Hãy nắm tay nhau đi…

05/07/2023 - 06:02

PNO - Có nhiều nghiên cứu nói về sự kỳ diệu của cái nắm tay. Nào là giúp giảm căng thẳng, giúp gắn kết, giúp tăng các hoóc môn hạnh phúc, giúp chữa lành những tổn thương...

 

Trong tình yêu, cái nắm tay khó mà giả dối (ảnh minh họa)
Trong tình yêu, cái nắm tay khó mà giả dối (ảnh minh họa)

1. Trước mắt tôi vừa lướt qua một cặp nam nữ nắm tay nhau. Người nam ban đầu bước trước người nữ một nhịp. Anh dừng lại chờ chị, anh đưa tay ra cho chị nắm và họ cùng bước đi. Có vậy thôi mà tôi nhìn theo họ cho tới khi rặng cây che khuất. Tôi mong sao đừng có gì trở ngại trên đường đời khiến họ phải buông nhau.

Hình ảnh 2 người nắm tay đáng lẽ rất bình thường ấy, hay khiến tôi xúc động. Một đôi nắm tay nhau đi trên vỉa hè giữa thành phố rộng này. Họ đang hạnh phúc, chắc chắn thế. Nhưng, họ là gì của nhau? Họ là vợ chồng hay tình nhân? Tình nhân thì họ sẽ nắm tay nhau bao lâu? Vợ chồng sẽ nắm tay nhau bao lâu? Nắm tay đi tới đám cưới bạc, vàng, kim cương, bước tới đôi huyệt mộ và nằm xuống cùng nhau khi mỉm cười giã biệt sự sống?

Tôi nghĩ ai cũng thích nắm tay, nhất là phụ nữ - những người sống tình cảm và ưa tỏ bày muốn nắm tay người thương mọi lúc mọi nơi. Những người khéo giấu giếm sẽ nắm tay ở không gian chỉ 2 người. Người ta có thể nói lời giả dối, thậm chí có thể đến với nhau mà không yêu thương; nhưng nắm tay như một nhu cầu tự nhiên, cái nắm tay chứa đầy tình cảm, ấm áp thì không thể, nó rất khó.

Có nhiều nghiên cứu nói về sự kỳ diệu của cái nắm tay. Nào là giúp giảm căng thẳng, giúp gắn kết, giúp tăng các hoóc môn hạnh phúc, giúp chữa lành những tổn thương… Nhà tâm thần học James A. Coan của Đại học Virginia (Mỹ) từng nói: nắm tay bất kỳ người nào cũng giúp xoa dịu căng thẳng của cơ thể, nhưng khi nắm tay bạn đời thì lại có ảnh hưởng tới những phần quản lý nỗi lo âu - được cho là có liên quan tới sự cảm nhận và phản ứng với những cơn đau do thương tích hay bệnh tật.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

2. Hồi con tôi còn nhỏ, tôi gửi cháu ở trường tư. Trường là một căn nhà lớn nên gia đình cô chủ trường và một số giáo viên ở trên tầng cao nhất. Đưa con tới, tôi luôn gặp cô chủ trường. Cô có vẻ ngoài dễ mến, hệt như một phụ nữ Hàn Quốc lịch lãm và tôi cũng như nhiều phụ huynh, có cảm tình với cô ngay từ phút đầu.

Do phải tăng ca, nhiều lần đến đón con muộn nên tôi gặp anh chồng cô chủ trường trở về trên chiếc xe phân khối lớn. Anh quá trẻ và đẹp trai, phong cách năng động, tự tin, trẻ trung hơn hẳn cô chủ trường.

Một hôm, nhóm phụ huynh thân thiết được rủ đi ăn cùng giáo viên trong trường dịp 20/11. Tuột giày, tôi cúi xuống tìm và vô tình phát hiện ở bàn bên kia cô chủ trường đang lén nắm tay một người khách nam dưới gầm bàn. Vị khách ấy là một phụ huynh trong hội phụ huynh mà tôi tham gia.

Thấy chuyện lạ, tôi “tám” với một cô giáo mà tôi thân như chị em. Cô này nói từng thấy họ lén nắm tay như vậy vài lần. “Chắc chắn họ là tình nhân chị ạ. Mà cũng đúng thôi, chồng chủ trường có bạn gái trẻ lắm, công khai đưa đón cô ta. Nhưng anh ấy không chịu ly hôn, với lý do vì con cái, cha mẹ” - cô giáo nói. 

