PNO - Tại sao Tùng Dương lại nói về thói quen nghe, hát boléro vào đúng lúc này? Phải chăng Dương cần sự ồn ào trước thềm live concert của chính mình? Hóa ra, kền kền mượn xác người khác để bán xác chính mình ư?
Làm báo hơn chục năm, không ít lần tôi phải đọc những bình luận ác miệng về cái nghề của mình. Dẫu đó là những bình luận dành cho những đồng nghiệp tôi không hề quen biết, trong lòng vẫn không khỏi dấy lên chút tủi phận. “Kền kền” hay “lũ kền kền” là thứ biệt danh miệt thị mà những người làm báo phải nhận về nhiều nhất, bất chấp việc họ chắc gì đã mang những ác ý vào trong bài viết của mình.
Bằng cách “miệt thị” boléro và khán giả của nó, cá nhân Tùng Dương và dòng nhạc anh theo đuổi liệu có đẹp đẽ hơn?
Nhưng rồi, nhìn vào đời sống này, chợt cảm thấy đó cũng chỉ là chuyện bình thường thôi. Con người, với sự tò mò đến khủng khiếp, khả năng soi mói kèm theo khoái cảm của việc soi mói lên tới đỉnh điểm, đã và vẫn đang sống với nhau như những con kền kền mà bất kể ai, cái gì, dù với giá trị nào đi nữa, cũng thành cái xác hoặc một thân thể chờ chết để những con kền kền kia rỉa tới khi chúng bắt đầu đói.
Bốn năm trước, dư luận ồn ào, tranh cãi đến nảy lửa khi nhạc sĩ Quốc Trung đăng đàn nói về “nhạc sến”, hay thứ mà chúng ta vẫn đang đánh lẫn vào boléro. “Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc, đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng, chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”. Đó là những lời lẽ thuộc diện “đại ngôn” mà Quốc Trung nói về hiện trạng đa số thính giả vẫn còn mê nhạc sến.
Cái gì là đứt gãy xã hội, cái gì là xa cách thế hệ, cái gì là chộp giật biếng lười của nghệ sĩ? Có lẽ ngay bản thân Quốc Trung cũng không định nghĩa được cho đúng với chuẩn học thuật của ngành xã hội học để chứng minh quan điểm của mình. Nhưng rồi câu chuyện ấy cũng qua đi như hàng ngàn scandal đã, đang và sẽ xảy ra ở xứ này. Người ta dễ dàng lao vào tranh luận như thể muốn ăn tươi nuốt sống nhau nhưng cũng lại dễ quên như thể lửa đốt từ giấy - bùng lên đấy rồi tàn nhanh không ngờ.
Nhưng hôm nay, một nghệ sĩ tên tuổi khác lại đăng đàn lên tiếng về nhạc sến, boléro và dù lời lẽ của anh có nhẹ nhàng hơn, có vẻ trung dung hơn, nhưng vẫn khiến tranh luận nổ ra. Đó là Tùng Dương, với nhận định đại ý khi già trẻ, lớn bé đều đắm đuối với boléro thì đó là sự thụt lùi của nhạc Việt.
Giữa Quốc Trung và Tùng Dương, bốn năm qua, cũng có vài lần khác nhạc sến và boléro bị đưa lên bàn tế. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng thứ âm nhạc ấy như một cơ thể, nó không nằm chờ chết, nó không chết, nhưng nó là bữa ăn lý tưởng của những nghệ sĩ kền kền. Tại sao Tùng Dương lại nói về thói quen nghe, hát boléro vào đúng lúc này? Nếu đó là một bức xúc đeo mang đã lâu, anh có thể đã bung nó ra ở thời điểm khác, thậm chí vào đúng thời điểm đàn anh Quốc Trung đăng đàn. Phải chăng Dương cần sự ồn ào trước thềm live concert của chính mình? Hóa ra, kền kền mượn xác người khác để bán xác chính mình ư?
Nghe thì ác miệng nhưng không hẳn là không đúng. Boléro, từ bao lâu nay, đã là chỗ để những nghệ sĩ vin vào mà sống. Có người nhờ nó mà dựng nghiệp, kiếm nhà lầu xe hơi khi tiếp nối những người đi trước, hát những khúc ca xưa cũ. Có người nhờ nó, bằng cách rủa xả nó, cũng để lập danh, ngõ hầu kiếm lợi ở thứ âm nhạc mình lựa chọn - nơi vẫn có những ủng hộ viên nghe nhạc không chỉ vì yêu thích mà còn vì để chứng minh “nghe như thế mới là văn minh”.
Liveshow của Tùng Dương sẽ diễn ra vào 23, 24/9 tới
Bản chất của âm nhạc, cuối cùng cũng chỉ là nhu cầu được vang lên và thu hút thính giả của nó. Âm nhạc, khi vang lên, với thính giả riêng của mình, cũng cần một không gian phù hợp. Nhạc sến, với nhiều người Hà Nội, vẫn luôn là bạn rất thân khi họ quấn chặt chăn trong những ngày mưa dầm, gió bấc nhàn rỗi.
Nhạc sến, với nhiều người Sài Gòn, vẫn như “người thân” từ khi họ mới ra đời, trưởng thành, yêu nhau và già đi. Nó không làm cho người Hà Nội, người Sài Gòn, hay người ở bất kỳ đâu nhụt đi ý chí sống, bại hoại tâm hồn hay băng hoại đạo đức.
Hãy nhìn những người trẻ với cây đàn đi kiếm sống ở những quán ăn, sau buổi học ban ngày; ta thấy ở đó là nghị lực sống hay là sự suy đồi? Hãy nhìn hai ông già - một mù một cụt chân, dắt nhau đi bán vé số đêm đêm quanh quận 1, với cây đàn thùng tiếng đã rất phô cùng câu hát “Thành phố buồn, nhớ không em…”, bất chấp tuổi tác đang ngày càng muộn. Họ không xin tiền. Họ đang lao động - thực sự là lao động - trong một xã hội mà cái nhiệm vụ phải sống đang ngày càng nặng nề hơn.
Phát ngôn của Tùng Dương khiến nhiều ca sĩ theo đuổi bolero bức xúc, trong đó có Đàm Vĩnh Hưng
Hãy tha cho âm nhạc, những chú kền kền, và lao động đi! Sự thụt lùi đến từ biếng lười chứ không phải đến từ việc đắm chìm trong một dòng âm nhạc nào cả.
Cái gì là “văn minh” đây khi một sở thích (vốn mang tính cá nhân) bị một sở thích cũng mang tính cá nhân khác chà đạp? Xã hội không thể văn minh khi nó được cấu thành bởi những con người mang những tập quán chung, hành vi chung mông muội đến thế.