Hãy ngồi xuống với nhau...

07/10/2018 - 14:00

PNO - Tuy khá tiêu cực nhưng có vẻ rất có lý, rằng cuộc sống hiện đại phải chăng “đòi hỏi” sự cô đơn?

Bạn cứ thử quan sát sinh hoạt thường nhật của một gia đình hôm nay. Sáng, cả nhà chở nhau phóng ra đường hòng đuổi kịp lần lượt các mốc thời gian: trường đóng cổng, máy chấm công, giờ hẹn với đối tác... Những đứa trẻ mặt mũi ngái ngủ chia tay bố mẹ ở cổng trường. Vợ chồng tạm biệt nhau ở ngã ba, ngã tư đường rồi rẽ lên công sở. Giỏi lắm thì có cặp được chở nhau đến cơ quan của người kia, rồi cũng việc ai nấy làm.

Hay ngoi xuong voi nhau...
 

Mỗi thành viên tiếp tục cảnh “thân ai nấy lo” cho đến tận chiều tối. Giờ sum họp vài tiếng trước khi đi ngủ thường cũng không thoát khỏi căng thẳng. Người lớn tiếp tục nỗi lo toan cho ngày mai, trong lúc trẻ con phải đánh vật với bài tập về nhà hoặc ủ rũ vì những ước mơ cả nhà được đi chơi đây đó ít khi thành hiện thực. Thậm chí, có đứa chỉ mong được bố nằm cạnh trước khi ngủ nhưng kẻ làm cha mẹ lắm lúc cũng khước từ vì những lý do “chính đáng”.

Màn đêm đô thị lung linh nơi những người dưới một mái nhà dỗ dành sự cô đơn trong thinh lặng với những phác thảo hư ảo của tương lai. Đô thị đông đúc nhưng quá ít kết nối. Tiếng còi xe là cách “giao tiếp” phổ biến thay thế ánh mắt, nụ cười.

Mối đe dọa của sự cô lập hằng chực chờ mọi nơi, mọi lúc. Nếu như công việc hiện đại khiến phần lớn chúng ta gắn liền với chiếc máy tính, dây chuyền sản xuất, thì ngay cả thời gian thư giãn cùng bạn bè, người thân cũng đang bị mạng xã hội chi phối với sự phát triển vũ bão của các phương tiện thông minh.

Người ta có thể bày tỏ sung sướng, đau khổ, quan điểm, hình ảnh hay có khi bật khóc, cởi bỏ… trên Facebook để tìm kiếm ngàn “like”, nhưng có thể lại chẳng bao giờ “thích” nói chuyện, thăm hỏi phần lớn những người trong “friend list” của mình. Có lẽ tất cả chúng ta đều cần giúp đỡ trước khi quá muộn để nhận ra sự thật rằng, chúng ta cô đơn bệnh hoạn dường nào khi gắn chặt cuộc sống với những phương tiện đó. Đời sống bị đe dọa và hoàn toàn vô nghĩa nếu cả đời người chỉ biết giao tiếp, giải trí, tự sướng, du lịch… ảo trên mạng. Câu chuyện về một facebooker có hàng ngàn bạn bè trong danh sách nhưng số người đến viếng đám tang của người ấy chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay nghe chừng quen thuộc lắm.

Vậy mà chúng ta cứ tiếp tục tạo cơ hội cho sự cô đơn không ngừng tăng lên trong xã hội hiện đại bằng cách… khước từ nhau. Cô đơn không còn đơn thuần là một cảm giác mà trở thành căn bệnh thời đại: tôi không quan tâm đến ai và cũng không ai quan tâm đến tôi.

Hay ngoi xuong voi nhau...
Ảnh minh họa

Do vậy, vũ khí tuyệt vời chống lại sự cô đơn là mỗi người hãy trở thành một phần của cái gì đó lớn hơn bản thân mình. Cái gì đó lớn hơn ấy, lại rất giản dị: một gia đình, một nhóm bạn, một cộng đồng, một quốc gia... Nếu chỉ cần để ai đó cảm nhận được chính nỗi cô đơn của ta hoặc ngược lại mà thôi, chính là chúng ta đang cùng nhau đẩy lùi sự cô đơn.

Chủ nghĩa cá nhân cùng với trang blog cá nhân đòi hỏi bạn đại diện cho chính mình. Nó tạo “ảo giác” cần thiết cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng kỳ thực nó đã khiến mọi người tự mãn và… tự nguyện bị cô lập. 

Hãy nghĩ đến trách nhiệm kết nối con người đúng đắn - nơi ta thực sự ngồi với ai đó, ta có thể liên hệ bằng mắt hay ta có thể chạm vào nhau. Công nghệ dù rực rỡ, giúp liên lạc thuận tiện vẫn không thể thay thế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.
Thật tuyệt vời nếu bạn tìm cách ngồi xuống với ai đó, chỉ để nói ra chính nỗi cô đơn của mình. Một cộng đồng tử tế sẽ khởi đầu từ hai cá nhân biết sẻ chia. 

  Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI