Hãy phiêu lưu trong… giới hạn

26/05/2021 - 05:58

PNO - Với nhiều người đàn bà, việc rẽ trái hay phải trước một ngã tư họ cũng phải băn khoăn, suy tính thật lâu. Vì vậy, bước qua được những trận bạo hành, bước qua những thiệt hơn được mất, nhận ra mình cần gì, với họ, đôi khi đã là một cuộc phiêu lưu kỳ thú ngoài mong đợi.

Tặng mình cuộc đi xa

Một sáng nào đó tỉnh dậy, tôi chợt bùng lên nỗi khao khát leo lên chuyến xe buýt, đi đâu đó không cần biết, rồi tôi sẽ xuống xe ở một trạm nào đó, uống ly nước mía và lòng vòng đâu đó. Ước mơ nhỏ nhoi ấy có lẽ cũng là khát khao của bao nhiêu người đang mong mỏi tặng mình một cuộc đi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người chia sẻ, tự dưng họ thích đi đâu đó một mình, chỉ vì họ cảm thấy cần điều ấy. Thế là vùng lên, là bắt đầu một cuộc phiêu lưu, như ngôn ngữ của phụ nữ gần đây kêu gọi nhau: hãy-sống-vì-mình… 

Ước mơ lên một chuyến xe buýt của tôi, hay việc mạnh dạn thực hiện chuyến đi xa, thực ra chỉ là đoạn kết của một hành trình. Là hành trình những người phụ nữ tự nhận thức, tự thay đổi mình, tự biết cách chỉnh lại cuộc sống quá nhiều áp đặt. Dẫu hành trình ấy đầy chất… phiêu lưu.

Trong buổi gặp mặt của một nhóm kết nối doanh nghiệp, chị Thương, doanh nhân chuyên nhập khẩu kẹo, được mời chia sẻ chuyện khởi nghiệp.

Chị nói nhẹ bẫng: “Bắt đầu từ bạo hành gia đình thôi…”. Những người phụ nữ hôm ấy tất thảy lặng yên. Bởi nói câu nào cũng sợ chạm vào nỗi lòng chị. Nhưng với chị Thương, từ những khó khăn trong hôn nhân, chị ngộ ra mà thay đổi bản thân. 

Chị kể, cưới nhau được năm tháng, lúc đang trong cơn thai nghén, anh tát chị một cái tát vì chị lỡ làm rơi mất nhẫn cưới. Sau đó, như một thói quen, anh cứ tiện tay thì tát vợ, đập phá đồ đạc trong nhà.

Một hôm, chị chợt bừng tỉnh khi bắt gặp cái nhìn oán trách của đứa con trai mười tuổi ném về phía cha. Chị nghĩ chị phải thay đổi nếu như muốn giữ gia đình này, giữ cho con lòng kính trọng cha.

Chị nhớ lần chị vung tay lên túm lấy tay chồng khi anh định tát chị, mắt chị cương quyết nhìn anh, lúc ấy chị nghe mình tự nói với mình: “Sẽ ổn, không sao cả, sẽ ổn thôi…”. Thế rồi anh bỏ tay xuống thật. 

Kể lại thì thật dài, nhưng cái bỏ tay xuống của anh và lời thì thầm từ bên trong chỉ trong vài giây, lại là bước ngoặt lớn để chị thay đổi bản thân. Để bắt đầu một hành trình mới, từ việc chấm dứt những cái tát tai vô cớ, đến việc chị bung ra khởi nghiệp - một hành trình nhiều cảm xúc. 

Nhìn cánh tay anh hạ xuống, chị thầm nghĩ, có bấy nhiêu thôi mà mình chịu đựng hơn mười năm, và chồng đã chịu hạ tay xuống rồi, thì việc gì mình làm chẳng được.

Năm đó, chị xin chuyển từ công việc kế toán ra bán hàng trực tiếp ngoài thị trường, chị nghĩ mình bắt đầu tăng kết nối để có thể làm gì đó cho mình về sau này… Với chị, đó cũng là một cuộc phiêu lưu đầy may rủi. 

Với nhiều người đàn bà, việc rẽ trái hay phải trước một ngã tư họ cũng phải băn khoăn, suy tính thật lâu. Vì vậy, bước qua được những trận bạo hành, bước qua những thiệt hơn được mất, nhận ra mình cần gì, với họ, đôi khi đã là một cuộc phiêu lưu kỳ thú ngoài mong đợi.

Đến những phiêu lưu ái tình

“Đàn bà ngoài 40 mà yêu, là yêu thảng thốt, yêu giật mình…”, câu nói đùa này xem ra chưa bao giờ sai với những người “bỗng dưng lại yêu”. Yêu với họ như một công cuộc tìm lại chính mình. Cuộc phiêu lưu ái tình đôi khi lại là liều thuốc hồi sinh cuộc đời.

Trong khóa học về tâm lý phụ nữ được tổ chức bởi một công ty tư vấn, có buổi chia sẻ “phút nói thật”. Hầu hết phụ nữ tham gia đều có câu chuyện yêu đương “ngoài luồng” để kể. Có thể đó không phải là những cơn sa ngã tan cửa nát nhà, nhưng phút say nắng lại giống cuộc bấu víu vào chiếc phao.

Tôi hỏi Liên, phụ nữ kinh doanh trái cây nhập khẩu có mặt trong buổi học: “Chị không sợ điều tiếng gì sao?”.

Chị bảo, chị quý những cảm xúc ngoài luồng đó, nhờ vậy chị mới mạnh dạn và dũng cảm đi tiếp chiều dài cuộc hôn nhân xám xịt. “Tôi chưa bao giờ cổ súy những mối quan hệ mang tính phiêu lưu, những chuyện vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, nhưng xin hãy thấu hiểu từng hoàn cảnh cụ thể” - chị nói. 

Một câu chuyện khác cũng trong buổi chia sẻ ấy là của H. Khi biết tin H. bỏ nhà đi theo anh chàng công nhân trong xưởng của chồng H., cả con hẻm nhỏ ồn ào lời đàm tiếu, miệt thị.

Chỉ có mẹ H. bình tĩnh: “Nó khổ quá rồi, hãy để cho nó vui vài hôm, rồi nó sẽ qua cơn bốc đồng”. Lời của người phụ nữ ngoài 70 tuổi khiến những bàn tán khác chùng xuống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sống cho mình nhưng đừng quên người thân

Chưa bao giờ cụm từ “sống vì mình” trên các diễn đàn phụ nữ nhiều như lúc này, thậm chí có cả hastag kêu gọi trên mạng xã hội.

Nhưng sống vì mình là sống như thế nào? Đàn bà ăn một miếng ngon cũng cho là biết sống vì mình, biết thương mình. Đi du lịch dăm ba ngày cũng nhân danh “tôi đang sống vì mình”, ngoại tình hay cam tâm làm người thứ ba cũng nhận rằng “tôi sống cho mình”…

Trong truyện ngụ ngôn Aesop, có ai còn nhớ chuyện con ếch buộc sợi dây vào con chuột, như một hình ảnh hôn nhân: những sợi dây vô hình dường như trói chặt bước chân đàn bà, ràng rịt họ, giống lời ngon ngọt khi con ếch rủ chuột trói dây cùng mình. 

Thế nhưng, từ những cuộc động viên thoát ly khỏi những ấm ức; từ những phút xao lòng chòng chành với bên ngoài, việc dọn cho mình một cuộc thoát ly hay mô-típ “hãy yêu lấy mình” dường như khiến không ít đàn bà quên mất rằng: Dù có “vì mình, cho mình” cỡ nào, cũng nên phiêu-lưu-trong-giới-hạn, kẻo mình lại trở thành tội đồ, lại mất cả đoạn dài ngồi xử lý hậu quả, và có khi cả đời phải sống trong dằn vặt. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI