|
Các youtuber lăm lăm điện thoại quay tại đám giỗ của nghệ sĩ Vũ Linh vào tháng 5/2024 - Ảnh: Trung Sơn |
Ngang nhiên xộc vào đời tư người khác
Các nội dung trên mạng xã hội vốn “thượng vàng, hạ cám” và người dùng mạng cần phải chọn lọc thông tin để xem. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng “đề kháng” trước kiểu “sáng tạo nội dung” chỉ nhằm mục đích câu view (thu hút lượt xem) bằng mọi giá của một số kênh trên mạng xã hội YouTube, TikTok, Facebook… Không ít “nhà sáng tạo” chỉ chăm chăm làm video có nội dung bẩn để gợi sự tò mò, câu view bởi “càng bẩn, càng nhiều lượt xem”.
Gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều kênh khai thác vợ chồng khờ, cha mẹ khờ, mẹ vợ với con rể, cha chồng với con dâu, anh rể với em dâu… Khi đăng video, các chủ kênh giật tít với những từ ngữ như “chấn động”, “rất kỳ lạ”, “khủng khiếp”, “vỡ mộng”, “tới công chuyện” và nội dung video rất phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, mượn đời tư người khác làm trò mua vui thiên hạ.
Chuyên săn lùng và quay các cặp vợ chồng khờ ở miền Tây, chủ kênh YouTube V.T.H. nghe ở đâu có chồng khờ, vợ khờ là tìm đến, gí sát máy quay vào mặt, gặng hỏi chuyện thầm kín. Do trí tuệ không được bình thường, các nhân vật được quay cứ cười ngờ nghệch, thản nhiên nói mà không biết mình đang làm “mồi câu view” cho kẻ mang danh “nhà sáng tạo”.
|
Tràn lan video, clip có nội dung “bẩn” trên YouTube - Ảnh chụp màn hình |
Chủ kênh V.T.H. không “tác nghiệp” một mình mà thường đi cùng 2-3 chủ kênh khác nên các video khai thác đời tư của các cặp vợ chồng khờ xuất hiện nhan nhản trên các mạng xã hội. Một loạt chủ kênh chuyên review (đánh giá), xào nấu video lại tiếp tục nhân bản các video “bẩn” này, khiến chúng tràn lan.
Không thể đếm xuể các kênh YouTube “bẩn” ngang nhiên xộc vào đời tư của người khác. Điển hình trong số đó là T.T. Miền Tây, P.R. Vlog, L. 66 Vlog, H.V. Miền Tây, H. TV, Đăng L.T… Trong video được giật tít “Quá bất ngờ chồng U50 vợ U20 gặp hết hồn”, chủ kênh T.T. Miền Tây xông vào nhà của một cặp vợ chồng khi họ còn đang ôm nhau ngủ trưa. Chủ kênh cười hô hố, mừng như bắt được vàng vì quay được cảnh đắt giá rồi ngang nhiên gọi người chồng dậy, bắt gài nút áo và tra hỏi. Do không biết mình sẽ được giúp đỡ gì sau màn “tra khảo” hoặc đã quen bị quay bất đắc dĩ như thế này, người chồng vẫn trả lời đầy đủ hàng chục câu hỏi vô duyên.
Không ít chủ kênh nhẫn tâm, “đào” đời tư của các nạn nhân của nạn bạo hành, nạn nhân vụ hiếp dâm. Trong một video, cô bé từng bị hiếp dâm ngờ nghệch dẫn người quay ra ngoài bụi nơi mình bị hiếp dâm và phải tả lại cho youtuber cảnh mình bị hiếp dâm đau đớn ra sao.
Bất lực ngăn nội dung bẩn?
Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang xử lý cùng lúc 2 vụ việc liên quan đến ca sĩ Hương Tràm và diễn viên Midu.
Cụ thể, Hương Tràm tố cáo người tung tin đồn cô sang Mỹ sinh con cho đại gia, còn Midu kiến nghị xử lý chủ kênh TikTok có tên “Chưa biết_01” và chủ trang Facebook “This is Mặt Nạ” về việc đăng clip (đoạn video ngắn) có nội dung sai lệch, ảnh hưởng đến tên tuổi của cô.
Nhưng, như đã lờn thuốc, sau khi Midu gửi đơn tố cáo đến sở, chủ kênh TikTok “Chưa biết_01” vẫn tiếp tục đăng nhiều clip về các nghệ sĩ khác, thách thức cộng đồng mạng và cơ quan chức năng.
Mới đây, chủ kênh TikTok Long Chun đã lên tiếng tố kênh TikTok Vẹt Săn Tin cố tình quay nội dung tiêu cực, giật tít sai lệch để câu view. Trước thái độ gay gắt của Long Chun, chủ kênh Vẹt Săn Tin buộc phải xóa clip và xin lỗi cộng đồng mạng.
|
Cảnh youtuber chen lấn, xô đẩy để quay phim đám giỗ của nghệ sĩ Vũ Linh hồi tháng 5/2024 khiến nhiều người xem bức xúc - Ảnh: Trung Sơn |
Long Chun lên tiếng trên trang cá nhân, Hương Tràm và Midu nhờ cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ danh dự, tên tuổi. Nhưng còn nhiều cá nhân - như các cặp vợ chồng khờ ở miền Tây hay những người lao động bình thường - thì không biết kêu ai, kêu ở đâu, nên đành ngậm đắng nuốt cay. Ngay trong một số video, người phụ nữ có biệt danh Chim Sâu đã phản ứng “Tao cấm cho quay nữa” nhưng những chủ kênh này vẫn gí máy quay sát mặt để tiếp tục khai thác thông tin và câu view vì biết cô này khờ, vô hại.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, luật sư Nguyễn Hà An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, nếu tự ý đăng tải thông tin, hình ảnh người khác lên mạng xã hội mà bị người đó tố giác, người tự ý đăng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xem qua một số đoạn video, luật sư Nguyễn Hà An thấy nhân vật trong video đồng thuận với người quay và đăng tải nên chưa thể xem xét. Tuy nhiên, do những nội dung này phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục nên cơ quan quản lý cần rà soát, ngăn chặn.
Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu - giảng viên Trường đại học Văn Hiến (TPHCM) - cho rằng, lâu nay, có nhiều người quay video những hoàn cảnh khó khăn, đăng lên mạng để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng. Nếu làm thực tâm thì đây là hành động đáng hoan nghênh, nhưng nếu lợi dụng việc này để khai thác đời tư nhằm câu view, trục lợi thì rất đáng bị lên án. Bà nói: “Những video bát nháo, phản cảm sẽ tác động rất xấu đến nhận thức của trẻ em, khiến các em dễ sống lệch chuẩn, lệch lạc hành vi”.
Để ngăn tình trạng video, clip “rác” tràn lan trên mạng xã hội, bà Hoàng Liễu cho rằng, giáo dục từ gia đình, nhà trường là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao nhận thức của mỗi người, nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng. Khi tự ý thức được nội dung vô bổ, người dùng mạng sẽ lựa chọn không xem và báo cáo để các nền tảng như YouTube, TikTok rà soát lại nội dung.
Theo bà, cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông, văn hóa cần làm việc với các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu các đơn vị này phải sàng lọc kỹ hơn nội dung được đăng tải để ngăn “rác” tràn lên mạng.
Những clip về làng quê, gia đình vẫn hút khách Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách “30 Under 30 Asia” năm 2024, vinh danh những gương mặt trẻ châu Á đang tạo ra ảnh hưởng tích cực trong ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của họ. Ở hạng mục media, marketing & advertising (truyền thông, tiếp thị và quảng cáo), Việt Nam có 1 đại diện duy nhất là Đồng Văn Hùng - sinh năm 1996, chủ kênh YouTube “Ẩm thực mẹ làm”. Được biết, chủ kênh YouTube này thường sáng tạo nội dung xoay quanh cuộc sống thôn quê, tôn vinh tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Các clip này được đông đảo người xem đánh giá là giúp lan tỏa giá trị về gia đình, góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh nhận định, người xem đang dần ngán ngẩm với các kiểu sáng tạo nội dung giật gân, xoi mói đời tư và có xu hướng tìm xem những clip về đồng quê Việt Nam, bữa cơm gia đình, lan tỏa thông điệp sống tích cực. Theo ông, chính khán giả sẽ thanh lọc những kiểu sáng tạo nội dung giật gân, câu view, xâm phạm đời tư. Việc ngày càng nhiều bạn trẻ sáng tạo nội dung về chủ đề làng quê, gia đình, thông điệp sống tích cực là tín hiệu đáng mừng. Chính những người trẻ ấy sẽ góp phần giữ gìn, lan tỏa văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các sản phẩm văn hóa độc hại. Hoàng Lâm Mượn danh từ thiện để quay và đăng video “bẩn” Ngoài khai thác các vợ chồng khờ, trên YouTube và các mạng xã hội khác, đang tràn lan những nội dung “bẩn” như dựng chuyện người nổi tiếng qua đời, tung tin giới giải trí (showbiz) hãm hại nhau, kể chuyện loạn luân… Mỗi video, clip đều có đông lượt xem, tương tác. Do có nhiều view (đồng nghĩa thu được nhiều tiền), các chủ kênh càng có động lực để lao vào khai thác những nội dung “bẩn” bất chấp đạo lý, hậu quả. Từng có những hoàn cảnh khó khăn nhận được sự giúp đỡ sau khi các youtuber tìm tới. Do đó, không ít chủ kênh YouTube nhân danh kêu gọi tài trợ để bao biện cho hành vi quay video bất chấp của mình. “Ngày trước chị chấp nhận bỏ người yêu để quen anh là do anh ngon? Do thịt anh thơm hả? Có đúng thịt anh thơm không?” - chủ kênh M.K. Đồng Tháp tra hỏi nhân vật. Người trong cuộc gật gật, không nói gì. Cuối video, chủ kênh công khai khoản tiền do nhà hảo tâm tặng nhân vật nhờ xem được video trước đó, như để “xí xóa” cho những lời tra hỏi phản cảm, vô duyên, xâm phạm đời tư của người khác. An Sơn Phụ huynh nên để mắt khi trẻ lên mạng xã hội Khi lập tài khoản trên YouTube hay TikTok, người dùng được chọn độ tuổi để hiển thị nội dung phù hợp. Tuy nhiên, công cụ lọc nội dung này cũng chỉ mang tính tham khảo, chưa thể bảo vệ trẻ trước vô số clip vô bổ, phản cảm. Do đó, khi cho trẻ vào mạng xã hội, phụ huynh nên kiểm soát nội dung, thông tin mà trẻ xem. YouTube hay TikTok có những thuật toán để hậu kiểm nội dung, như có công cụ, bộ phận kiểm tra những clip bị báo cáo (report) nhiều. Đặc biệt, khi phát hiện những nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng, phản cảm, cổ xúy bạo lực, nền tảng mạng sẽ tự động xóa bài đăng, thậm chí khóa kênh có thời hạn. Diễm Mi |
Diễm Mi - Thành Lâm