Thế đó, có những cặp vợ chồng không còn nắm tay nhau. Họ chọn kiểu sống “mắt nhắm mắt mở”, họ chọn nắm tay người khác, hoặc công khai hoặc lén lút dưới gầm bàn, với lý do “giữ gia đình cho con”, “giữ thể diện cho cha mẹ”, hoặc còn các lý do về tiền nong, tài sản sâu xa mà người ngoài không thể biết.

3. Cha mẹ tôi bây giờ đi đâu cũng nắm tay nhau. Nhà tôi ngay mặt tiền đường lớn, công viên của thành phố ở phía bên kia đường, muốn sang phải đi bộ. Mỗi ngày ông bà đều nắm tay nhau qua đường. Tôi và chị gái ngắm cảnh ông bà hạnh phúc ấy thì hay đùa: “Nhà này mẹ là sướng nhất. 2 đứa con gái, có đứa nào được chồng dắt tay qua đường đâu”.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn, cha mẹ tôi cũng cãi nhau, thậm chí còn từng đánh nhau, từng viết đơn ly hôn năm lần bảy lượt, rồi lại xé. Thời nhỏ, đọc nhiều sách văn học, tôi thành cô bé nhạy cảm, luôn so sánh và ước ao gia đình mình hoàn mỹ như trong sách. Tận tới khi trưởng thành, tôi vẫn có lần khuyên mẹ: “Nếu ba cộc cằn như vậy mà mẹ không chịu đựng được thì mẹ ly hôn đi”.

Mẹ nghe tôi nói, ngạc nhiên: “Ơ, sao lại ly hôn? Ông ấy chỉ cộc cằn, thô lỗ chứ có đến nỗi nào”. “Thế sao mẹ cứ gây chuyện để cho ba lên cơn bực tức mất kiểm soát? Từ nay con không muốn nghe bất cứ than vãn nào liên quan việc ba mẹ xung khắc. Chúng con quá mỏi mệt”.

Sau đó, tôi không nghe mẹ than vãn nữa. Và không biết bằng cách nào, ba mẹ tôi càng già càng dịu dàng với nhau. Có lẽ do con cái lớn lên, sức ép kinh tế vì chuyện ăn học của con cái giảm đi, nên mâu thuẫn, tranh cãi và cả đổ lỗi cũng nhẹ dần. Ông bà chăm sóc nhau trìu mến như chưa từng có một quá khứ ồn ào.

Cái nắm tay tuổi già thường đổi bằng không biết bao nhiêu bão giông tuổi trẻ (ảnh minh họa)
Cái nắm tay tuổi già thường đổi bằng không biết bao nhiêu bão giông tuổi trẻ (ảnh minh họa - Flickr.com)

Cái nắm tay rõ ràng là một cách thể hiện “sức khỏe hôn nhân”. Nhìn có vẻ giản đơn, chỉ đưa ra là chạm tới tay nhau, vậy nhưng chỉ vài gang cách xa ấy, có khi là cả chặng đường dài. Sau các cuộc giận nhau, chồng tôi hay tìm cách nắm lấy tay tôi, nếu tôi để yên thì xem như hết giận. Nếu tôi hất ra thì tình hình chắc là chưa ổn. Với đôi khác chắc cũng vậy thôi. Anh chị tôi không còn có thể nắm tay nhau nữa, sau khi chuyện anh đi “ăn bánh trả tiền” vỡ lở. Cô chủ trường mầm non không thể nắm tay chồng. Họ như 2 cuộc đời riêng suốt mấy chục năm hôn nhân lạnh lùng.

Cho tới tận Chủ nhật tuần trước, khi họ cùng đứng trên lễ đường đám cưới con gái, tôi bỗng thấy vợ chồng cô chủ trường nắm tay nhau. Lúc ấy, chẳng hiểu sao tôi xúc động muốn rơi nước mắt. Tôi ước mong sao các cặp vợ chồng trên đời này có thể nắm tay nhau trong suốt cuộc hôn nhân dài. 

Thảo Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI