Hãy nuôi dưỡng tinh thần tự học

30/11/2024 - 06:22

PNO - Khi ngày càng có nhiều thứ được xử lý qua chiếc điện thoại, người lớn tuổi càng bối rối. Để thích ứng, mọi người chỉ có thể học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời.

Sắp hết tháng Mười một nhưng chị bạn tôi vẫn chưa đóng được tiền học tháng Chín cho con gái đang học lớp Mười. Ở tuổi 57, chị loay hoay với ứng dụng (app) thu tiền của trường trên điện thoại. Đến khi được giáo viên nhắc, chị đành vô trường nhờ kế toán hướng dẫn từng bước thao tác, ghi chép lại trong sổ để tự làm ở nhà. Khi ngày càng có nhiều thứ được xử lý qua chiếc điện thoại, người lớn tuổi càng bối rối. Để thích ứng, mọi người chỉ có thể học mọi lúc, mọi nơi, học suốt đời.

Do tính chất thời đại, việc tự học của mỗi cá nhân trở thành năng lực để sống còn
Do tính chất thời đại, việc tự học của mỗi cá nhân trở thành năng lực để sống còn - Ảnh minh họa

Học tập suốt đời không phải là điều mới mẻ. Bác Hồ đã từng nói: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Chính phủ đã ban hành các đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, phong trào “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”… Các mô hình gia đình học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập cũng không ngừng phát triển trên cả nước, thúc đẩy việc học tập suốt đời.

Trên thế giới, nhiều nước thực hiện các chiến lược cho phép người dân ở mọi lứa tuổi được học kiến thức, kỹ năng và chuyên môn mới trong suốt cuộc đời. Như ở Đan Mạch, cứ 3 người trưởng thành trong độ tuổi 25-64 thì có 1 người tham gia một khóa học nào đó. Nhiều người lớn tuổi thường xuyên tham gia các lớp học nấu ăn, hội họa, ngoại ngữ, âm nhạc hoặc khiêu vũ.

Xây dựng xã hội học tập được xem là chìa khóa phát triển toàn diện, bền vững của các thành phố. Năm 2012, Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO ra đời, thúc đẩy các thành phố xây dựng môi trường học tập suốt đời. Việt Nam có 5 thành phố nằm trong mạng lưới này, mới nhất là TPHCM và TP Sơn La (tỉnh Sơn La). Trước đó, năm 2015 và 2020, các thành phố Hải Dương, Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và Vinh (tỉnh Nghệ An) đã được hòa vào mạng lưới.

TPHCM trở thành thành viên mạng lưới này nhờ những sáng kiến gần đây của chính quyền thành phố được đánh giá cao. Một trong những sáng kiến đó là việc xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc. Mô hình trường học hạnh phúc là trọng tâm của đổi mới giáo dục, xem hạnh phúc là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng học tập. Theo UNESCO, TPHCM đã có nhiều điều kiện thuận lợi để ứng dụng các phương thức đổi mới, đồng thời có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo.

Ngay sau đó, lãnh đạo TPHCM đã triển khai chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030”. Hướng đến năm 2030, mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Điều cốt lõi của xã hội học tập chính là tinh thần tự học. Phương tiện học tập ngày nay không thiếu, hình thức học tập cũng phong phú, nhưng nếu không có tinh thần tự học thì những điều thuận lợi này cũng trở nên vô nghĩa. Do tính chất thời đại, việc tự học của mỗi cá nhân trở thành năng lực để sống còn.

Tinh thần tự học cần được nuôi dưỡng ngay khi đứa trẻ được đến trường. Điều tốt đẹp được gieo từ nhỏ sẽ theo đứa trẻ suốt đời, trở thành hành trang quý giá nhất. Ở Pháp, trường luôn cổ vũ sự ham mê đọc sách. Từ mẫu giáo, trẻ có thể mượn sách ở trường về đọc. Điều này được duy trì đến hết bậc THPT.

Gia đình cũng rất cần góp phần gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần tự học, hiếu học cho con trẻ. Sự vật thay đổi không ngừng, cái ta biết chỉ là hữu hạn nên phải học suốt đời. Ai cũng phải không ngừng học để xây dựng cuộc sống cá nhân hạnh phúc hơn và lan tỏa tinh thần học tập không mệt mỏi đến cộng đồng.

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI