edf40wrjww2tblPage:Content
Sau cái chết oan uổng của con gái, ngày 1/10, bà Tricia Norman, 42 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng, bắt đầu điều mà bà gọi là sứ mạng chống sự ức hiếp trong giới học sinh. Một mặt, bà mở trang Rebecca Sedwick chống bắt nạt trên Facebook; mặt khác, bà đi nói chuyện và vận động phụ huynh tham gia các trang mạng và các tổ chức xã hội tư vấn cách bảo vệ con mình trước nạn bắt nạt, ức hiếp ngày càng phổ biến trên các trang mạng xã hội nhưng luật pháp không theo kịp, chính quyền thì chưa quan tâm đúng mức.
Rebecca và mẹ
“Sao mày không chết đi cho rồi”
Trang Rebecca Sedwick chống bắt nạt đã nhận được 6.000 lượt “like” chỉ trong bốn ngày đầu, cho thấy sức hút rất lớn của vấn đề này trong xã hội Mỹ. Những buổi nói chuyện của bà Tricia ở Lakeland, nơi Rebecca gieo mình từ tháp lò nung xi-măng bỏ hoang, và hạt Hillboroughs luôn thu hút rất đông học sinh và người lớn đến nghe.
Chuyện bắt đầu với Rebecca Sedwick từ tháng 11/2012, khi đang học lớp 6 trường Crystal Lake. Cô gây sự với một nam sinh cùng lớp và đánh nhau với một nữ sinh từng là bạn thân. Cô bạn này hùa với năm sáu bạn học khác bắt nạt Rebecca trong trường, đồng thời lên Facebook mắng nhiếc Rebecca “vừa xấu, vừa đần, gái vô dụng”. Uất ức, Rebecca từng bỏ nhà đi hoang khiến gia đình phải cầu cứu cảnh sát và cơ quan bảo vệ trẻ em. Rebecca hỏi mẹ: “Có thật là con vừa mập vừa xấu như chúng nó nói?”. Bà mẹ đã trả lời: “Chuyện gì làm con nghĩ như vậy? Con là người xinh đẹp nhất, thông minh nhất mà mẹ được biết”.
Tháng 12/2012, "chiến dịch" nói xấu, bắt nạt Rebecca tiếp tục với 15 nữ sinh và cường độ dữ dội hơn. Các học sinh này thường kết thúc việc thóa mạ Rebecca với câu “Sao mày không chết đi cho rồi”. Rebecca bấn loạn tinh thần, tự cắt cổ tay, phải nhập viện điều trị mất ba ngày.
Ngày 24/1/2013, Rebecca bị tấn công trong hành lang trường. Bà Tricia cầu cứu cảnh sát. Kẻ gây hấn là một nữ sinh cùng lớp. Nhà trường đổi lớp không cho hai em học chung nhưng chẳng giải quyết được gì. Bà Tricia đóng trang Facebook, đổi số điện thoại của Rebecca, hai lần làm đơn đề nghị nhà trường can thiệp để chấm dứt nạn bắt nạt nhưng chẳng ăn thua. Bà đành cho con nghỉ học.
Tháng 8/2013, Rebecca vào lớp 7 trường mới Lawton Chiles Middle Academy, có vẻ hợp với môi trường mới, cười đùa hồn nhiên. Bà không biết, Rebecca đã lén lút tải về những ứng dụng mới như Ask.fm, Kik và Voxer - những thứ mà bà chưa từng biết đến - trên điện thoại di động. Việc này khiến Rebecca tiếp tục bị bắt nạt và đe dọa bằng tin nhắn. Bà chia sẻ: “Tôi có kiểm tra điện thoại nhưng không biết gì về những thứ đó. Tôi không nghĩ mọi sự đang diễn biến rất xấu vì Rebecca vẫn cười đùa bình thường”.
Bà Tricia kể: “Đêm 8/9, tôi vào phòng con thấy nó ngồi nhắn tin. Đó là lần cuối cùng tôi thấy nó còn sống. Sáng hôm sau tôi vào phòng thì không thấy nó nữa. Tôi tưởng nó đi học vì ngày nào nó cũng rời khỏi nhà lúc 6g45”. Đến 7g37, một người bạn quen Rebecca 12 tuổi ở Bắc Carolina qua mạng Facebook cũng nhận được tin nhắn: “Mình sắp nhảy xuống đất đây vì không thể chịu nổi nữa rồi”.17g30, chị của Rebecca gọi điện cho bà Tricia báo tin “Em đi học nhưng không thấy về nhà”. Hai giờ sau, cảnh sát tìm kiếm và phát hiện thi thể cô bé lúc 2g30 ngày 9/9 tại một nhà máy xi-măng bỏ hoang ở Lakeland, một đô thị nhỏ nằm giữa hai thành phố Tampa và Orlando, nơi Rebecca thường đến chơi.
Theo biên bản cảnh sát, Rebecca đã gieo mình xuống từ tháp lò cao của nhà máy. Cuộc điều tra sau đó cho biết trước khi tự tử, Rebecca đã lên mạng tham khảo cách tự tử như “uống bao nhiêu viên thuốc có thể mua không cần toa bác sĩ?”. Hay “Cần uống bao nhiêu viên Advil (thuốc giảm đau) mới chết?”. Các nhà điều tra tìm thấy trên máy tính của nạn nhân ảnh chụp cườm tay bị dao cạo cứa chảy máu, và nằm kê đầu trên đường ray xe lửa. Rebecca cũng thay đổi nickname trên trang mạng cá nhân là “Người con gái đã chết”.
Hiện trường nơi Rebecca tự sát
Đừng tuyệt vọng
Gradu Judd, cảnh sát trưởng hạt Polk, đã triệu tập 15 học sinh bắt nạt Rebecca Sedwick trên mạng để thẩm vấn, đồng thời tịch thu điện thoại và máy tính xách tay. Bang Florida có Luật Chống tội phạm trên mạng, nên ông Judd nói, nếu tìm thấy chứng cứ sẽ khởi tố nhóm học sinh này. Cuộc điều tra đang gặp khó khăn vì website Ask.fm và Kik mà Rebecca sử dụng có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Trong khi chờ đợi, bà Tricia kiên trì thực hiện sứ mạng chống bắt nạt qua mạng. Bà giải thích: “Tôi làm điều này vì đứa con mà tôi rất yêu thương. Tôi cũng làm điều này sau khi đọc được câu “Ngày càng có nhiều đứa trẻ tự tử vì bị bắt nạt. Sẽ còn bao nhiêu trẻ nữa chết do ít người ý thức được rằng từ ngữ cũng sắc như gươm đao?”. Trong một buổi truyền hình phủ sóng toàn quốc, bà Tricia phát đi một thông điệp: “Nếu con bạn nói thường xuyên bị bắt nạt và đe dọa, nghĩa là chúng đang cần được lắng nghe”. Bà cũng khuyên bọn trẻ “Nếu bị bắt nạt, hãy kể lại cho người lớn biết. Nếu họ không nghe, hãy tìm người khác, bởi sẽ luôn có người lắng nghe các cháu. Đừng bao giờ đầu hàng như Rebecca!”.
Trong tâm trạng bức xúc, bà đặt câu hỏi: “Người Mỹ chúng ta có thể đưa người lên cung trăng. Chúng ta cũng có những vũ khí có thể hủy diệt cả thế giới, nhưng tại sao lại bất lực không thể chặn đứng được việc những đứa trẻ 12 - 13 tuổi đẩy một đứa trẻ khác vào con đường tự sát?”.
Tháng Mười này ở Mỹ là Tháng Quốc gia phòng chống bắt nạt với hoạt động trọng tâm là các mạng xã hội vận động cư dân mạng tham gia thảo luận vấn nạn này trên các diễn đàn mạng. Trang mạng Facebook có 1,15 tỷ người sử dụng thông báo đã xây dựng trang Facebook for Educators and Community Leaders Guide hướng dẫn học sinh, phụ huynh và các nhà giáo dục cách đối phó với nạn bắt nạt trong giới học sinh.
Trang Google+ cũng đã liên kết với mạng PopSugar Moms tổ chức bốn buổi trò chuyện Hangout trực tuyến trong tháng Mười. Chủ đề trong tháng là săn đuổi, bắt nạt bằng công nghệ cao, tự tử và tăng cường sự hỗ trợ của trường học về mặt an ninh khi học sinh, sinh viên tham gia các mạng xã hội. Twitter cũng mở trang Safety Tips for Parents, Tips for Teachers và Tips for Teens hướng dẫn cách đối phó hiệu quả với nạn bắt nạt công nghệ cao.
Tác giả các cuốn sách viết về nạn bắt nạt trên mạng như bà Rosalind Wiseman đã hợp tác với Facebook, nhằm “mách nước” cho phụ huynh cách kiểm tra các hoạt động trên mạng xã hội của con cái tuổi còn nhỏ, nhất là mạng Facebook. Nói chung có nhiều “phao cứu sinh” cho nạn nhân những vụ bắt nạt trên mạng nhằm giảm bớt những vụ tự tử nếu các em được lắng nghe và tư vấn kịp thời.
TRỌNG NGHĨA
Kỳ tới: Sợi dây oan nghiệt