”, “đáng lắm” từ ai đó. 

Hay thao giay cao got!
Ảnh minh họa.

Trẻ em, không riêng gì trẻ em gái, vẫn được nhồi nhét tư tưởng phải tuyệt đối vâng lời phụ huynh. Một cô vợ mãi không chịu sinh con sẽ bị xem là ích kỷ hoặc bị coi là “không biết đẻ” chứ không ai buồn quan tâm đến quyền không sinh con của phụ nữ. Sau một ngày làm việc, biết bao phụ nữ phải cắm cúi chạy đến trường đón con, rồi vội vã về nhà để lo cơm nước cho chồng con dù không có quy định nào buộc họ phải làm như thế. 

Đúng! Phụ nữ có quyền làm như thế, nếu họ muốn và cảm thấy việc phục vụ chồng con là hạnh phúc. Nhưng xin nhớ cho, đó là một chọn lựa chứ không phải một nghĩa vụ. Ông bà ta đã dạy rất rõ: “Muốn ăn phải lăn vô bếp” chứ không phải muốn ăn thì... kêu vợ nấu.

Phụ nữ luôn phải trang điểm cẩn thận khi ra đường, nếu không sẽ bị đánh giá. Phụ nữ phải chăm sóc nhà cửa, phải nuôi dạy con cái, phải chu toàn hai bên nội - ngoại... Tất cả những điều “phải” đó cũng như đôi giày cao gót đang trói buộc phụ nữ trong cả tư duy lẫn hành động.

Hãy bỏ giày cao gót, bởi không ai bắt buộc bạn phải mang (trừ khi bạn thích mang). Tương tự, hãy cởi trói mình khỏi những ràng buộc, trách nhiệm vô lý để sống cho bản thân, cho tương lai, hạnh phúc của mình.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI