Hãy nuôi con như một người làm vườn, nở hoa khi nào là việc của cây

28/05/2017 - 06:30

PNO - Làm mẹ, đã có những lúc tôi có cảm giác như mình đang lạc lối, không biết thế nào là đúng sai, không biết mình hành xử như thế là tốt cho con hay chỉ tốt cho mình.

Tôi bắt đầu băn khoăn về con lúc con tôi khoảng hai tuổi. Mỗi tối đi ngủ, thay vì nằm im nhắm mắt hay đếm cừu, hay gì gì đó như người lớn dỗ dành, thì bé lại nói. Con nói lào xào như tiếng gió trong miệng, dù gắng đến thế nào tôi cũng không thể nghe được con nói gì.

Hay nuoi con nhu mot nguoi lam vuon, no hoa khi nao la viec cua cay
Ảnh minh họa

Tôi đoán, có thể con đang vào tuổi bắt đầu khám phá, bắt đầu phát hiện ra ngôn ngữ, nên “ôn bài” trước khi đi ngủ? Ai mà chẳng như thế khi mới bắt đầu học một điều gì; thực hành, tập luyện quên ăn quên ngủ cũng bình thường. Và, tôi yên tâm tiếp nhận những tiếng nói lao xao một mình của con. Có thể bé đang tự ru mình, đang nói chuyện với một người bạn trong trí tưởng tượng, hay đang tập luyện…

Làm sao biết được một đứa trẻ nghĩ gì, ngay cả khi chúng đã lớn, huống chi chỉ là một đứa bé mới tập nói. Mỗi đêm nằm bên cạnh con, tôi đều lắng nghe con nói, dù không hiểu con đang nói gì.

Đến khi tiếng nói im bặt là tôi biết con đã chìm vào giấc ngủ sâu. Bé lớn lên một chút, đã có thể hiểu và trả lời những câu đơn giản, tôi mới hỏi: “Con nói gì mà tối nào mẹ cũng nghe con nói vậy”. Bé chỉ cười, kiểu con có nói thì mẹ cũng chẳng hiểu đâu. 

Trên con đường làm mẹ, đã rất nhiều lần tôi cứ tưởng con sẽ nhảy lên vui sướng vì một việc tôi vừa làm cho con, nhưng hóa ra chúng lại rất thờ ơ. Có lần tôi mang về một con thỏ nhồi bông xinh xắn thì chúng không dám động vào, nhưng chúng lại mon men làm quen với con Gorilla dữ tợn, vốn là đồ chơi của… mẹ.

Hay nuoi con nhu mot nguoi lam vuon, no hoa khi nao la viec cua cay
Ảnh minh họa

Một món ăn tôi nấu xong cả căn bếp ngập mùi thơm nhưng bọn trẻ chẳng thèm động đến, trong khi lại háo hức với một thứ vớ vẩn nào đó như mì gói hay nước tương… Đứa con thứ nhất rồi thứ hai, tôi nhận ra không có công thức nào có thể dùng chung cho hai đứa trẻ, từ chuyện chơi đến chuyện ngủ…

Một kinh nghiệm dùng chung cho hai đứa trẻ trong một nhà đã khó, huống gì áp dụng cho một nhóm trẻ, trong một lớp học, trong một trường, hay một đất nước… Câu cửa miệng ngày xưa mẹ tôi hay hỏi bốn anh chị em tôi khi có “vấn đề” là: “Sao, giờ con muốn mẹ nói chuyện với con bằng chính trị hay quân sự?”.

Chính trị là chỉ nói để chúng tôi tự hiểu ra vấn đề. Quân sự là mẹ cầm cây roi, nói một câu là mẹ đét một cái cho nhớ. Tất nhiên, chẳng đứa nào muốn chọn “chính trị”. Khi đã làm mẹ, nhớ về chuyện cũ, tôi nghĩ chắc lúc đó mẹ chỉ hỏi cho vui vậy thôi, chứ làm gì có chuyện dạy con bằng “chính trị” hay “quân sự”. 

Đôi lần bị mẹ dùng “quân sự”, tôi thường lang thang ra sau nhà. Ở đó có ngôi chùa nhỏ, sư ông thường nhân hậu xoa đầu tôi an ủi. Ông dạy tôi chỉ bằng một câu: “Con khôn cha mẹ nào răn, gẫm như trái bưởi ai lăn nó tròn - con phải biết tự răn mình như thế, nghen con!”.

Làm mẹ, đã có những lúc tôi có cảm giác như mình đang lạc lối, không biết thế nào là đúng sai, không biết mình hành xử như thế là tốt cho con hay chỉ tốt cho mình. Những lúc ấy, tôi lại nghĩ về ông. Nếu như mọi đứa trẻ đều khôn, thì người ta đâu có câu “con dại cái mang”, thì cha mẹ đâu phải đau đầu với việc dạy con đến như thế.

Nghĩ là một chuyện, nhưng lăn tăn vẫn cứ lăn tăn, bởi có cha mẹ nào thấy dễ dàng, thấy chẳng cần gì phải lo lắng trong quá trình trưởng thành của con. Ngay như chuyện đơn giản là mỗi ngày cha mẹ cần dành cho con bao nhiêu thời gian là đủ: 30 phút chất lượng hay hai tiếng đồng hồ. Mà cụ thể thế nào là chất lượng? Còn như phải đến hai giờ mới đủ thì kiếm đâu ra thời gian? Chỉ bấy nhiêu cũng đã rối lắm rồi, trong khi phải còn bao nhiêu chuyện khác nữa. Tôi cứ băn khoăn, tìm lời đáp mãi.

Hay nuoi con nhu mot nguoi lam vuon, no hoa khi nao la viec cua cay

Tình cờ, tại một hội thảo về “Đứa trẻ bên trong”, bác sĩ Newton và bác sĩ Lakshmi, người Ấn Độ đã đúc kết cho chương trình của mình: “Hãy nuôi con như một nữ hộ sinh hay như một người làm vườn. Nữ hộ sinh tạo mọi điều kiên để nâng đỡ bé, nhưng việc ra khỏi môi trường an toàn của mẹ là việc của bé. Người làm vườn cũng vậy, ông ấy không thể bắt một cái cây nở hoa, mà chỉ có thể chăm sóc, tạo điều kiện cho cây đủ đất, nắng, không khí, phân bón… Còn nở hoa khi nào là việc của cây”.

 Trân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI