Hãy nuôi dưỡng chỉ số EQ cho trẻ

27/12/2015 - 08:13

PNO - Sự thành công về học hành của con cái, phụ thuộc vào cá tính được hình thành trước tuổi đến trường. Trong đó, có sự đóng góp không ít của bố mẹ...

Các bậc cha mẹ thường quan tâm chuyện con mình được mấy điểm môn này, môn kia, học có giỏi không, có thông minh không. Con mới vào nhà trẻ, mẫu giáo, có người đã tìm cho con môi trường “quốc tế”.

Đối với nhu cầu vật chất, áo quần, ăn uống… của con cái, các ông bố bà mẹ tỏ ra am hiểu và nhanh nhạy đáp ứng. Song, đứa trẻ trưởng thành, và thành công còn tùy thuộc rất nhiều vào “trí tuệ” của cảm xúc. Điều mà bố mẹ ít quan tâm hoặc không biết cách nuôi dưỡng.

Hay nuoi duong chi so EQ cho tre
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Con không hạnh phúc

Chị Trần Thị Cẩm Tiên, nhân viên thư viện tâm sự: “Con gái tôi cứ chơi với bạn nào một thời gian thì nó và bạn ấy lại nghỉ chơi. Điều đó làm nó buồn, chán. Nó cứ than, bạn bè chơi không đẹp, không hiểu nó, chứ con không nhận ra rằng mình không biết cách cư xử với bạn.

Con bực bội khi bạn không tán thành ý kiến với mình, lại còn hay thất thường lúc vui, lúc thờ ơ với bạn. Trong đám đông bạn bè, đôi khi nó lầm lì, khó chịu, khác với lúc nó ở trong một nhóm hai, ba bạn.

Mỗi tối chờ con đi chơi về, tôi thường thấy vẻ mặt thất vọng của nó. Khi tôi hỏi thăm, nó trút hết bực tức lên tôi, và yêu cầu “để con được yên”. Thật tình, muốn giúp con được sống vui vẻ, hài lòng, nhưng tôi không biết cách nào”.

Bà Trần Mai Thúy lại có nỗi lo về đứa cháu ngoại lên 10 tuổi: “Thầy cô bảo nó thông minh, nhưng lại là đứa cá biệt, trong lớp chả ai chơi với nó. Cháu hay gây gổ với các bạn, không kiềm chế được giận dữ, cãi lộn với bạn, hỗn láo với cô giáo… Chưa hết, cháu tôi rất hung dữ với các vật nuôi, nó đánh chó mèo, bóp chết cá, nó không nói chuyện với mẹ, chỉ có tôi là người nó tỏ ra… bình thường”. Bà nhờ các chuyên gia tư vấn xem thằng bé có bị tự kỷ không. Ba mẹ ly hôn năm nó mới lên hai tuổi. Mẹ nó ở nhà, ôm điện thoại, máy tính nhiều hơn ôm con.

Một đứa trẻ ba tháng tuổi, thức dậy lúc nửa đêm và khóc ré lên. Mẹ bế nó và cho bú, hát ru, âu yếm nhìn con và trò chuyện với con. Đứa bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Tình huống xảy ra tương tự, với một đứa bé khác, trạc tuổi, có một bà mẹ khó ngủ sau khi cãi nhau với chồng, tâm trạng bực bội. Đứa bé co rúm người, khi mẹ bế lên và bắt nó phải im. Trong khi cho con bú, bà mẹ lại nhớ cuộc tranh luận với chồng, và càng bực tức. Đứa bé cảm nhận được sự căng thẳng, co người lại, không bú nữa. Bà mẹ khó chịu “Không bú thì thôi” và đặt nó trở lại nôi, mặc nó khóc.

Các nhà tâm lý - giáo dục trẻ chọn hai kịch bản quen thuộc này là điển hình cho thái độ làm nảy sinh ở trẻ tình cảm dành cho bản thân và cho người thân. Đứa trẻ thứ nhất hiểu được, nó có thể cậy trông ở người khác, vì đã hiểu và đáp ứng nhu cầu của nó. Nó cũng đáp trả lại như thế. Còn đứa trẻ thứ hai, phát hiện ra có người cạnh bên, nhưng không phải là chỗ dựa của mình.

Ngôi trường đầu tiên

Trẻ con rút ra những bài học quyết định đến cả đời mình, từ tình huống trong “ngôi trường” gia đình. Chúng nhận được sự giáo dục xúc cảm, là nền tảng để tạo ra quan điểm về bản thân, học được cách đoán xem người khác sẽ phản ứng như thế nào trước tình trạng cảm xúc của mình, đồng thời học được cách phản ứng hợp lý, có lợi.

Sự giáo dục này được thực hiện qua cách đối xử của bố mẹ với con cái: khắc nghiệt hay thông cảm, dửng dưng hay yêu thương… đều góp phần hình thành nên kiểu xúc cảm của con trẻ. Bên cạnh đó, chúng còn thu lượm nhiều bài học từ cách bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau. Từ lúc còn nằm nôi, chúng đã là những học trò cực kỳ nhạy bén, và chịu khó học tập.

Nhà nghiên cứu nhi khoa người Mỹ Berry Brazelton, đã quan sát những đứa trẻ một tuổi về thái độ của chúng đối với cuộc đời, bằng cách đưa cho chúng hai hình khối và yêu cầu chúng ghép lại. Những đứa trẻ ghép lại một cách vui vẻ là những đứa trẻ thường được bố mẹ tán thưởng, khuyến khích và kiên nhẫn. Chúng sẵn sàng vượt qua khó khăn. Trái lại những đứa trẻ sinh ra trong không khí gia đình căng thẳng, hờ hững, sẽ từ chối yêu cầu ghép hình khối, bởi chúng cảm nhận thất bại đang chờ chúng, hoặc như chúng làm được, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Sự khác nhau giữa hai thái độ tự tin lạc quan, hay tâm lý thất bại chủ nghĩa ở những đứa trẻ xuất hiện từ năm tuổi đầu tiên. Sự thành công về học hành của con cái, phụ thuộc vào cá tính được hình thành trước tuổi đến trường. Trong đó, có sự đóng góp không ít của bố mẹ từ những hành vi, cách cư xử, hiểu biết…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI