Hãy tha thứ cho cha!

05/11/2014 - 06:50

PNO - PN - Phòng bệnh nhi chật chội, nóng bức, chị càng tỏ ra bực bội, khó chịu hơn mỗi khi thấy cái dáng lóng ngóng của cha già. Không ít lần, chị lớn tiếng quát nạt cha trước cặp mắt ngạc nhiên của nhiều người.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước khi gửi cậu con trai nhỏ cho cha chăm sóc, chị nói giọng đay nghiến: “Ông lo mà để ý cháu đó. Nó mà làm sao, đừng có trách tôi”. Những ngày ở chung phòng bệnh với con chị, tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến thái độ coi thường, hỗn hào với cha của chị. Thằng bé con chị chỉ mới ba tuổi nhưng cũng sớm tiêm nhiễm thói hỗn láo của mẹ. Mỗi lần ông ngoại làm gì không vừa ý, cháu liền đạp mạnh hai chân xuống giường, vùng vằng hất đổ đồ trên bàn.

Hay tha thu cho cha!

Có lần, ông ngoại bưng tô cháo lại đút, thằng bé lắc đầu không ăn, còn xô mạnh tay làm tô cháo đổ úp xuống đất. Giận cháu, ông phát nhẹ một cái vào mông. Thấy mẹ đi vào, cu cậu khóc thét lên, mách mẹ rằng ngoại đánh con. Chị không cần hỏi lý do, lớn tiếng: “Ông lấy quyền gì mà đánh cháu? Ông chẳng là cái thá gì trong nhà này. Con tôi để tôi dạy…”. Ông già lặng thinh, gương mặt buồn rười rượi.

Những khi không có cô con gái của ông, tôi hỏi chuyện, ông cụ buồn bã tâm sự nguyên nhân con gái nặng nhẹ với mình. Ông bảo ngày xưa ông còn trẻ cũng đào hoa phong lưu, đi theo tiếng gọi của tình yêu mà bỏ bê vợ con. Khi ấy, vợ ông chỉ mới 30 tuổi. Suốt 15 năm đằng đẵng, ông ở với người vợ nhỏ, không đoái hoài gì vợ con. Ông làm ăn sa sút, không có tiền bạc, cô vợ nhỏ đi theo người khác, ông lủi thủi trở về nhà. Khi ấy, con gái lớn của ông mới vừa tốt nghiệp đại học. Vợ ông là người rộng lượng, bỏ qua những lỗi lầm cho chồng.

Những ngày đầu, ông ở trọ, lâu lâu bà thường đến thăm, mua gạo, thức ăn cho ông. Sau này thấy sức khỏe ông yếu dần, bà đón ông về nhà. Ngặt nỗi cô con gái lớn không chịu tha thứ cho cha. Lúc đầu, cô làm mình làm mẩy, một hai đuổi ông khỏi nhà. Nhưng thấy mẹ tha thiết quá, cuối cùng cô cũng chịu để cho cha ở lại trong nhà, nhưng hiếm khi mở miệng nói chuyện với cha. "Nó bảo nuôi tôi là vì trách nhiệm chứ không hề có tình thương" - ông chua chát khép lại câu chuyện buồn.

Chị lấy chồng người nước ngoài. Chồng chị bận rộn, ít khi ở nhà. Chị và con ở với cha mẹ. Mỗi ngày, vợ chồng ông dậy sớm, cơm nước, giặt giũ, chợ búa cho con gái và cháu ngoại. Nhưng dường như chị không cảm nhận được tình thương của cha mà xem đó như bổn phận ông phải bù đắp cho chị sau bao nhiêu năm lầm lỗi, bỏ bê gia đình. Chị cũng không cho ông được can thiệp vào việc dạy dỗ con trai của chị và luôn miệng bảo ông “không có quyền gì trong cái nhà này”. Nhiều lần nghe con gái nặng lời, ông chỉ biết khóc thầm. Ông bảo ngày xưa phụ bạc vợ con nên giờ bị quả báo.

Mỗi lần nhìn thấy ông cụ run rẩy sợ sệt, làm gì cũng phải dè chừng thăm dò ý cô con gái, tôi không khỏi chạnh lòng. Ai chẳng có lỗi lầm. Nếu người gây ra lỗi ấy lại là cha mẹ ruột của mình, phận con cái càng phải rộng lòng tha thứ, bao dung, nhất là khi cha mẹ ngày càng gần đất xa trời. Sao chị không để ông vui vẻ mà sống những ngày tháng ngắn ngủi cuối đời?

 N. T. Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI