PNO - Để làm chủ các ứng dụng, công nghệ trong “giấc mơ” đô thị thông minh - sáng tạo, không chỉ cần chỉ số IQ mà còn là lõi EQ - chỉ số của cảm xúc, đủ để nhận diện được đúng - sai, sáng - tối...
Ngày 5/4, UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM khai trương ứng dụng “Phú Nhuận trực tuyến” - một ứng dụng trên thiết bị di động để người dân phản ánh các vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn. Trước đó, ngày 12/3, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện đẩy mạnh áp dụng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính; “Bình Thạnh trực tuyến” là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ phục vụ cho công cụ phát hiện và giám sát của người dân với chính quyền, của lãnh đạo quận với các cấp cơ sở, nhất là trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức.
Cũng UBND thành phố, trong văn bản chỉ đạo xử lý đối với hiện tượng xây dựng nhà ở không phép tại huyện Bình Chánh đã yêu cầu các quận, huyện nghiên cứu ứng dụng công nghệ và hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào giám sát, quản lý trật tự xây dựng của quận 12 và ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”.
Rõ ràng, công nghệ đang từng bước được ứng dụng vào hệ thống công cụ điều hành của bộ máy chính quyền. Nó không đơn thuần là sự vận hành của công cụ máy móc, kỹ thuật, mà còn là thước đo tư duy, phương pháp, thái độ của người điều hành công cụ ấy, không ai khác chính là con người, tức cán bộ công chức. Một đô thị thông minh - sáng tạo, hẳn nhiên không thể thiếu những con người sáng tạo - thông minh trong một hệ thống quản lý, điều hành, giám sát phải thật sự minh bạch, sáng sủa…
Ngày 10/4/2017, tức cách nay tròn hai năm, quận Bình Thạnh khai trương ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến”. Sau 4 tháng triển khai, ứng dụng này đã giúp quận xử lý gần 4.000 tin phản ánh của người dân đối với các thông tin về trật tự lòng lề đường, công trình xây dựng trái phép. Từ thành công này, Sở Nội vụ TP.HCM đã đề nghị nghiên cứu triển khai ứng dụng “TP.Hồ Chí Minh trực tuyến” cho 23 quận, huyện còn lại.
Thế nhưng, ngày 3/10/2017, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 14, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã không giấu được sự lo lắng khi nhìn lại con số xây dựng nhà ở không phép trên địa bàn thành phố tăng 35,6%, có quận, huyện tỷ lệ ấy lên đến 50%. Ông thốt lên: “Nếu để thế này thì không ổn, một thành phố đáng sống mà xây dựng trái phép tràn lan, không thể kiểm soát”. Ông cũng khẳng định: “Tất cả đều phụ thuộc vào con người”.
Đến ngày 26/3 vừa qua, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác thi đua khen thưởng năm 2018, một lần nữa, người đứng đầu thành phố đã dành trọn 20 phút để nói về hiện trạng xây nhà không phép, trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh, chỉ trong vòng 3 năm (2016-2018) đã có khoảng 2.700 trường hợp.
Vậy ở đâu các ứng dụng công nghệ, từ mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” đến công cụ GIS của quận 12, trong gần 2 năm qua, với huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 9 và nhiều địa bàn khác nữa? Thậm chí, năm 2018, UBND quận 1 đã xử lý nhiều cán bộ “tham mưu” khi để xảy ra sai phạm trong việc cấp giấy phép xây dựng tăng hệ số sử dụng đất, tăng tầng cao, chiều cao...
Đến đây, tôi sực nhớ lời “gửi gắm” của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Bí thư quận Trần Kim Yến trong ngày bà nhận nhiệm vụ mới: làm lãnh đạo quận 1, phải ngước nhìn lên cao! Bởi trên “cao” ấy, là sự ưu ái vô tội vạ từ hệ số sử dụng đất đến cao độ công trình, thử hỏi, “công nghệ” nào đủ quét mã với lòng tham và thói vô trách nhiệm của một bộ phận công chức, quan chức?
Ngày 1/4/2019, Báo Phụ Nữ TP.HCM có đăng bài Một đoạn đường ngắn, 25 căn nhà nằm trên nắp cống, phản ánh một đoạn đường Trịnh Đình Trọng (từ số nhà 55 đến số nhà 113) đã có 25 trường hợp hệ thống thoát nước nằm trong khuôn viên nhà dân. Phản hồi bài báo này, UBND quận Tân Phú lý giải “các hầm ga, cống thoát nước bị lấn chiếm do lịch sử để lại nên không xác định được cụ thể thời điểm lấn chiếm”; Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM thì biện bạch: có hiện tượng hệ thống thoát nước nằm trong khuôn viên nhà dân nhưng không xác minh được thời điểm xây dựng hệ thống thoát nước và hồ sơ quản lý chất lượng.
Cũng trên tờ báo của chúng tôi, sau khi đăng bài viết Công trình tạm “nuốt” diện tích chung (số ra ngày 18/3/2019), UBND quận Phú Nhuận đã thừa nhận: “Khi cấp phép xây dựng, cán bộ kỹ thuật của Phòng Quản lý đô thị đi kiểm tra thực địa có sơ sót trong quá trình khảo sát nên đã đề xuất cấp phép xây dựng theo nhà đất hiện hữu, không cách ly trụ điện”. Giải pháp mà chính quyền đưa ra là... “yêu cầu chủ đầu tư vạt góc công trình”.
Có vẻ như, mọi sai phạm đều luôn có giải pháp xử lý; và tất nhiên là xử lý sau khi mọi việc đã ngổn ngang, bừa bãi, chất chồng. Công cụ đã có, từ công cụ “truyền thống” đến những ứng dụng hiện đại nhưng chính con người, duy nhất con người đã lèo lái công cụ để phát sinh và biến tướng thành những sai phạm dưới mọi khuôn mặt, dạng hình. Rõ ràng, công nghệ là một sản phẩm của thời đại thông minh, của những đầu óc thông minh. Nhưng vận hành công nghệ, làm chủ các ứng dụng để phục vụ con người trong “giấc mơ” đô thị thông minh - sáng tạo, không chỉ là chỉ số IQ mà còn là lõi EQ - cái chỉ số của cảm xúc, đủ để nhận diện được đúng - sai, sáng - tối mà thành thật trước những cỗ máy công nghệ.
Tiền thưởng tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM bình quân 12,7 triệu đồng/người, tăng nhẹ so với năm trước. Doanh nghiệp công nghệ đứng đầu với mức thưởng gần 2 tỉ đồng.