|
Ảnh cắt từ clip đang gây sốt trong cộng đồng mạng Việt Nam. |
“Có cá nhân có phẩm cách, có gia đình có phẩm cách tất yếu sẽ có quốc gia có phẩm cách”. Bà Bando, nguyên Trưởng ban Xúc tiến bình đẳng giới trong văn phòng nội các Abe lần 1, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Úc đã viết như vậy.
Tôi nghĩ bà có lý. Tất cả các xã hội có sự dịch chuyển theo chiều hướng tích cực đều có sự lột xác ngoạn mục của các cá nhân và sự nhấn mạnh của vai trò cá nhân trong xã hội.
Giả sử như tất cả hoặc chỉ cần 1/2 các cá nhân đều nghĩ rằng sinh mạng con người là quý giá nhất và đáng tôn trọng nhất, vì thế mà cần phải tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ khi họ sang đường thì xã hội sẽ thay đổi.
Khi con người nghĩ rằng sinh mạng là quý nhất và bằng hành động nhỏ như nhường đường cho người đi bộ, xã hội có thể thay đổi, họ sẽ làm được những việc khác tốt đẹp hơn.
Nhìn cảnh dòng người đi xe máy, ô tô hùng hổ lao lên trong khi người đi bộ băng qua vạch trắng sang đường mà thấy rùng mình, ớn lạnh.
Có một sợi dây khá keo sơn gắn bó giữa việc không nhận ra những vấn đề lớn của cộng đồng hoặc làm ngơ trước nó với sự mù mờ về vai trò của cá nhân, trong đó có sự hiện tồn của chính bản thân mình.
Giao thông hỗn loạn ở đô thị nước nhà là hệ quả tổng hợp của nhiều thứ có tính lịch sử nhưng có thể hạn chế thiệt hại của nó từ phương diện cá nhân, trước hết bằng hai việc ai cũng có thể làm trong tích tắc nếu thay được... tư duy.
Một là nhường đường cho người đi bộ. Hai là không bấm còi inh ỏi và chen lấn, đi trên vỉa hè khi tắc đường.
Hãy nhường nhau, kiên nhẫn và hành động theo lý tính.
Nguyễn Quốc Vương
(Bài đăng trên Facebook cá nhân https://www.facebook.com/profile.php?id=100011062518050&fref=ts ngày 6/3/2017, nhân sự kiện hai phụ nữ Hàn Quốc cầm tấm biển ghi bằng tiếng Việt yêu cầu mọi người chạy xe chậm và không lao lên vỉa hè, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ; vụ việc xảy ra tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội; clip về việc này hiện đang gây sốt cộng đồng mạng.
Tựa do Phunuonline.com.vn đặt).