Hãy tạo cơ hội để người tài cống hiến

19/09/2024 - 06:32

PNO - Thi tuyển cán bộ lãnh đạo không phải chuyện mới mà đã được nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thu hút nhân tài, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới.

Năm 2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC hướng dẫn việc thực hiện đề án Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đến năm 2022, UBND TPHCM thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và đã tuyển được 13 người.

Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức là nơi thực hiện thi tuyển lãnh đạo cấp phòng - Ảnh: Tú Ngân
Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức là nơi thực hiện thi tuyển lãnh đạo cấp phòng - Ảnh: Tú Ngân

Dù là lần đầu nhưng việc thi tuyển lãnh đạo ở TPHCM đã có những tín hiệu tích cực. Ở lĩnh vực giáo dục, trong 12 thí sinh đăng ký thi tuyển, có 10 thí sinh thuộc thế hệ 8X, 9X, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1993. Qua thi tuyển, 3 thầy cô trúng tuyển được bổ nhiệm phó hiệu trưởng các trường THPT đều khá trẻ, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1984; họ đều có năng lực, có tinh thần cống hiến.

Ở lĩnh vực y tế, thời điểm tổ chức thi tuyển, Bệnh viện Mắt TPHCM gặp rất nhiều khó khăn, bất ổn về quản trị, nhân sự nhưng vẫn có 25 thí sinh dự thi. Người trúng tuyển là bác sĩ Lê Anh Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tức không phải bác sĩ chuyên khoa mắt. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TPHCM và Sở Y tế lúc đó đã xác định “tìm nhà quản lý giỏi chứ không phải tìm người giỏi chuyên môn” và thực tế là sau 18 tháng, dưới sự điều hành của bác sĩ Lê Anh Tuấn, Bệnh viện Mắt TPHCM đã hoạt động hiệu quả, ổn định được đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, duy trì được hoạt động mua sắm, đấu thầu vật tư, thiết bị y tế.

Trước nay, việc đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo bộc lộ một số hạn chế, như thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để người trẻ phấn đấu do tư duy “sống lâu lên lão làng”, “nước lên thuyền lên”. Do đó, việc thi tuyển đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát hiện, thu hút những người có năng lực, phẩm chất theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, hạn chế chuyện chạy chức, chạy quyền.

Tuy nhiên, việc thí điểm thi tuyển ở TPHCM vừa qua cũng gặp khó khăn về cơ sở pháp lý, cách hiểu, cách vận dụng; cấp ủy, cơ quan tổ chức, người dự thi và ngay cả lãnh đạo thành phố cũng có sự lúng túng, e ngại nhất định. Do đó, để mở rộng việc thi tuyển một cách hiệu quả, đưa việc thi tuyển trở thành thông lệ khi lựa chọn lãnh đạo, điều quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý rõ ràng, chặt chẽ về quy trình lựa chọn ứng viên, quy trình thi, tiêu chí đối với hội đồng thi, ban giám khảo, các tiêu chí chấm thi. Công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trong đó tăng cường sự giám sát của người dân để việc thi tuyển thực sự khách quan, công bằng.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, UBND TPHCM sẽ tổ chức thi tuyển 5 phó giám đốc sở, gồm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở An toàn thực phẩm. Đây là các sở quản lý những lĩnh vực quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống người dân và sự phát triển của thành phố. Do đó, người dân rất kỳ vọng kỳ thi sẽ công khai, thực chất, chọn được người có năng lực, tâm huyết.

Thi tuyển lãnh đạo cần được coi là giải pháp quan trọng cho một nền hành chính dân chủ, hiện đại. Cùng với TPHCM, các địa phương trên cả nước cũng đang dần mở rộng hình thức này để thực sự chọn lựa được những cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm từ nguồn tài nguyên nhân lực dồi dào của xã hội.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI