Hãy nâng cao 'cốt nền' hiểu biết, thưa đại biểu!

13/07/2019 - 14:48

PNO - Dựa cậy vào tri thức bản địa cũng là điều tốt, nhưng phải trên nền tảng của tri thức khoa học và sự hiểu biết căn bản, sự tỉnh táo của một người… bình thường, chứ chưa nói là một nhà khoa học, một đại biểu dân cử.

Có bịt mắt cũng thấy mồn một những nguyên nhân gây ngập tại TP.HCM. Biến đổi khí hậu dẫn tới lượng mưa lớn, tần suất mưa bất thường; đỉnh triều cao hơn do thủy triều xâm nhập qua hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông với sức tác động của nước biển dâng. Tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp sự phát triển, chưa tính hệ thống thoát nước cũ, nhỏ; khắc phục bằng thiết kế mới thì sai lệch các chỉ số, không phù hợp, thiếu đồng bộ.

Hay nang cao 'cot nen' hieu biet, thua dai bieu!
Chiếc lu chứa nước trong văn hóa bản địa Việt Nam chưa từng làm nhiệm vụ chống ngập đô thị

Ở một góc khác là sự sụt lún nền đô thị, cốt nền xây dựng đô thị thấp nên không tạo được độ dốc phù hợp cho việc thoát nước. Ngoài việc lấn chiếm, san lấp trái phép thì sự buông lỏng (hoặc tiếp tay) trong quản lý cao độ xây dựng dẫn tới hình thành các vùng trũng thấp cục bộ. Chưa tính tới thói quen xấu xí xả rác ra kênh rạch, cửa xả…

Giữa một bên là nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo thành phố, loay hoay qua nhiều nhiệm kỳ trong “sự nghiệp” chống ngập thì bên kia, ta vẫn chưa thể kiểm soát được tốc độ đô thị hóa mà hệ lụy lấn chiếm, san lấp tràn lan từ hệ sông, hệ bờ, đất đai... đã dẫn tới những hậu quả nhãn tiền. 

Trên nền của cuộc xung đột chưa thể hạ giải ấy, một phát kiến, thông qua một phát biểu vốn đã được ấn định thời gian (có quy định cho mỗi đại biểu), được ra đề bài (nội dung thảo luận), được trao quyền và trách nhiệm lên tiếng (đại diện cho cử tri), đúng ra (đại biểu Hội đồng nhân dân) cần có sự chuẩn bị thông số đầy đủ, kiến thức (ít nhất tương xứng với học hàm, học vị của mình) và dĩ nhiên là tiếng bì bõm “sóng xô” tứ phía từ thực tế. 

Đằng này, giải pháp lại là… cái lu, rồi viện dẫn nào là đề xuất từ Nhật Bản, nào là từ “tri thức bản địa”…

Xin thưa, một bản địa Sài Gòn - TP.HCM chưa từng ngập chìm trong cơn lốc xây, lấn, lấp như hiện trạng. Bản địa ấy thậm chí đã từng có những quy hoạch mang tính dự báo bền vững cho tương lai khi có những đầm, hồ trữ nước và cả một khu vực Nam Sài Gòn rộng lớn làm nhiệm vụ thoát nước đô thị, hệ thống cống và kênh rạch giúp đẩy lượng nước dư thừa ra sông, biển... Quan trọng hơn, bản địa ấy có những cư dân từng biết ứng xử và bảo vệ môi trường, cộng đồng hơn ngày nay. 

Dựa cậy vào tri thức bản địa cũng là điều tốt, nhưng phải trên nền tảng của tri thức khoa học và sự hiểu biết căn bản, sự tỉnh táo của một người… bình thường, chứ chưa nói là một nhà khoa học, một đại biểu dân cử.

Đành rằng, trong tri thức (hay là ký ức) bản địa Sài Gòn từng có cái lu chứa nước. Nhưng cái lu chứa nước vào cái thời thiếu nước sạch và nước mưa vẫn còn sạch khác hẳn với cái lu để góp phần chống ngập tại đô thị, dù có được diễn giải là “tri thức bản địa”, "nhân học", “dân gian” hay mênh mang bao nhiêu từ ngữ học thuật.

Chống ngập là câu chuyện đã kéo dài nhiều năm và để giải quyết nó, người ta rất cần nâng cao “cốt nền” hiểu biết, đừng để sự lắng nghe, biết lắng nghe “sụt lún” trong tai mắt giám sát của cử tri - những người đã bỏ phiếu chọn đại diện cho mình. 

Mọi tự biện, vá víu đều lọt thỏm trong mớ… lu ngô nghê, lố bịch.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI