Hãy sống an lành như gió

04/09/2020 - 18:06

PNO - Nhiều lần trong Như gió an lành, tôi bắt gặp lời “kêu gọi” rất ân cần của tác giả: giờ bạn hãy cùng ngồi xuống và thưởng thức những điều thật nhẹ nhàng.

Cuộc sống của mỗi người chỉ thật bình yên khi buông những gánh nặng. Trồng một cái cây để gieo màu xanh, dừng lại sẽ nhìn thấy rõ: À, cuộc sống vẫn đẹp biết bao nhiêu…

Và có lẽ, đó cũng chính là tinh thần chủ đạo của Như gió an lành - cuốn sách thứ tư của cư sĩ trẻ Lưu Đình Long. Sau Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong thì Như gió an lành vẫn là những thủ thỉ, giản dị mà đầy đồng cảm sẻ chia, dành cho bạn, cho tôi trong cuộc sống bộn bề này.

Lưu Đình Long gọi độc giả của Như gió an lành là “người thương”. Cũng bởi là “người thương”, nên sẽ nói với nhau những gì thật thà, chân thành nhất. Người thương là người hiểu ta. Còn người ta thương là người ta hiểu họ. Khi ai đó thương ta, ta không cần phải cố chỉnh sửa bản thân để rồi đánh mất chính mình. Chữ “người thương” còn được sử dụng trong vài bài viết khá thú vị khác: “Bạn đã có người thương chưa?”, “Thương người đã có người thương”, “Khi người thương không còn nói thương”…

Đôi tay bé nhỏ của chúng ta không thể nắm cùng lúc quá nhiều thứ. Có những thứ không phải để ta nắm, mà cần ta quan sát và yêu thương. Như duyên và nợ của cuộc sống mầu nhiệm. Có những người và những điều ta không ngờ tới bỗng đến và bước vào “nhà ta” một cách bình an, giúp nhau thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa.

Riêng nợ trong đời này thì không phải bao giờ cũng xấu. Đây chính là một góc nhìn rất khác của Lưu Đình Long. Là khi bạn nhận ra, bạn của năm tháng đó, khi còn bên họ, đã “quá cố” và họ của tháng năm nào cũng đã “chết” rồi. Mình chẳng thể sống hoài với người đã chết mà bỏ quên mình của hiện tại. Con người cần giữ mình khi trên đỉnh và gượng dậy khi rơi xuống đáy để rắn rỏi hơn.

Chỉ cần mình kiên nhẫn bước tới và không ngừng tin vào bản thân.

Tôi có lẽ thích nhất cái góc “An” này trong Như gió an lành. Bởi sau bao nhiêu vất vả mỏi mệt bên ngoài, bao nhiêu thăng trầm biến cố, mà như tác giả nói, ai cũng cần phải trải qua để trưởng thành, người ta bỗng cảm thấy mình cần có một chỗ để trú ẩn. Nơi nào an toàn, ấm cúng, bình yên nhất? Là trong bụng mẹ. Là nhà mình. Là ở đây, bây giờ. Câu trả lời ấy, bạn sẽ tìm được trong Như gió an lành.

Như gió an lành không chỉ có những giọt nước mát mẻ chảy vào lòng người thương, mang theo sự nhẹ nhàng, khỏe, an… mà còn là cảm giác vui vẻ, tinh nghịch của một tác giả trẻ. Kiểu như trong bài viết “hãy thôi… lầy lội” dành cho một người em đang chìm trong biến cố, không lên gân xa vời, mà rất đời, rất thật, mà cũng rất đáng để suy ngẫm.

Hay “lỗi mình khó kiếm, lỗi người dễ soi” là cách hành xử thường gặp. Ta thích soi mói chê bai người khác quá. Ta sai lầm khi nghĩ rằng, tìm lỗi người, chê bai người thì sẽ làm ta tốt lên và làm họ không dám xấu đi...

Tôi mượn tiêu đề một bài viết trong quyển sách này để chốt lại cảm xúc của mình khi gấp sách lại. Ta không nên cưỡng cầu, cố đoạt hay cố ép cho chín trái non. Đừng hoài công mong muốn tất thảy mọi người đều yêu quý, tin tưởng hay sẽ đối xử tốt với mình. Điều mình nên làm là cố gắng tốt với người khác, bớt thất vọng, càng nhiều càng tốt.

Vậy thôi, mà ta có thể tập sống an lành như gió.

Hoàng My

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI