Chỉ lúc đó, họ mới nhận ra mình thuộc về nơi đâu. Chia sẻ của tác giả Sue-ann Tan về Tết Nguyên đán tại Singapore cũng phần nào có nét tương đồng với tình cảm của người trẻ ở Việt Nam đối với Tết truyền thống.
Nếu các bạn cảm thấy mệt mỏi vì phải dự những bữa cơm gia đình cùng họ hàng, thì hãy biến nó thành những cuộc trò chuyện có ý nghĩa với những người thân yêu của mình.
Tôi đã trải qua 20 cái Tết Nguyên đán có lẻ và không bỏ lỡ một dịp nào cả. Thế nhưng tôi lại không hề ưa Tết một chút nào.
Tôi sẵn sàng đánh đổi những buổi thăm hỏi của họ hàng xa xôi để có được một buổi tối yên bình cùng một quyển sách và một cốc trà ấm.
Thế nhưng tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ đó cách đây ba năm, khi nhận ra Tết Nguyên đán lại có ý nghĩa quan trọng đến thế với những người tôi yêu quý.
Hàng năm, vào ngày mùng 1 Tết, bà nội sẽ ngồi ở chiếc ghế của bà tại nhà chị họ tôi.
Vì bà chỉ biết nói tiếng Trung, nên tôi không thể nói chuyện nhiều. Bà thường ngồi nhìn tôi và các anh chị em họ cười đùa với nhau hoặc kể cả khi chúng tôi cắm mặt vào chiếc điện thoại thông minh.
Trong các dịp Tết, tôi thường rất ít khi nói chuyện với bà mà toàn lẻn ra bàn ăn.
Rồi trong một dịp Tết cách đây ba năm, trong khi tôi đang cố né bà để đi tới phía bàn ăn thì bà đã chặn tôi lại, dẫn tôi tới bên chiếc ghế. Hôm đó chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài nhất từ trước tới giờ. Bà đã chúc tôi học tập tốt, gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp và trong cuộc sống.
Tôi cảm thấy rất bối rối và chỉ biết gật đầu và cảm ơn như mọi đứa cháu gái ngoan ngoãn nào cũng sẽ làm trước khi quay lưng và bước đi thật nhanh.
Đấy có lẽ là những lời cuối cùng bà từng nói với tôi. Và cái tết sau đó thật ảm đạm.
Chiếc ghế đã không còn bà ngồi ở đó nữa.
Bà mất ở tuổi 77 khi chiếc máy điều hoà nhịp tim bất chợt ngừng hoạt động.
Khi đó, tôi mới nhận ra bóng dáng của bà trong tôi có ý nghĩa nhiều đến như thế.
Với bao nhiêu bộn bề trong cuộc sống hàng ngày, với trường lớp, với công việc, chúng ta thường bỏ qua và không trân trọng sự hiện diện của người thân xung quanh mình.
Các nhãn hiệu bia của Singapore đã tung ra chiến dịch quảng cáo video trong dịp Tết với hình ảnh cha mẹ lớn tuổi phải đón Tết một mình, trong khi những người con đang sinh sống làm việc ở nước ngoài không có dự định quay về nhà thăm quê.
Hàng triệu lượt truy cập
Phim quảng cáo của Singtel đã có hơn 4,7 triệu lượt xem trên mạng xã hội Facebook. Khi đọc các dòng chia sẻ bên dưới đoạn quảng cáo, có thể thấy rằng đoạn phim này đã đánh thức tỉnh một lượng người không ít như tôi, một người đã không hề coi trọng những bữa cơm đoàn tụ vào dịp Tết, hoặc quên đi rằng đấy những bữa cơm gia đình mà bố mẹ mình mong mỏi cả năm trời.
Cảnh quay một người cha già ngồi một mình bên mâm cơm, mong chờ những đứa con sẽ về ăn cùng đã khiến tôi bật khóc. Đúng, tôi chưa từng bỏ lỡ một bữa cơm gia đình nào trong dịp Tết ở Singapore. Nhưng có lẽ tôi đã không thật sự có mặt ở đó.
Tôi đã từng nghe những người bạn tôi nói về bữa cơm gia đình như một “cực hình”, nhất là khi họ phải trả lời những câu hỏi tò mò của họ hàng: “Cháu có người yêu chưa?”. Hay: “Cháu dự định làm gì với cái bằng đại học đó?”
Nhưng bây giờ tất cả đã thay đổi. Tết Nguyên đán không còn là thời gian mà tôi phải cắn răng chịu đựng. Đây là khoảng thời gian để chia sẻ những câu chuyện đầy ý nghĩa với người thân trong gia đình, nếu như tôi thật sự lắng nghe họ.
Giáng sinh năm ngoái tôi đã tới tình nguyện ở một trại tế bần danh cho những người bị bệnh nhân chỉ có khả năng sống chưa tới một năm. Tôi đã giúp họ nấu một bữa ăn liên hoan.
Tôi được biết rằng nhiều trong số bệnh nhân đó còn không thể sống quá ba tháng. Khi tôi ngồi nói chuyện với một người đàn ông tầm 50 tuổi bị mắc bệnh ung thư gan, tôi mới nhận ra rằng có lẽ năm sau tôi sẽ không còn nhìn thấy ông nữa.
Có thể ông bà, bố mẹ chúng ta không bị rơi vào hoàn cảnh như vậy, nhưng mỗi giây phút bên cạnh họ đều thật sự quý giá.
Trong cuộc nói chuyện cuối cùng với bà nội, bà đã dành cả yêu thương và gửi tôi những lời chúc thật tốt đẹp. Còn tôi lúng túng chỉ biết “đứng trơ như khúc gỗ”, tay nắm chặt chiếc điện thoại và chẳng thể chúc lại bà những điều tương tự.
Khi Tết đang dần tới gần, đây như là một lời cảnh tình về những gì tôi đã đánh mất và rút ra một bài học quý giá từ đó.
“Thần tài tới, thần tài tới”
Đây là một bài hát rất nổi tiếng trong dịp Tết với thông điệp chào đón Thần tài.
Bạn có thể bảo tôi bị điên nhưng khi bài hát này được vang lên trong siêu thị FairPrice, tôi đã bật khóc.
Sắp tới Tết rồi và tôi không thể tin rằng năm nay tôi sẽ đón năm mới ở nhà cùng gia đình. Tôi đã sống và học tập ở Edinburgh bốn năm và bởi vì các kỳ học đều rơi vào thời điểm năm mới nên tôi không thể quay về nhà ăn Tết.
Tôi chưa từng là tuýp người dễ bị xúc động hoặc ít khi có cảm giác nhớ nhà. Đến nỗi mẹ tôi đôi khi còn khó chịu vì sự thiếu tình cảm của tôi. Nhìn lại lúc tôi bước chân lên chuyến bay đi Scotland vào năm 2013, Tết nguyên đán có lẽ là điều cuối cùng tôi nghĩ tôi sẽ nhớ.
Tại sao tôi lại phải nhớ những buổi “hỏi cung” từ những người họ hàng tò mò, và cứ phải gật đầu một cách vô thức trong những cuộc trò chuyện bằng tiếng Trung mà tôi hầu như chẳng hiểu họ đang nói gì?
Tệ hơn nữa khi phải chịu đựng những ngày tiếp đãi họ hàng miên man trong cái nóng oi ả? Tất cả sẽ không còn nữa! Hoặc đó là những gì tôi tưởng mình mong muốn.
Thế nhưng tới năm thứ hai, tôi đã bắt đầu nhớ cái nóng ngột ngạt quen thuộc đó, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhớ cái Tết ở Singapore với những đồ trang trí loè loẹt và những giai điệu quen thuộc như “Phát tài nhé!”.
Gia đình tôi luôn có những buổi tụ tập ồn ào với rất nhiều đồ ăn ngon, một vài chai rượu kèm theo hàng giờ đồng hồ nhậu nhẹt và đánh bài.
Bà tôi thường sẽ nấu các món tủ và năm nào cũng thế, bà bỏ ra cả tuần để chuẩn bị cho bữa ăn hôm đó. Tôi chưa từng thích những cuộc tụ hội như thế. Và trong những năm đi du học, tôi đã hai lần tránh không về nhà ăn Tết.
Cuộc sống mới
Tôi đã bắt kịp với cuộc sống mới, có thêm bạn mới và cũng có thêm cả những thói quen mới. Tôi đã hoàn toàn quên những cuộc liên hoan miên man hàng giờ vào dịp Tết.
Vậy mà trong một lúc bất chợt, tôi cảm thấy như mình đã bỏ quên một thứ gì đó quen thuộc, khi đó tôi mới chợt nhận ra rằng đã tới tháng 2 rồi.
Tôi nhớ Tết năm ngoái, tôi dẫn Lucy, một người bạn Scotland, tới ăn một quán lẩu ở Edinburgh trong một ngày rất lạnh. Hôm đó tôi cố gắng tìm lại cảm giác được ngồi ăn trong không khí ồn ào, say sưa của dòng họ Cheow-Tan.
Trong suốt hai tiếng đồng hồ tôi đã kể hết câu chuyện nọ tới câu chuyện khác về bữa tiệc hàng năm của gia đình tôi cho Lucy. Khi quay về căn phòng lạnh lẽo của tôi, lúc đó tôi mới nhận ra mình nhớ nhà tới nhường nào.
Từ truyền thống ăn bát chè nóng vào đêm giao thừa, thức chờ để gửi lời chúc Tết đầu tiên tới bố mẹ, cho đến những đêm hát karaoke tới khuya cùng họ hàng.
Tôi mong tới ngày quay về thật nhanh vì tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu cái Tết như thế. Trong bốn năm xa nhà, tôi đã mất cả ông nội và ông ngoại, và đã không về dự cái Tết cuối cùng nào của các ông.
Tôi đã bỏ quên gia đình mình trong một thời gian không hề ngắn. Nhưng sẽ không bao giờ là quá muộn để quay trở về. Tôi mong chờ được về ăn cái Tết đầu tiên sau bốn năm. Được ăn những chiếc bánh dứa, bánh dừa kueh bangkit và món cà-ri ngon tuyệt vời của bà.
Được các anh chị em họ “vặt” tiền vì họ chơi bài giỏi hơn tôi rất nhiều. Và được uống và cười nói cùng với cả gia dình.
Nhưng hơn tất cả, tôi mong chờ được về bên gia đình, được gật đầu lia lịa với những câu nhận xét tương tự như: “Trời ơi, trông cháu thật là lớn!”, và được thủ thỉ tâm sự cùng các cô và các bà.
Tôi cũng mong được về để chụp hàng triệu bức ảnh “tự sướng” với cô em gái, nghe mẹ tôi cằn nhằn vì để phòng bừa bộn, và chế giễu những câu chuyện cười nhạt toẹt của bố tôi (con xin lỗi bố nhé).
Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy vui khi bị họ hàng xúm lại hỏi thăm. Và tất nhiên là tôi cũng nhớ cả những phong bao lì xì nữa chứ.
An Bùi (theo TNP)